Vén màn cuộc đời bí ẩn của tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn

Google News

Phóng viên sáng giá của Reuter và Time nhưng lại là nhà tình báo chiến lược của cách mạng. Trong suốt quá trình hoạt động tình báo ông đã gửi về căn cứ gần 500 báo cáo, tài liệu. Ông là thiếu tướng, anh hùng lao động Phạm Xuân Ẩn.

Người thạo tin bậc nhất
Thiếu tướng tình báo, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Phạm Xuân Ẩn (tên thật là Trần Văn Trung) sinh ngày 12/9/1927. Ông gia nhập cách mạng từ những ngày đầu cuộc chiến năm 1945 và hoạt động với vai trò tình báo chiến lược. 
Ven man cuoc doi bi an cua tuong tinh bao Pham Xuan An
Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn được đánh giá là "Điệp viên hoàn hảo". 
Năm 1957, Phạm Xuân Ẩn là người đầu tiên được chỉ đạo qua Mỹ học ngành báo chí tại Quận Cam, California từ 1957-1959.
Ngày nay trong cuốn niên giám của trường Đại học Columbia của Mỹ, ở trang 2 in hình và giới thiệu về chàng sinh viên Việt Nam với tên Pham An. Nhưng không ai biết được ngoài việc học kiến thức, chàng sinh viên Phạm Xuân Ẩn ấy đã trở thành Đảng viên Cộng sản từ năm 1953.
Sang Mỹ học, Phạm Xuân Ẩn còn có nhiệm vụ tìm hiểu về văn hóa Mỹ vì Đảng đã nhìn thấy sự dính líu sâu sắc của Mỹ đối với Việt Nam. Muốn chiến thắng Mỹ, phải thực sự hiểu Mỹ.
Năm 1959 khi về nước, Phạm Xuân Ẩn hành nghề báo chí, từ Việt Tấn xã dưới thời Ngô Đình Diệm, tới làm phóng viên cho các hãng nước ngoài tại Việt Nam như Reuters, Time… Ông là người Việt Nam duy nhất vào biên chế của hãng nước ngoài với lương rất cao thời đó, 750 USD/ tháng. Với vai trò một nhà báo, ông là ký giả có tên tuổi, nhiều tin tức ông viết cho báo chí trở thành những bài “đinh” được bạn đọc đón nhận.
Đặc biệt, để che mắt, tướng Phạm Xuân Ẩn đã cố biến mình thành một tay chơi giao du rộng rãi và “sành điệu”, ông la cà khắp các vũ trường, các nhà hàng sang trọng… Từ đây Phạm Xuân Ẩn tạo được lòng tin, mở rộng quan hệ và thu thập thông tin.
Những tin tức và phân tích tình báo chiến lược của ông liên tục được bí mật gửi cho Trung ương cục miền Nam thông qua mạng lưới H63, sau đó gửi ra Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ở Hà Nội. Các thông tin của ông sống động, chính xác và tỉ mỉ đến mức khi nhận được, lãnh đạo của ta đã nhận định: "Chúng ta đang ở trong phòng hành quân của Mỹ".
Cụ thể, thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn đã gửi về căn cứ tổng cộng 498 báo cáo, tài liệu nguyên gốc được sao chụp, các thông tin thu lượm được về tình hình của Mỹ ngụy, trong đó có những thông tin cực kỳ quan trọng.
Chính ông trong giai đoạn 1963, sau khi anh em Ngô Đình Diệm bị đảo chính, đã khẳng định Mỹ chưa chịu ngừng tay ở Việt Nam, cho dù nhiều cấp trên của ông đã nghĩ khác. Phải đến tận năm 1965, Mỹ mới chính thức công bố tiếp tục tăng viện cho miền Nam Việt Nam. Sở dĩ Phạm Xuân Ẩn tự tin như vậy vì ông hiểu người Mỹ hơn ai hết.
Đặc biệt, khi bước sang giai đoạn 1972-1975, Phạm Xuân Ẩn tin chắc thời cơ lật đổ chính quyền bù nhìn Sài Gòn đã đến. Ông phân tích dựa trên nhiều dữ kiện. Ông nhận định đây là lúc để kết thúc cuộc chiến. Đúng như ông báo cáo, tháng 4/1975, cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã giành toàn thắng.
Lộ diện
Trong cuốn Điệp viên hoàn hảo X.6 của nhà sử học Larry Berman, trước ngày 30/4, tòa soạn báo Time đã thúc giục Phạm Xuân Ẩn cùng gia đình mau chóng rời khỏi Việt Nam vì tình hình chiến sự đang ngày một căng thẳng. Tuy nhiên, Phạm Xuân Ẩn chỉ đưa vợ con đi trước còn ông chọn con đường ở lại. Khi được đồng nghiệp hỏi sao chưa đi ông chỉ nói là còn mẹ già đang bệnh.
Ven man cuoc doi bi an cua tuong tinh bao Pham Xuan An-Hinh-2
Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn là một trong số ít những ngôi sao sáng nhất của ngành tình báo. 
Theo Larry Berman, Phạm Xuân Ẩn đã ở khách sạn Continental khoảng 1 tuần. Suốt thời gian đó, ông vẫn điều hành văn phòng, tiếp tục có những tin bài cho Time. Ông là một trong những nhà báo chứng kiến sự kiện chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập. Bài báo cuối cùng ông viết cho Time có tựa đề “Cuộc chia tay cuối cùng nghiệt ngã” được ghi là ngày 12/5/1975.
Về lý do tướng Phạm Xuân Ẩn không di tản và tiếp tục làm công tác tình báo ở Mỹ, nhà sử học Larry Berman viết: "Có một điều mà Phạm Xuân Ẩn không hề biết, đó là thời điểm ấy đang có sự cân nhắc rất nghiêm túc của Quân ủy Trung ương thuộc Bộ Chính trị về việc có nên để ông tiếp tục công tác tình báo của mình tại Hoa Kỳ hay không”.
Theo tác giả Larry Berman, chính đại tướng Văn Tiến Dũng cuối cùng đã quyết định nên để Phạm Xuân Ẩn ở lại Việt Nam bởi nếu để Phạm Xuân Ẩn tiếp tục công tác đó chắc chắn ông ấy sẽ thu được nhiều thông tin tình báo có giá trị cho đất nước. Tuy nhiên, sớm muộn gì, ông ấy cũng bị lộ ở nước ngoài và sự tổn thất sẽ rất lớn.
Theo những gì tác giả Larry Berman viết trong cuốn Điệp viên hoàn hảo, thời điểm sau ngày 30/4, việc ông là tình báo nằm vùng là một bí mật. Hầu hết mọi người đều nghĩ ông vẫn đang làm công việc của một nhà báo quốc tế bám trụ ở Việt Nam sau chiến tranh.
Vài tuần sau ngày giải phóng mới có người của lực lượng an ninh đến gặp tướng Phạm Xuân Ẩn và nói: “Ông thì OK”. Tài liệu về danh tính thật của Phạm Xuân Ẩn cuối cùng cũng được chuyển đến. Phạm Xuân Ẩn được xác nhận là “người 30 năm cách mạng” - một thuật ngữ được dùng để nói về những người đã tham gia đánh ngoại xâm trong ba thập kỷ qua.
Ngày 15/1/1976, Trung tá Trần Văn Trung (tức Phạm Xuân Ẩn) được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”. Lúc này mọi người mới biết ông là tình báo viên của Đảng Cộng sản Việt Nam suốt bao năm chiến tranh.
Sau này trong ngày mất của tướng Phạm Xuân Ẩn (20/9/2006), Đại tá Tư Cang, anh hùng lực lượng vũ trang, người từng là chỉ huy của ông Ẩn những năm 1970 viết: “Xuân Ẩn từ nay ẩn thật rồi/ Bạn bè thương tiếc mãi không thôi/ Riêng tôi nhớ mãi người đồng chí/ Dũng cảm thông minh giữa cuộc đời”.
Trong điếu văn của Tổng cục II có đoạn: “Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn là một trong số ít những ngôi sao sáng nhất của ngành tình báo”.
Cho đến nay, cuộc đời và sự nghiệp tình báo của tướng Phạm Xuân Ẩn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn, nhà viết sử. Đã có hơn 5 cuốn sách viết về ông, trong đó cuốn “Điệp viên hoàn hảo” của nhà sử học Mỹ Larry Berman rất “hot” bởi đưa ra nhiều hình ảnh, góc cạch, phân tích được nhiều cá tính, đặc điểm con người Phạm Xuân Ẩn…

Mời độc giả xem video:Đà Nẵng: Tiếp tục truy vết F1, F2 và phong tỏa một số nơi. Nguồn THDT.



Sơn Hà

>> xem thêm

Bình luận(0)