Phương tiện phòng hộ cá nhân được quy định trong Quyết định số 468/QĐ-BYT ngày 19/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona 2019 (COVID-19) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bộ trang phục phòng chống dịch COVID-19 là một trong các phương tiện phòng hộ cá nhân với chức năng bảo vệ toàn bộ bề mặt cơ thể người sử dụng trong phòng chống dịch COVID-19.
Theo quyết định số 1616/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tạm thời về kỹ thuật, phân loại và lựa chọn bộ trang phục phòng, chống dịch COVID-19, bộ trang phục phòng chống dịch COVID-19 được định nghĩa là phương tiện phòng hộ cá nhân sử dụng trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19, bao gồm: thành phần chính là bộ mũ, áo, quần dạng liền (hoặc rời) và phụ kiện lựa chọn kèm theo (bao giầy, kính bảo hộ hoặc/và tấm che mặt, khẩu trang, găng tay y tế) được trang bị với chức năng bảo vệ toàn bộ bề mặt cơ thể người sử dụng trước nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với máu, dicḥ tiết và giọt bắn đường hô hấp mang các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm khi tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người có khả năng mang mầm bệnh.
|
Ảnh: Minh Hà (Lao động) |
Yêu cầu kỹ thuật đối với bộ trang phục phòng chống dịch COVID-19
Bộ trang phục phòng chống dịch COVID-19 được quy định gồm bộ mũ, áo, quần dạng liền (hoặc rời) và phụ kiện kèm theo (bao giầy, kính bảo hộ hoặc/và tấm che mặt, khẩu trang, găng tay y tế).
Bộ mũ, áo, quần dạng liền (hoặc rời) và bao giầy được sản xuất từ chất liệu vải không dệt, kháng thấm, có khả năng bảo vệ chống vi sinh vật xâm nhập theo đường dịch được chia thành 4 cấp độ theo quy định, dễ sử dụng, mặc thoáng mát, không gây khó chịu quá mức cho người sử dụng, phần mũ bo kín được khuôn mặt (hở phần mắt đảm bảo cho người sử dụng không bị giới hạn trường nhìn). Không gây dị ứng cho người mặc. Bề mặt phải sạch sẽ, không còn đầu chỉ xơ, các viền chắc chắn, kín khít và không có lỗi ngoại quan. Các phụ kiện kèm theo phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định.
Yêu cầu kỹ thuật đối với bộ mũ, áo, quần dạng liền (hoặc rời) phải đảm bảo các yêu cầu về kiểu dáng, kích thước, độ sạch của vi sinh vật; Yêu cầu hiệu suất rào cản của bộ mũ, áo, quần dạng liền (hoặc rời) + bao giầy cũng phải theo quy định cụ thể đối với từng phụ kiện như kính bảo hộ, tấm che mặt, khẩu trang, găng tay y tế, bao giày. Cụ thể, yêu cầu kỹ thuật đối với tấm che mặt phải làm bằng nhựa trong, dẻo, có thể được làm sạch hoặc khử trùng (dùng nhiều lần hoặc dùng 01 lần); Đảm bảo trường nhìn: Chống mờ do hơi nước. Cung cấp tầm nhìn tốt cho người sử dụng; Kích thước: Che hoàn toàn 2 bên tai và chiều dài của khuôn mặt.
Yêu cầu kỹ thuật đối với găng tay y tế: Đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam đối với găng khám bệnh sử dụng 1 lần. Yêu cầu kỹ thuật đối với kính bảo hộ: Đáp ứng tiêu chuẩn EN 166/2002 hoặc ANSI Z87 hoặc TCVN 5039:1990; theo đó, vật liệu là khung PVC linh hoạt, không gây kích ứng đối với da mặt, mắt kính trong suốt (loại không làm biến dạng hình ảnh). Có thể được làm sạch hoặc khử trùng (dùng nhiều lần hoặc dùng 1 lần); Trường nhìn: Chống mờ do hơi nước, cung cấp tầm nhìn tốt cho cả nhân viên y tế và bệnh nhân; Kích thước: Phù hợp với khuôn mặt.
Yêu cầu kỹ thuật đối với khẩu trang gồm 3 loại: Khẩu trang có hiệu lực lọc cao đạt tiêu chuẩn EN 149:2001 + A1: 2009 FFP2 NR D và EN 14683:2019 type I, II hoặc IIR, NIOSH-42C FR84 (ví dụ khẩu trang N95 hoặc FFP2 hoặc tương đương); Khẩu trang y tế đạt tiêu chuẩn TCVN 8389-1:2010 Khẩu trang y tế thông thường hoặc tiêu chuẩn TCVN 8389-2:2010 Khẩu trang y tế phòng nhiễm khuẩn; Khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn theo Quyết định 870/QĐ-BYT ngày 12 tháng 3 năm 2020 của Bộ Y tế.
Phân loại cấp độ của bộ trang phục phòng chống dịch COVID-19 được căn cứ theo hiệu suất rào cản của bộ mũ, áo, quần dạng liền (hoặc rời), gồm 4 cấp độ từ thấp đến cao. Việc sử dụng Bộ trang phục phòng chống dịch COVID-19 phải đảm bảo việc bảo vệ toàn bộ bề mặt cơ thể người sử dụng trước nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với máu, dịch tiết và giọt bắn đường hô hấp mang các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm khi tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người có khả năng mang mầm bệnh. Đơn vị sử dụng bộ trang phục phòng chống dịch COVID-19 cần đảm bảo các thành phần bộ trang phục theo cấp độ sử dụng. Chẳng hạn, đối với bộ trang phục phòng chống dịch COVID-19 cấp độ 3 và 4 thì quy cách của bộ mũ áo quần phải là dạng liền. Bộ trang phục phòng chống dịch COVID-19 cấp độ 1 không nhất thiết phải có bao giày.
Lựa chọn sử dụng bộ trang phục phòng chống dịch COVID-19
Hướng dẫn về lựa chọn việc sử dụng bộ trang phục phòng chống dịch COVID-19 cũng được quy định cụ thể theo khu vực, đối tượng và hoạt động chuyên môn.
Cụ thể, tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Bộ trang phục phòng chống dịch COVID-19 được yêu cầu sử dụng ở cấp độ 3 hoặc 4 tùy theo địa điểm khám sàng lọc, khoa cấp cứu, khu vực cách ly, khoa chống nhiễm khuẩn, bộ phận vận chuyển bệnh nhân COVID-19, hay các khu vực khác mà bệnh nhân đi qua, khu xử lý bảo quản thi hài,…
Tại cộng đồng: Nhà ở trong trường hợp có bệnh nhân hô hấp, và nhân viên y tế chăm sóc, hỗ trợ trực tiếp cho bệnh nhân hô hấp tại nhà sẽ sử dụng bộ trang phục cấp độ 2.
Tại khu vực nhập cảnh, bộ trang phục phòng chống dịch COVID-19 được yêu cầu sử dụng ở cấp độ 1 hoặc 2 tùy theo địa điểm khu hành chính, khu vực sàng lọc, khu vực cách ly tạm thời, xe cứu thương, hoặc xe trung chuyển…
Tại khu vực cách ly tập trung người nghi nhiễm COVID-19: Khu vực trạm gác, bảo vệ vòng ngoài có thể yêu cầu sử dụng bộ trang phục phòng chống dịch COVID-19 cấp độ 1 hoặc 2 khi có tiếp xúc gần. Điểm khử khuẩn phương tiện vận chuyển, khu vực tiếp đón đối tượng cách ly, phòng cách ly tạm thời, bộ đồ sử dụng cho nhân viên y tế là cấp độ 2.
Đội phản ứng nhanh ở bất cứ nơi nào có các hoạt động tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh đã nhiễm, trường hợp nghi nhiễm, đều yêu cầu bộ trang phục cấp độ 3 trở lên.
Tại khu vực lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu xét nghiệm ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Yêu cầu kỹ thuật viên, nhân viên y tế thực hiện thao tác lấy các mẫu hô hấp, thực hành xét nghiệm mẫu nghi ngờ, mẫu bệnh nhân mắc COVID-19 sử dụng bộ trang phục cấp độ 4; các kỹ thuật viên, nhân viên bảo quản, vận chuyển mẫu lưu động sử dụng trang phục cấp độ 2.
Ngoài ra, theo quy cách đóng gói của nhà sản xuất, bộ trang phục sử dụng trong phòng mổ hoặc khu vực cần thiết (theo chỉ định chuyên môn) phải đóng gói tiệt trùng, phân loại cấp độ, kích cỡ (theo chiều cao hoặc theo tiêu chuẩn nhà sản xuất).
Mời quý độc giả theo dõi video: Chủ tịch nước kêu gọi cả nước đoàn kết, chống COVID-19