Tại sao Israel “khiếp sợ” tên lửa S-300?

Google News

(Kiến Thức) - Hệ thống tên lửa phòng không S-300 thừa sức khắc chế mọi loại tiêm kích tối tân nhất của Không quân Israel.

Mới đây, chính quyền Nga tuyên bố sẽ chuyển giao cho Quân đội Syria các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300 theo hợp đồng đã được ký kết từ trước đó. Động thái này được đưa ra sau khi Không quân Israel thực hiện hai cuộc không kích các mục tiêu quân sự ở ngoại ô Damascus vào ngày 3-5/5.

Quyết định này của Nga đã làm cho chính quyền Israel phải “lạnh gáy” bởi S-300 là một trong hệ thống phòng không hàng đầu thế giới hiện nay.

Thủ tướng Israel Netanyahu đã “tức tốc” tới Moscow để đàm phán với Tổng thống Nga Putin nhằm nỗ lực ngăn cản việc chuyển giao S-300 cho Syria.

“Việc Nga có kế hoạch bán các khẩu đội tên lửa S-300 cho Syria đã khiến chúng tôi lo lắng cao độ và Thủ tướng Netanyahu hoàn toàn nhận định rằng hợp đồng này không nên diễn ra”, Bộ trưởng Năng lượng Israel Silvan Shalom nói.

Theo tờ Wall Street Journall, Syria đã ký thỏa thuận với Nga mua 4 hệ thống tên lửa S-300 (mỗi hệ thống có 6 bệ phóng di động) cùng 144 đạn tên lửa với giá 900 triệu USD trong năm 2010.

Tuy nhiên, tờ báo này không tiết lộ chi tiết biến thể S-300 (có rất nhiều biến thể) cung cấp cho Quân đội Syria. Theo một số nguồn tin khác, đó có thể là kiểu S-300P được phát triển từ cuối những năm 1970.
Hệ thống S-300 làm người Israel như "ngồi trên lửa".

Hệ thống S-300P được thiết kế để tiêu diệt tất cả phương tiện tiến công hỏa lực đường không của địch, các loại máy bay chiến lược, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo với độ chính xác rất cao, cự ly xa hàng trăm km, độ cao lớn.

Hệ thống S-300P gồm nhiều thành phần:

- Đài radar trinh sát 36D6 phát hiện mục tiêu ở cự ly xa tới 360km, bám bắt 120 mục tiêu cùng lúc. 36D6 có khả năng phát hiện mục tiêu kích cỡ tương tự tên lửa ở độ cao 60m cách xa ít nhất 20km, độ cao 100m cách xa 30km.

- Đài radar trinh sát bắt thấp (độ cao thấp) 76N6.

- Đài radar điều khiển hỏa lực 30N6 sử dụng để dẫn đường điều khiển với radar dẫn đường bán chủ động giai đoạn cuối. 36N6 có thể cung cấp kênh điều khiển cùng lúc 4 tên lửa đánh chặn 4 mục tiêu, theo dõi đồng thời 24 mục tiêu.

- Bệ phóng tự hành lắp ống phóng đạn tên lửa sẽ bắn theo phương thẳng đứng.

Tất cả các thành phần đài radar và xe phóng đều được đặt trên xe vận tải bánh lốp hạng nặng, tính cơ động cao. Với khả năng đó, nó cho phép hệ thống đối phó có hiệu quả trước việc không quân đối phương phản đòn.
Tiêm kích tối tân của Không quân Israel sẽ gặp nguy hiểm lớn nếu đối đầu với S-300.

Nhà thiết kế Nga trang bị cho S-300P 4 loại đạn tên lửa từ tầm ngắn tới tầm xa gồm: đạn 5V55K (tầm bắn 47km); 5V55R (tầm bắn 90km); 5V55U (tầm bắn 150km); 48N6/E (tầm bắn 150km) và 48N6E2 (tầm bắn 195km).

Trong đó, hai loại đạn 48N6/E và 48N6E2 dùng công nghệ dẫn đường kiểu “track-via-missile” (TVM).

Nghĩa là, công nghệ dẫn đường cho tên lửa thông qua một kênh liên kết dữ liệu “uplink-downlink”. Dữ liệu của mục tiêu được đầu tự dẫn radar bán chủ động trên tên lửa truyền xuống đài radar mặt đất qua một kênh TVM. Trạm  radar mặt đất sẽ tính toán, sửa chữa cuối cùng cho việc khóa mục tiêu. Dữ liệu sau đó được truyền ngược lại cho tên lửa thông qua kênh TVM. Việc sử dụng hệ khóa mục tiêu kiểu này có ưu điểm là độ chính xác cao.

Hệ thống S-300P được đánh giá là có khả năng kháng nhiễu mạnh, tác chiến tốt trong điều kiện đối phương gây nhiễu điện tử.

Với S-300, khả năng phòng không của Syria sẽ được nâng cao đáng kể và Không quân Israel nếu thực hiện một cuộc tấn công sẽ khó tránh khỏi tổn thất.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Văn Biên

Bình luận(0)