Hội thảo là hoạt động thiết thực, quan trọng nhằm tham vấn, thu thập các ý kiến đóng góp của cộng đồng chịu ảnh hưởng chính bởi HIV và ý kiến của các đối tác phát triển, hỗ trợ đáp ứng với HIV ở Việt Nam cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Qua đó, góp phần khắc phục các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong các quy định liên quan đến quy định chi tiết của Luật Phòng, chống HIV/AIDS về dự phòng lây nhiễm HIV, can thiệp giảm tác hại, điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, điều trị HIV/AIDS, tư vấn và xét nghiệm HIV, huy động sự tham gia của nhóm đối tượng đích và cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
|
Toàn cảnh hội thảo. |
Tham dự hội thảo, về phía VUSTA, có TSKH Phan Xuân Dũng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA); đại diện lãnh đạo VUSTA; thành viên Ban Quản lý dự án VUSTA.
Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu là đại diện lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế); Giám đốc UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS) tại Việt Nam; đại diện Văn phòng Chính phủ; đại diện dự án UNODC tại Việt Nam, thành viên của CCM Việt Nam, đại diện dự án PEPFAR/USCDC và PEPFAR/USAID; cùng với sự hiện diện của các đại biểu đến từ cộng đồng chịu ảnh hưởng bởi HIV của 15 tỉnh và gần 60 đại biểu cộng đồng tham dự online đến từ 18 tỉnh và đại diện các mạng lưới cộng đồng MSM-TG, TGVN, VNP+…
Xây dựng một Nghị định tổng thể là rất cần thiết
Theo tờ trình Dự thảo Nghị định được Bộ Y tế trình Chính phủ, sau khi Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được thông qua năm 2006, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định bao gồm: Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về Quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Nghị định số 75/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về Quy định điều kiện thực hiện xét nghiệm HIV; 4. Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế (nội dung liên quan đến lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS).
|
Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Võ Hải Sơn phát biểu tại hội thảo. |
Kết quả thực hiện của các Nghị định đã tạo được những hành lang pháp lý thuận lợi cho việc tổ chức triển khai các giải pháp can thiệp góp phần giảm tỷ lệ lây truyền HIV. Tuy nhiên, gặp phải một số tồn tại, bất cập trong các quy định của các Nghị định cần phải được khắc phục kịp thời.
Do đó, việc xây dựng một Nghị định tổng thể thay thế các Nghị định đã nói ở nói trên và một số điều của Nghị định số 155/2018/NĐ-CP cần sửa đổi bổ sung là cần thiết, tạo được sự đồng bộ, thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuận tiện trong quá trình áp dụng, tổ chức thực hiện.
Phát biểu tại hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) là rất quan trọng, nhằm hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống HIV/AIDS, góp phần vào thực hiện mục tiêu của Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Võ Hải Sơn cho biết, việc lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) là rất cần thiết. Vì thế, vị đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS mong muốn thu thập được nhiều ý kiến đóng góp từ phía các đối tác, và cộng đồng. Điều này sẽ bảo đảm khung pháp lý, giúp Nghị định đạt hiệu quả cao khi được ban hành, thực thi, giúp các cơ quan quản lý dễ tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người dân, tiếp cận chăm sóc, điều trị một cách công bằng.
|
TSKH Phan Xuân Dũng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu. |
Đồng quan điểm, bà Maria Elena G Filio Borromeo, Giám đốc quốc gia UNAIDS Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch CCM Việt Nam bày tỏ mong muốn Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người sẽ sớm được ban hành, triển khai vào thực tiễn. Đồng thời, Giám đốc quốc gia UNAIDS Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành với Việt Nam trong những nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS, để sớm đạt được mục tiêu kết thúc AIDS vào năm 2030.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Hội thảo cũng đã thu thập được nhiều ý kiến từ cộng đồng chịu ảnh hưởng của đại dịch HIV/AIDS. Trong đó, các ý kiến tập trung đóng góp vào các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; tư vấn và xét nghiệm HIV; quản lý, phân phối, sử dụng thuốc kháng HIV và thuốc thay thế; nguồn lực và cơ chế tài chính...
Dự án VUSTA - Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS là một trong những dự án tiêu biểu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS với nhiều hoạt động can thiệp giảm hại, hỗ trợ tiếp cận. Dự án VUSTA đã giúp cho nhiều trường hợp nhiễm HIV được phát hiện tình trạng bệnh và tiếp cận dịch vụ y tế.
Từ năm 2018 đến nay, dự án VUSTA luôn hướng tới mục tiêu thúc đẩy môi trường thuận lợi về mặt pháp lý và thực thi chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng chính của dự án tiếp cận với dịch vụ y tế. Trong số đó, một trong những mục tiêu của dự án là đẩy mạnh việc hoàn thiện và thực thi khung pháp luật và chính sách nhằm tăng cường việc tiếp cận các dịch vụ y tế một cách công bằng và thuận lợi.
Do đó, dự án VUSTA khuyến nghị mở rộng các hình thức trợ giúp và cứu trợ xã hội, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước, bên cạnh đó đẩy mạnh các cuộc vận động xã hội tham gia bảo đảm an sinh xã hội; tập trung các giải pháp làm giảm kỳ thị của xã hội đối với người tiêm chích ma túy, MSM, phụ nữ bán dâm và tăng ngân sách cho các dịch vụ dành cho các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS. Đặc biệt, quy trình để cung cấp dịch vụ cho các đối tượng có nguy cơ cao nên được tính toán lại và đơn giản hơn.