Năm 1995, Việt Nam đã từng tiến hành thương thảo với Pháp để mua tiêm kích Mirage 2000. Tuy nhiên, thương vụ đã không thành công vì những lý do khách quan, nhưng điều đó cho thấy rằng tiêm kích của Pháp từng là một trong những ưu tiên cho việc hiện đại hóa không quân Việt Nam.
Tuy đến nay, Mirage 2000 không còn là một tiêm kích xuất sắc, nhưng tập đoàn Dassault đã cho ra đời hậu duệ của Mirage 2000 là mẫu Rafale với nhiều tính năng ưu việt.
|
Liệu tiêm kích Rafale có cơ hội được phục vụ trong Không quân Nhân dân Việt Nam? |
Rafale là tiêm kích thế hệ 4+ mới nhất của Tập đoàn chế tạo máy bay lâu đời nhất nước Pháp Dassault Aviation nghiên cứu, phát triển.
Dassault đã sử dụng khái niệm “tất cả các nhiệm vụ” nhằm giới thiệu Rafale ra thị trường thế giới và để phân biệt với các máy bay chiến đấu “đa nhiệm” khác. Rafale là chiến đấu cơ hiện đại nhất Quân đội Pháp và có thể coi là một trong những tiêm kích đa chức năng tốt nhất thế giới hiện nay.
Rafale được thiết kế với kiểu cánh tam giác và đây cũng là truyền thống chế tạo máy bay của tập đoàn Dassault. Máy bay được trang bị cánh mũi để tăng khả năng cơ động, thiết kế khí động học thuộc loại không ổn định, sự dao động của máy bay được kiểm soát bởi phần mềm điều khiển bay.
Thiết kế khí động học có ưu điểm là giúp máy bay có khả năng cơ động cao hơn những tiêm kích khác, nhưng nó đòi hỏi phải có phần mềm kiểm soát bay hiện đại để kiểm soát trạng thái của máy bay. Mặc dù không có khả năng tàng hình một cách đầy đủ, nhưng Rafale được đánh giá có diện tích phản hồi radar (RCS) và độ bộc lộ hồng ngoại tương đối thấp.
Hệ thống điện tử cực kỳ hiện đại
Pháp là quốc gia có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực điện tử hàng không nên không có gì ngạc nhiên khi Rafale hội tụ những công nghệ điện tử hàng không đỉnh cao của thế giới.
Buồng lái của Rafale thuộc loại “nhà kính” hiện đại, màn hình hiển thị HUD trước mặt phi công có khả năng thể hiện dữ liệu 3 chiều tạo lợi thế rất lớn trong việc kiểm soát mục tiêu. Phi công được trang bị mũ bay tích hợp hệ thống ngắm mục tiêu trên kính mũ.
|
Bên trong buồng lái chiếc Rafale, thanh điều khiển không đặt ở giữa như nhiều máy bay mà đặt sang một bên. |
Cảm biến quan trọng nhất của Rafale là radar quét mạng pha điện tử bị động RBE2 do Thales chế tạo. Hãng này tự tin tuyên bố radar RBE2 đạt khả năng nhận thức tình huống cao nhất từ trước đến nay. Với nó, Rafale có khả năng theo dõi 40 mục tiêu và tham chiến 8 mục tiêu cùng lúc.
Biến thể nâng cấp mới nhất Rafale-M được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động RBE2-AA mang lại một khả năng hoàn toàn mới trong tìm kiếm, phát hiện, theo dõi và tham chiến với nhiều loại mục tiêu khác nhau.
Một trong những tính năng độc đáo của Rafale là hệ thống điện tử hàng không tích hợp có tên là SPECTRA nhằm bảo vệ máy bay trước các mối đe dọa trên không và dưới mặt đất. SPECTRA là sự kết hợp giữa cảm biến cảnh báo laser, tên lửa, hệ thống phân loại và phóng mồi bẫy, gây nhiễu điện tử.
Sự có mặt của SPECTRA giúp Rafale có thể hoạt động một cách an toàn trên không phận của đối phương mà không phụ thuộc quá nhiều vào các tiêm kích chuyên thực hiện nhiệm vụ SEAD (áp chế phòng không không quân đối phương). Tính năng của SPECTRA đã được chứng minh trong chiến tranh Libya năm 2011, Rafale hoạt động an toàn và không gặp bất kỳ sự cố nào có công rất lớn của SPECTRA.
|
Rafale trang bị radar hiện đại cùng nhiều hệ thống trinh sát, phòng vệ tối tân khác. |
Trong nhiệm vụ tấn công mặt đất, Rafale được sự trợ giúp cực kỳ hiệu quả của hệ thống trinh sát quang - hồng ngoại Damocles, hệ thống chỉ thị mục tiêu hồng ngoại FLIR. Hệ thống nhắm mục tiêu hồng ngoại của Pháp được đánh giá là tốt nhất của châu Âu. Gần đây Rafale được bổ sung trang bị hệ thống trinh sát tối tân Areos có khả năng hoạt động bất kể ngày đêm.
Vũ khí đa nhiệm
Rafale có tới 14 điểm treo dưới cánh có khả năng mang tổng tải trọng vũ khí đến 9 tấn. Sở dĩ Rafale có nhiều điểm treo vũ khí đến vậy là nhờ diện tích cánh tam giác tương đối lớn của nó.
Bên trong thân được vũ trang một pháo nòng kép Nexter 30mm với tốc độ bắn 2.500 phát/phút dùng cho không chiến tầm cực gần.
|
Rafale thiết kế với 14 giá treo vũ khí. |
Vũ khí đối không tiêu chuẩn của Rafale là tên lửa không đối không tầm ngắn dẫn đường hồng ngoại MICA, Magic, AIM-9 và đối không tầm trung dẫn đường radar chủ động AIM-120 ASRAAM. Sắp tới, Rafale sẽ được trang bị tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Meteor.
Trong nhiệm vụ đối đất, Rafale trang bị một số loại tên lửa gồm: tên lửa tấn công mặt đất AGM-65 Maverick, AS-30L; tên lửa chống radar AGM-88 Harm; tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow; tên lửa chống tăng AASM; bom thông minh họ Paveway.
Trong tác chiến đối hải, Rafale sử dụng tên lửa hành trình chống tàu tầm ngắn AM-39 Exocet có tầm bắn từ 50-70km.
Về hệ thống động lực, Rafale được lắp 2 động cơ SNECMA M88 cung cấp lực đẩy thô 50kN/chiếc, 75kN nếu sử dụng buồng đốt 2 lần. Buồng đốt của động cơ được thiết kế với tính năng giảm độ bộc lộ hồng ngoại. Loại động cơ này giúp Rafale đạt tốc độ tối đa khoảng 2.130km/h ở độ cao lớn hoặc 1.390km/h tại độ cao thấp.
Bán kính chiến đấu của Rafale khoảng 1.852km, phạm vi hoạt động với nhiên liệu nội bộ khoảng 3.700km, trần bay 16,8km.
So với tiêm kích Su-30MK2 trong biên chế Không quân Việt Nam thì tốc độ của Rafale không nhanh bằng, nhưng lợi thế của nó là khả năng cơ động cao và khá tiết kiệm nhiên liệu.
|
Rafale được cho là có tính cơ động cao hơn cả Su-30. |
Tuy Rafale là một ứng viên xuất sắc để thay thế MiG-21, nhưng việc nhập khẩu tiêm kích này hoàn toàn không phải là điều đơn giản. Nếu nhập khẩu Rafale, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu thêm một loạt các trang thiết bị mặt đất khác.
Về phần tích hợp vũ khí chắc không phải là vấn đề quá khó khăn, vì hiện nay Su-30MK2 đang dùng rất nhiều trang thiết bị điện tử của Pháp.
Một khó khăn khác khi nhập khẩu Rafale là chi phí, Tiêm kích này cùng với Eurofighter Typhoon đang là những tiêm kích thế hệ 4+ đắt nhất thế giới. Đơn giá năm 2010 của Rafale lên 160 triệu USD đắt gấp 2,5 lần so với Su-30MK2. Đây thực sự là bài toán khó với nước có ngân sách eo hẹp như Việt Nam.