Top 5 kỷ lục “khủng” của làng trực thăng quân sự TG(1)

Google News

(Kiến Thức) - Lớn nhất, nhanh nhất, cơ động nhất, vô hình nhất và thành công nhất là 5 kỷ lục của làng trực thăng quân sự thế giới đạt được.

Lớn nhất, khỏe nhất
Mil Mi-26 Halo là trực thăng lớn nhất thế giới, bắt đầu đi vào phục từ những năm 1980. Được phát triển bởi Liên Xô, tiếp nối những thành công trước đây của dòng trực thăng Mil siêu nặng, Mi-26 được thiết kế để trở thành một trực thăng vận tải đa nhiệm có thể sử dụng cả trong lĩnh vực quân sự cũng như dân sự. Là trực thăng lớn nhất thế giới nên mọi tham số của Halo đều rất “khủng”.
Mi-26 được trang bị hai động cơ có công suất lên tới 11.400 mã lực, tuổi thọ 3.000 giờ, bộ cánh quạt 8 lá đường kính 32m cho phép bốc chiếc trực thăng trọng lượng cất cánh tối đa 56 tấn lên bầu trời (gồm 20 tấn hàng). Cùng với đó là khả năng hoạt động bất kể ngày đêm trong nhiêu điều kiện thời tiết phức tạp.
 Trực thăng vận tải quân sự Mil Mi-26.
Mi-26 là sự lựa chọn hàng đầu cho nhưng hoạt động như vận chuyển binh lính, trang thiết bị khí tài kỹ thuật quân sự hạng nặng, tham gia các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy thậm trí đóng vai trò như một sở chỉ huy chiến dịch trên không.
Thực ra, trước Mi-26, Mil Moscow có nghiên cứu chế tạo một “trực thăng” lớn hơn nữa, mang tên V-12. Thiết kế này có hình dạng như một chiếc máy bay cánh bằng choở khách, chỉ có điều thay vì động cơ dưới cánh thì người ta lắp 2 bộ cánh quạt trực thăng đường kính 35m lên đầu mút hai cánh. Kỷ lục trọng tải mà chiếc máy bay này đạt được lên tới 40 tấn. Nhưng vì nhiều lý do, chương trình đã bị hủy bỏ năm 1974.
Thông số kỹ thuật Mil Mi-26 Halo
Kích thước cơ bản: dài 35,91m, rộng 6,02m, cao 8,145m.
Kích thước khoang vận chuyển: dài 12,1m, rộng 3,1m, cao 3,2m
Khả năng vận chuyển: 90 binh sĩ với trang bị đầy đủ hoặc 60 người bị thương với cáng.
Tốc độ tối đa 295km/h
Trần bay: 6.500m
Phạm vi hoạt động: 800km hoặc 1.920km với các thùng nhiên liệu phụ
Tổ lái: 5 người
Số lượng sản xuất: 310 chiếc.
Nhanh nhất
Nếu như người Nga chiếm vị trí trực thăng bự nhất thế giới thì người Mỹ độc bá ngôi vị trực thăng nhanh nhất thế giới. Khi nhắc đến kỉ lục này, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới mẫu máy bay “lai” V-22 Osprey - bay với tốc độ trên 500km/h.
Tuy nhiên, V-22 muốn đạt tốc độ như vậy thì nó phải bay ở “chế độ” như một máy bay cánh cố định. Đó cũng là lý do tại sao người ta thường không tính đến “quái vật” bay này trong các bảng xếp hạng về tốc độ của trực thăng quân sự.
 Trực thăng tấn công nhanh nhất thế giới AH-56.
Để tìm ra kẻ nhanh nhất, chúng ta phải quay ngược lại thời gian những năm 1960-1970, trong chương trình chế tạo trực thăng tấn công tiên tiến AH-56 Cheyenne do hãng Lockheed theo yêu cầu của quân đội Mỹ.
Từ những gì đang xảy ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Lầu Năm Góc mong muốn một mẫu trực thăng vượt xa UH-1. Đó là mẫu trực thăng đầu tiên được trang bị hệ thống yểm trợ hỏa lực đường không tiên tiến. Một động cơ T64-GE-16 công suất 2.930KW cung cấp khả năng cơ động cao cho máy bay.
Trong những thử nghiệm, AH-56 đã đạt được tốc độ bay 407km/h. Cho đến tận bây giờ vẫn chưa có loại trực thăng quân sự nào chạm được đến kỷ lục này. Trần bay mà AH-56 từng chạm tới cũng rất đáng nể, 7.925m.
 AH-56 phóng rocket.
Tuy nhiên, do tham vọng của chương trình quá lớn khiến trình độ công nghệ lúc bấy giờ chưa thể đáp ứng, trực thăng đã gặp nhiều vấn đề về kỹ thuật. Bên cạnh đó là sự khó khăn trong nguồn vốn đầu tư và một tai nạn chết người trong quá trình thử nghiệm đã giết chết tương lai của AH-56. Dù sao thì đây cũng là một nền tảng quan trọng cho sự ra đời của trực thăng tấn công thành công nhất nước Mỹ - AH-64 Apache.
Thông số kỹ thuật AH-56
Kích thước: dài 16,67m, cao 4,18m
Trọng lượng cất cánh tối đa: 11.740kg
Tốc độ hành trình: 362 km/h
Tầm bay: 1.971km.
Hỏa Lực: pháo 30mm, súng phóng lựu 40mm và 6 giá treo rocket, tên lửa chống tăng
Số lượng: 10 chiếc, phục vụ rất hạn chế.
Cơ động nhất
Trực thăng sở hữu thiết kế cánh quạt kép đồng trục có ưu thế về mặt khí động hơn hẳn so với thiết kế rotor đơn. Điều này có thể nhận thấy khi làm một phép so sánh những tham số liên quan của hai bên. Sự vượt trội có thể giải thích từ yếu tố đối xứng tối đa về mặt lực, moment lực và khí động, cánh quạt đồng trục cũng tạo ra hiệu suất nâng lớn hơn khoảng 16-22%, giúp thu gọn kích thước máy bay và cho phép nhà sản xuất tối ưu hóa hình dạng thân.
Dòng trực thăng tấn công Ka-50 là điển hình cho khả năng cơ động của trực thăng đồng trục. Đây là sản phẩm được Kamov tạo ra dựa trên những kinh nghiệm từ chiến trường Việt Nam và Afghanistan.
 Trực thăng tấn công Ka-50.
Trực thăng có khả năng tốc độ 270km/h với bay hành trình và tối đa là 390 km/h, tốc độ bay lùi 90 km/h, tốc độ leo cao tối đa 16m/s. Khả năng cân bằng và giữ ổn định hướng bay của Ka-50 này cũng là rất tốt. Thiết kế có thể chịu quá tải lên đến 3,5g, ở tốc độ 90-100 km/h trực thăng có thể thực hiện các động tác liệng trái, liệng phải với góc 180°, ở tốc độ 230km/h góc liệng giảm xuống 90°, những bài bay dúi mũi, quần vòng quanh một mục tiêu cố định được thực hiện ở tốc độ 180km/h. K-50 cũng có thể thực hiện dễ dàng các bài bay ngửa bụng hay treo cố định ở một vị trí trong nhiều tiếng đồng hồ. Nguồn động lực cho Ka-50 là 2 động cơ TV3-117VMA tổng công suất 4.400 mã lực.
Là một trực thăng tấn công, nó được trang bị pháo bắn nhanh 30mm 2A42 với 460 viên đạn cho phép tấn công hiệu quả các mục tiêu mặt đất trong phạm vi 4km. Hai cánh phụ có vai trò là giá treo vũ khí với tổng trọng lượng 2 tấn, có thể mang nhiều loại tên lửa, rocket và bom trong đó phải kể đến “sát thủ” diệt tăng dẫn đường bằng laser 9K121 Vikhr, tầm bắn 8km, khả năng xuyên phá 900mm giáp tiêu chuẩn (mang tối đa 12 quả).
 Ka-50.
Máy bay có khả năng tự động lái cao nhờ hàng loạt hệ thống điện tử định vị, tự động lái và radar địa hình chính vì vậy nó chỉ sử dụng 1 phi công. Hệ thống cảm biến hồng ngoại kết hợp quang học cho phép xác định mục tiêu ở khoảng cách 20km.
Dù vậy, dường như người Nga đã quyết định không biên chế Ka-50 mà thay vào đó là sử dụng biến thể 2 chỗ ngồi Ka-52 – dùng khoảng 84% kết cấu dùng trên K-50 và có tính năng kỹ thuật tương tự.
Anh Trần

Bình luận(0)