Tàu ngầm là vũ khí tấn công bí mật dưới nước, chính vì lý do đó vũ khí chính được thiết kế cho tàu ngầm chủ yếu là ngư lôi. Các tàu ngầm hiện đại còn được bổ sung thêm tên lửa chống hạm phóng từ ống phóng ngư lôi hoặc ống phóng riêng.
Tuy nhiên, sau chiến tranh thế giới thứ 1, nước Pháp đã chế tạo thành công một chiếc tàu ngầm "cực dị" hoạt động với vai trò như một tuần dương hạm mang tên Surcouf. Đây là chiếc “tàu ngầm pháo hạm” được trang bị pháo hạm lớn nhất trong chiến tranh thế giới thứ 2.
Ra đời bằng cách lách luật
Kết thúc chiến tranh thế giới thứ 1, Hiệp ước Hải quân Washington đã kiểm soát nghiêm ngặt việc phát triển các tàu chiến mặt nước cỡ lớn tuy nhiên lĩnh vực tàu ngầm lại bị bỏ qua. Tận dụng khe hở này, Hải quân Pháp đã lên kế hoạch phát triển 3 chiếc “tàu ngầm hải tặc” trong đó Surcouf là chiếc duy nhất được chế tạo.
|
Tàu ngầm pháo hạm Surouf ra đời từ sự lách luật của Hải quân Pháp.
|
Surcouf được thiết kế với vai trò như một “tàu tuần dương hạm dưới nước” nhằm mục đích tìm kiếm và tiêu diệt các tàu chiến mặt nước. Nó cũng có thể hoạt động với nhiệm vụ trinh sát. Theo đó, tàu ngầm Surcouf mang theo một thủy phi cơ Besson MB.411 trong nhà chứa máy bay được bố trí phía sau tháp chính (còn được gọi là tháp Conning).
Về vũ khí, tàu ngầm pháo hạm Surcouf được trang bị 8 ống phóng ngư lôi 550mm, 4 ống phóng ngư lôi 400mm. Đặc biệt vũ khí tạo nên danh hiệu “tàu ngầm pháo hạm” của nó là cặp pháo cỡ nòng 203mm được bố trí trong tháp pháo áp lực phía trước tháp Conning.
Pháo được nạp đạn từ khoang tiếp đạn chứa 60 quả được điều khiển bởi một máy ngắm có chiều cao 5 mét đủ cao để phát hiện các mục tiêu ở khoảng cách 11km từ giới hạn đường chân trời. Pháo 203mm có thể khai hỏa 3 phút sau khi tàu nổi lên khỏi mặt nước, tốc độ bắn 2,5 viên/phút.
Surcouf cũng có thể sử dụng kính tiềm vọng để chỉ thị mục tiêu cho pháo hạm, ở trường hợp này pháo có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách tới 16km. Nó sử dụng một nền tảng để nâng hệ thống máy ngắm lên độ cao 15 mét. Tuy nhiên, tính năng này nhanh chóng bị loại bỏ do sự lắc lư của tàu khi nổi trên mặt nước khiến máy ngắm không thể xác định được mục tiêu.
|
Cận cảnh cặp pháo hạm cỡ lớn 203mm được trang bị trên tàu ngầm pháo hạm Surcouf.
|
Một tính năng tấn công tầm xa khác của tàu ngầm là sử dụng thủy phi cơ Besson MB.411 để xác định mục tiêu cho pháo, ở trường hợp này pháo có thể tấn công các mục tiêu ở tầm bắn tối đa 39km của nó. Bên trong thân tàu ngầm được thiết kế để mang theo một xuồng máy có chiều dài 4,5 mét cùng một khoang hàng hóa có thể chứa 40 tù nhân.
Surcouf được thiết kế với khoang chứa nhiên liệu rất lớn đủ để hoạt động liên tục ở cự ly tới 19.000km. Dự trữ nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn đủ thời gian hoạt động liên tục đến 90 ngày. Surcouf có chiều dài 110 mét, đường kính 9 mét, mớn nước 7,25 mét, lượng giãn nước khi nổi 3.250 tấn, khi lặn 4.304 tấn. Nó là chiếc tàu ngầm lớn nhất từng được chế tạo cho đến khi bị soán ngôi bởi chiếc tàu ngầm sân bay I-400 của Nhật Bản.
Mặc dù đặc điểm kỹ thuật và ý tưởng tác chiến của tàu ngầm pháo hạm Surcouf là rất ấn tượng nhưng con tàu này gặp khá nhiều vấn đề kỹ thuật trong hoạt động. Thiết kế mặt cắt của tàu ngầm khiến nó rất khó điều khiển khi lặn, khi nổi trên mặt nước nó lại bị lắc lư quá mạnh nhất là trong điều kiện biển động.
Chiếc tàu ngầm này phải mất hơn 2 phút để lặn xuống độ sâu 12 mét khiến rất dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công từ trên không, tệ hại hơn nó chỉ có thể lặn xuống độ sâu tối đa là 80 mét.
Ngay sau khi tàu ngầm pháo hạm Surcouf ra đời đã dẫn đến sự ra đời một hiệp ước mới là Hiệp ước Hải quân London đặt ra các hạn chế trong thiết kế tàu ngầm. Theo đó, các nước như Pháp không được phép duy trì quá 3 tàu ngầm có lượng giãn nước vượt quá 2.800 tấn, pháo được trang bị không vượt quá cỡ nòng 150mm.
Số phận của một con tàu đen đủi
Tàu ngầm pháo hạm Surcouf được đưa vào hoạt động từ năm 1934 nhưng nó không thể hiện được nhiều. Tháng 5/1940 khi nó đang được tân trang lại ở Brest thì Đức tấn công nước Pháp. Surcouf được lệnh sơ tán đến Plymouth thông qua kênh đào Anh để tìm nơi trú ẩn với một động cơ không hoạt động và 1 bánh lái bị kẹt.
Sau khi Pháp đầu hàng Đức, tàu ngầm Surcouf bị phong tỏa tại Anh do lo ngại rơi vào tay Hải quân Đức quốc xã. Đến tháng 8/1940 tàu ngầm Surcouf được trả lại cho lực lượng Hải quân tự do nước Pháp. Trong năm 1941, tàu ngầm Surcouf được cho là đã tham gia vào chiến dịch giải phóng quần đảo Saint-Pierre và Miquelon.
|
Tàu ngầm pháo hạm Surcouf đã bị đánh chìm sau một vụ tấn công nhầm của Mỹ và ý tưởng thiết kế của nó cũng chìm theo.
|
Tuy nhiên, người Pháp đã tiến đến quần đảo này mà không gặp phải bất kỳ sự kháng cự nào nên vai trò của tàu ngầm Surcouf cũng không có gì nổi bật. Đến năm 1942, sau khi bùng nổ chiến tranh với Nhật Bản, tàu ngầm Surcouf được điều động đến Sydney, Australia qua Tahiti. Trong khi đang trên đường qua kênh đào Panama để đến Tahiti thì bị đánh chìm vào ngày 18/2/1942.
Đã có rất nhiều giả thuyết được đặt ra xung quanh việc chiếc tàu ngầm uy lực nhất của Pháp bị đánh chìm. Một số thông tin cho rằng nó bị chìm sau khi va chạm với một tàu buôn của Mỹ. Có giả thuyết cho rằng nó bị nuốt chửng khi đi qua “Tam giác quỷ”.
Nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của chiếc tàu ngầm lớn nhất nước Pháp trong chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, trong hồ sơ lưu trữ của Nhóm máy bay ném bom hạng nặng số 6 của Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ 2 ghi nhận. Họ đã đánh chìm một tàu ngầm lớn vào sáng ngày 18/02/1942 ở khu vực gần kênh đào Panama trong khi đó không có tàu ngầm nào của Đức bị đánh chìm ngày hôm đó nên chỉ có thể là Surcouf.
Tàu ngầm pháo hạm Surcouf biểu tượng một thời của công nghiệp đóng tàu Pháp đã bị đánh chìm bởi chính lực lượng đồng minh. Ý tưởng thiết kế tàu ngầm pháo hạm cũng bị chìm luôn từ đó.