9K32 Strela-2
Tổ hợp tên lửa phòng không vác vai tầm thấp 9K32 Strela-2 (NATO định danh là SA-7 Grail) được sản xuất tại Liên Xô năm 1964 và đưa vào sử dụng từ năm 1968. 9K32 Strela-2 được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam vào năm 1972 và được quân đội ta định danh là A-72.
9K32 Strela-2 kết cấu đơn giản với ống phóng dài 1,4m, đường kính 70mm và trọng lượng 15kg (gồm cả đạn nặng 9,8kg).
|
Chiến sĩ phòng không với "hỏa thần" 9K32 Strela-2 trên vai. |
Đạn tên lửa được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại (tức là bám theo các nguồn phát nhiệt như động cơ của trực thăng hay máy bay cánh bằng). Sau khi phóng, tên lửa nhắm vào luồng phát nhiệt là ống xả của động cơ máy bay và phát nổ.
Đầu tự dẫn của tên lửa hoạt động theo nguyên lý bám đuôi khá đơn giản và cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, do hoạt động theo nguyên lý đơn giản này nên tên lửa dễ dàng bị vô hiệu hóa bởi các biện pháp che chắn hồng ngoại, mồi bẫy pháo sáng.
Để giải quyết hạn chế này, biến thể nâng cấp 9K32M được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại làm mát bằng nito lỏng giúp tên lửa vượt qua các biện pháp đối phó hồng ngoại.
|
Phòng không Việt Nam diễn tập bắn đạn thật với tên lửa 9K32 Strela-2. |
Tên lửa có khả năng tiêu diệt các mục tiêu đường không như: trực thăng, máy bay cánh bằng bay thấp, máy bay không người lái ở cự ly tới 4,2km, độ cao từ 50-2.300m.
Tên lửa A-72 tham chiến lần đầu trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972, sự có mặt của loại tên lửa phòng không tầm thấp này đã góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn khả năng chi viện hỏa lực đường không của Mỹ bằng các loại trực thăng và máy bay cánh bằng. Hiện nay, tên lửa vác vai A-72 vẫn được bộ đội phòng không sử dụng rất rộng rãi.
9K38 Igla
Tổ hợp tên lửa phòng không vác vai Igla (Liên Xô sản xuất) là một sự phát triển độc lập so với gia đình Strela. Mục tiêu của chương trình là tạo ra một tên lửa vác vai có hiệu suất chiến đấu và tầm hoạt động xa hơn so với Strela.
Tên lửa Igla được đưa tới Việt Nam năm 1987, cũng giống như A-72 quân đội ta đã “Việt hóa” với cái tên A-87. Theo một số nguồn tin thì Việt Nam sử dụng 2 biến thể của Igla gồm: 9K310 Igla-1E (cho phòng không hải quân) và 9K38 Igla (cho phòng không trên bộ).
Theo dữ liệu Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom (SIPRI), năm 1996 Việt Nam ký hợp đồng mua 365 tên lửa 9K330 Igla-1E từ Nga trang bị cho tàu pháo Svetlyak Project 10412, tàu tên lửa BSP-500 và Tarantul Project 1241RE.
|
Tên lửa vác vai Igla khai hỏa. |
Biến thể 9K310 Igla-1E nặng 17,9kg (gồm đạn tên lửa nặng 10,8kg) có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 5.000m, độ cao 3.500m.
Đạn tên lửa Igla-1E được trang bị nhiều công nghệ hiện đại như: đầu tự dẫn hồng ngoại thế hệ mới đa kênh có khả năng vượt qua các biện pháp đối phó hồng ngoại và động cơ cải tiến giúp tên lửa đạt tốc độ nhanh hơn.
Một trong những điểm cải tiến mạnh của Igla là khả năng khóa mục tiêu của đầu dò hồng ngoại, cải tiến ngòi nổ cận đích của tên lửa. Các cải tiến về đầu dò hồng ngoại cho phép tên lửa có thể tấn công vào phần thân của máy bay chứ không nhất thiết phải là ống xả của động cơ như trước.
Igla-1E có thể vượt qua được loại mồi bẫy pháo sáng ALQ-144 được trang bị trên các máy bay chiến đấu của NATO. Tên lửa có tốc độ nhanh hơn so với các thế hệ trước đó, tốc độ tên lửa nhanh gấp 2,3 lần tốc độ âm thanh (khoảng 2530km/h).
Còn biến thể cải tiến 9K38 Igla có kích thước tương tự 9K310 Igla-E nhưng có thể diệt mục tiêu ở cự ly 5.200m. Đầu tự dẫn hồng ngoại tên lửa tiếp tục cải tiến tăng khả năng đối phó với biện pháp mồi bẫy, pháo sáng gây nhiễu của đối phương.
Theo một số nguồn tin, cả hai loại tên lửa 9K32 Strela-2 và Igla đều đã được Nga chuyển giao công nghệ cho Việt Nam tự sản xuất trong nước.
TIN LIÊN QUAN: