Súng trường tấn công cỡ đạn 7,62mm NATO FN-FAL (Fabrique Nationale de Herstal - Fusil Automatique Leger) được sản xuất bởi FN vào năm 1953, sử dụng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới và đã trải qua 14 cuộc chiến tranh.
Nhiều quốc gia đã sản xuất FN-FAL theo giấy phép kèm theo cả lưỡi lê của nó, trong phạm vi bài viết Kiến Thức xin đề cập đến 3 loại lưỡi lê FAL Type A, Type B và Type C được thiết kế và sản xuất bởi FN tại Bỉ cùng series L1 được thiết kế tại Anh.
Lưỡi lê FAL
- Lưỡi lê FAL Type A
Thiết kế ban đầu của lưỡi lê FAL mang đầy tính sáng tạo. Khi phải đối mặt với những tác động bất lợi mà lưỡi lê có thể gây ra với độ chính xác của một khẩu súng trường tự động áp dụng công nghệ mới, các nhà thiết kế đã giới thiệu khái niệm “free-recoil” nơi một lò xo pít tông ẩn trong chuôi cho phép lưỡi lê “nổi” trong quá trình bắn liên thanh hoặc phát 1 tốc độ cao, qua đó giảm ảnh hưởng bất lợi của lưỡi lê đến độ chính xác khi bắn.
|
Pit tông lò xo trong chuôi lưỡi lê FAL Type A. |
Trên khâu lê FAL Type A có ngạnh che lửa gắn chặt vào vòng khâu do những súng trường FN-FAL đời đầu được thiết kế không có loa che lửa. Phần lưỡi lê là một biến thể dựa trên lê M4 của Mỹ; cán lê có thể được làm bằng gỗ, nhựa hoặc thép; bao đựng được làm bằng thép theo chuẩn lưỡi lê FN Mauser được thiết kế và phát triển từ những năm 1920.
Vào đầu những năm 1960, NATO tiến hành chuẩn hóa súng bộ binh để có thể phóng lựu 22mm từ súng. Điều này đòi hỏi FN-FAL phải được trang bị bộ phận đầu nòng mới lớn hơn cho phép tiếp nhận và phóng được lựu đạn 22mm vì vậy những lưỡi lê FAL Type A trở nên lạc hậu và phải thay thế.
|
Súng FN-FAL với lưỡi lê Type A.
|
Thông số cơ bản: Tổng chiều dài 321mm, chiều dài lưỡi 200mm, đường kính vòng khâu 15,2mm.
- Lưỡi lê FAL Type B
Lưỡi lê FAL Type B được sử dụng trên súng trường FN-FAL trang bị loa che lửa dài kiểu Browning. Lưỡi lê FAL Type B có lưỡi ngắn hơn, vòng khâu lớn hơn và không có ngạnh che lửa.
Các súng trường FN-FAL trang bị loa che lửa dài kiểu Browning là không phổ biến và chỉ được sản xuất với số lượng nhỏ dẫn tới việc lưỡi lê FAL Type B không được phổ biến vào ngày nay.
- Lưỡi lê FAL Type C
Sau khi các nước NATO tiến hành chuẩn hóa súng bộ binh để có thể phóng lựu 22mm từ súng, các lưỡi lê FAL Type A sẽ không thể hoạt động được với súng có gắn loa che lửa lớn hơn. Mặc dù thiết kế của lưỡi lê mang đầy tính sáng tạo nhưng cũng rất phức tạp và tốn kém. Để thay thế, FN lựa chọn phương pháp đơn giản đó quay lại thời kỳ đầu với lưỡi lê cắm.
Ổ cắm của lưỡi lê FAL Type C gồm nhiều khe thẳng hàng, có tác dụng kết hợp với loa che lửa, ổ cắm lê có chiều dài gần bằng phần lưỡi, một lò xo đơn giản được bắt ở phía sau ổ cắm. Lưỡi lê có hình bán nguyệt, phẳng ở đầu và khum tròn ở cuối. Bao đựng lưỡi lê vào thời kỳ này được làm bằng thép hoặc nhựa có dây đeo không thể tách rời, được cố định lại bằng đinh tán.
|
Súng FN-FAL với lưỡi lê Type C.
|
Thông số cơ bản: Tổng chiều dài 286mm, chiều dài lưỡi 165mm, đường kính ổ cắm 22,6mm.
Lưỡi lê L1
Nước Anh đưa vào sử dụng phiên bản FN-FAL của riêng họ được định danh là L1A1 vào năm 1954 khi mà tình yêu của người lính dành cho lưỡi lê No.5 Mk.I dùng trên các loại súng đời cũ còn rất lớn, do đó người Anh quyết định chế tạo một loại lưỡi lê mới dựa trên mẫu này.
Lưỡi lê mới có phần lưỡi được chế tạo theo đúng khuôn mẫu của lưỡi lê No.5, No.7 và No.9 cũ, bao đựng của lưỡi lê No.5 Mk.I được phát triển trong thế chiến II tiếp tục được sử dụng cho series lưỡi lê L1 đến khi FN-FAL bị loại khỏi biên chế của quân đội Anh vào năm 1987.
Lưỡi lê L1 bao gồm các biến thể: 3 sản xuất tại Anh (L1A1, L1A3 và L1A4), 1 sản xuất tại Australia (L1A2), 1 sản xuất tại Canada (C1) và còn có thêm phiên bản (1A) sản xuất tại Ấn Độ. Lưỡi lê của Anh, Australia và Canada tương tự như nhau, chỉ khác nhau ở vài chi tiết rất nhỏ, lưỡi lê của Ấn Độ về cơ bản vẫn theo khuôn mẫu của Anh nhưng có cán bằng gỗ và lưỡi dài hơn.
- Lưỡi lê L1A1/A2
Lưỡi lê L1A1 của Anh tương tự như lưỡi lê L1A2 của Australia (ảnh trên), được sản xuất trong khoảng thời gian từ 1957-1984, chúng đều có phần chốt ấn nhô ra ở chuôi và khác nhau ở chỗ trong khi đầu mút phần rãnh dưới sống lưỡi dao L1A1 có dạng hình vuông thì ở L1A2 có dạng hình tròn. Thay đổi được cho là diễn ra vào năm 1960.
|
Lưỡi lê L1A1 trên súng.
|
Thông số cơ bản L1A1/L1A2: Tổng chiều dài 295/305mm, chiều dài lưỡi 197/203mm, đường kính vòng khâu 14,9/14,9mm.
- Lưỡi lê L1A3
Các lưỡi lê L1A3 được đưa vào sử dụng trong quân đội Anh từ cuối những năm 1950 để thay thế các chốt ấn nhô ra trên cán của lưỡi lê L1A1/L1A2 do trong quá trình sử dụng đã phát hiện ra rằng các chốt ấn nhô ra đó dễ làm cho lưỡi lê bị bật ra. Các chốt ấn mới đã được làm ngang bằng với bề mặt của cán lê.
|
Lưỡi lê L1A3 phiên bản rãnh ngắn.
|
Vào giữa những năm 1960 lưỡi lê L1A3 có một chút thay đổi với đường rãnh trên dao được rút ngắn do lo ngại rãnh quá dài sẽ làm suy yếu lưỡi dao, đi kèm với khâu lê mới đơn giản hơn không có phần “eo” trên thân
Thông số cơ bản: Tổng chiều dài 305mm, chiều dài lưỡi 203mm, đường kính vòng khâu 14,9mm.
- Lưỡi lê L1A4
Lưỡi lê kiểu L1A4 đã được chấp nhận từ cuối những năm 1950, tuy nhiên đã không được sản xuất cho đến những năm 1970. Lưỡi lê L1A4 sử dụng khâu lê đơn giản như trên phiên bản sau của lê L1A3 nhưng phần rãnh trên lưỡi lại được kéo dài như phiên bản đầu.
Thông số cơ bản: Tổng chiều dài 305mm, chiều dài lưỡi 203mm, đường kính vòng khâu 14,9mm.
- Biến thể lưỡi lê 1A được sản xuất tại Ấn Độ
Lưỡi lê 1A của Ấn Độ được sản xuất theo đúng nguyên mẫu lưỡi lê L1 của Anh nhưng có cán bằng gỗ và phần lưỡi dài hơn nhiều. Bao đựng lưỡi lê là bản sao thô loại bao No.5 của Anh nhưng dài hơn.
Thông số cơ bản: Tổng chiều dài 356mm, chiều dài lưỡi mm, đường kính vòng khâu 14,7mm.