Quay lén phim chiếu rạp: Tái diễn như cơm bữa

Google News

(Kiến Thức) - Nạn chụp trộm, quay lén phim chiếu rạp vốn đã gây đau đầu cho các nhà sản xuất lẫn phát hành phim. Đâu là lời giải cho vấn đề này.

Tràn lan phim quay trộm
Đích ngắm đầu tiên của nạn quay lén phim chiếu rạp chính là các bộ phim Việt Nam đang trong đợt công chiếu. Những bộ phim hot thường trở thành đối tượng của các web phim trực tuyến. Năm 2015 vừa qua có thể được nhắc tới như “hố đen” của dòng phim nội địa, khi liên tục những tác phẩm điện ảnh nước nhà bị phát tán bản nháp lên mạng một cách không thương tiếc. “Chàng trai năm ấy” là bộ phim nổ phát súng đầu tiên trong trận chiến cạnh tranh view với bản quay trộm. Dù bản lậu của “Chàng trai năm ấy” hiện giờ đã biến mất trên internet, nhưng nó cũng đã khiến Galaxy Distribution và WePro Entertainment phải một phen đứng ngồi không yên. Đến cuối năm 2015, “Em là bà nội của anh” – bom tấn phòng vé với doanh thu khủng lên tới 26 tỷ đồng – cũng không thoát khỏi ống kính của các “phim tặc”.
Quay len phim chieu rap Tai dien nhu com bua
Bản quay trộm của “Chàng trai năm ấy” bị tuồn lên mạng khiến nhà sản xuất phải điêu đứng. 
Việc xuất hiện các bản lậu ngay trong tuần ra mắt của các phim công chiếu dường như đã trở thành điều quá đỗi bình thường. Nhà sản xuất của phim “Gái già lắm chiêu” đã phải khóc dở mếu dở vì “con cưng” của mình bị phát tán một cách méo mó, thô vụng lên internet chỉ sau hai ngày công chiếu. “Vòng eo 56” của Ngọc Trinh dù được o bế và quảng bá rầm rộ khi ra rạp, cũng buộc phải bất lực đứng nhìn bản quay lén tràn lan trên các trang xem phim trực tuyến.
Bên cạnh phim Việt, các bộ phim bom tấn nước ngoài khác cũng không thoát khỏi nạn trộm cắp hình ảnh. Mới đây, siêu sao phòng vé Captain America 3: Civil War (Nội chiến siêu anh hùng) đã trở thành nạn nhân của không chỉ các phim tặc, mà còn của những khán giả thích sống ảo trên mạng xã hội. Bộ phim được ra mắt tại Việt Nam từ ngày 27/4, sớm hơn 10 ngày so với lịch công chiếu chính thức trên toàn thế giới. Các đoạn after-credit (đoạn phim bí mật) của Civil War được coi là “dấu check-in” không thể thiếu đối với nhiều bạn trẻ khi tới rạp thưởng thức bom tấn đầu hè này.
Quay len phim chieu rap Tai dien nhu com bua-Hinh-2
Khi toàn thế giới còn chưa được thưởng thức Captain America 3: Civil War thì đoạn after-credit của phim này đã bị phát tán ở Việt Nam ngay sau công chiếu 3 ngày. 
Theo đánh giá tại cuộc hội thảo về bản quyền phim điện ảnh và truyền hình ở Việt Nam, thì có đến 40% các bộ phim chiếu rạp bị phát tán ngay khi công chiếu. Khán giả sử dụng chính thiết bị di động để quay và chụp lại hình ảnh trên màn chiếu lớn, sau đó phát tán thành các đoạn nhỏ lên mạng xã hội. Hành vi này ảnh hưởng mạnh đến doanh thu và có thể khiến đơn vị phát hành hay bản thân rạp chiếu bị phạt nặng vì vấn đề bản quyền.
Nhiều khán giả khi xem phim thường mắc tật check in mọi lúc mọi nơi. Họ vô tư sử dụng điện thoại để ghi lại các đoạn ngắn của phim và đưa lên các mạng xã hội Facebook, Instagram… như một thói quen. Những hành vi nhỏ này thường xuyên diễn ra khiến các rạp chiếu phải lao đao. Nhiều rạp lớn phải cử người theo dõi trong từng suất chiếu. Trong khi đó, các rạp chiếu nhỏ lại thường không có các biện pháp thắt chặt, để mặc khán giả làm gì tùy ý.
Anh Nguyễn Tuấn Dũng, trợ lý quản lý của rạp CGV Vincom Bà Triệu cho biết: “Trong tuần công chiếu đầu tiên của phim Civil War, chúng tôi đã rất vất vả trong việc cắt cử người theo dõi, tránh các tình huống phát tán phim xảy ra. Tuy nhiên, có vị khán giả chỉ giơ máy lên chụp trong 3 giây, có vị theo dõi ngược lại nhân viên của rạp để thực hiện hành vi chụp lén, hoặc thậm chí sử dụng chức năng quay trực tiếp của Facebook để đăng ngay lên mạng… Số lượng khách trong một phòng thường dao động từ 100 đến 200. Rất khó để đảm bảo được rằng có thể ngăn chặn được 100% các hành vi vi phạm”.
Lời giải sẵn đó nhưng có khó thực hiện?
Có một thực tế cho thấy rằng ở Việt Nam, không phải rạp nào cũng thực hiện tốt công tác kiểm soát trong phòng chiếu. Việc cấm khán giả mang thiết bị di động vào phòng hoặc sử dụng điện thoại trong khi phim đang chiếu là bất khả thi. Đối với các rạp có mức phủ sóng lớn trên địa bàn cả nước, vấn đề bảo mật nội dung phim được đặt lên hàng đầu. Nhân viên sẽ thay nhau túc trực trong phòng chiếu để giảm thiểu tới mức tối đa việc hình ảnh của các tác phẩm điện ảnh bị tuồn lậu ra ngoài. Tuy nhiên đối với các rạp chiếu nhỏ (rạp địa phương), vấn đề này vẫn chưa thực sự được thắt chặt.
Quay len phim chieu rap Tai dien nhu com bua-Hinh-3
 Hình ảnh nhòe mờ, âm thanh hỗn tạp từ bản lậu của “Vòng eo 56” vẫn thu hút hàng chục ngàn lượt view.
Bài toán về nạn quay trộm, chụp lén phim chiếu rạp ngày càng nan giải hơn khi đáp án lại nghiêng phần nhiều về ý thức của khán giả. Bên cạnh những đối tượng trục lợi từ những bản quay lén, vẫn còn đó những khán giả chỉ thích quay trộm để… khoe trên mạng xã hội. Đoạn phim lậu dài 1 phút của “Gái già lắm chiêu” được đưa lên mạng cũng xuất phát từ lòng yêu thích, muốn giữ làm kỷ niệm của một nhóm bạn trẻ thiếu hiểu biết. Hay đôi khi, nó chỉ bắt nguồn từ việc muốn chia sẻ và kiếm thêm vài ngàn lượt like ảo.
Những trường hợp này thường không ý thức được sự nghiêm trọng trong hành vi của bản thân. Họ cho rằng một hình ảnh, một đoạn clip thường không hé lộ quá nhiều điều và cứ thế vô tư vi phạm luật bản quyền. Họ không ý thức được, rằng “thành quả” của vài phút lấm lét trong rạp chiếu có thể khiến doanh thu của nhà sản xuất, nhà phát hành bị sụt giảm nặng nề. Thậm chí, khán giả Việt có thể sẽ mất đi cơ hội được thưởng thức các siêu phẩm điện ảnh trong tương lai, nếu nạn phim tặc khiến các đơn vị phát hành phải cảm thấy e dè và đề phòng.
Tuy nhiên, không thể vứt bỏ hoàn toàn trách nhiệm cho ý thức của khán giả xem phim rạp. Trong khi đó, các nhà sản xuất phim trong nước bị vi phạm bản quyền chưa đấu tranh mạnh mẽ đến cùng. Những vụ quay lén phát tán phim trái phép đối tượng vi phạm là ai, mức độ xử phạt cụ thể ra sao… đều không thấy công bố rõ ràng. Sự việc chỉ như váng dầu nổi lềnh phềnh trên mặt nước, còn xử lý váng dầu thế nào thì chẳng ai hay. Bởi các hình thức xử phạt không được giải quyết cụ thể hoặc công khai, nên đa phần khán giả Việt dù tự ý thức được bản thân đã vi phạm nhưng vẫn có dấu hiệu tái phạm.
Luật pháp ở nước ta đã quy định rõ, nhưng tình trạng ăn cắp bản quyền vẫn tái diễn như cơm bữa. Các rạp chiếu phim dù cố gắng nhắc nhở, bắt quả tang các hành vi vi phạm nhưng cũng không thể kiểm soát một cách triệt để lượng phim bị tuồn trái phép ra ngoài. Mọi giải pháp muốn thực sự hiệu quả, buộc phải có sự phối hợp và nỗ lực từ các bên liên quan. Nếu ý thức về tác quyền trong khán giả không được nâng cao, thì mọi hành động tích cực sẽ chỉ như nước đổ lá khoai.
Căn cứ theo Điều 27 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi quay lén trong rạp chiếu phim là hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với việc sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực ngày 01/07/2016: Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
>>> Xem trailer phim "Vòng eo 56" của Ngọc Trinh:
Bình Minh

Bình luận(0)