Trang mạng chiến lược của Mỹ đưa tin, mặc dù Ấn Độ và Israel đã ký kết thỏa thuận phát triển và sản xuất tên lửa Barak-8, trong đó khoảng 70% công việc do bên phía Israel đảm nhiệm nhưng phía các công ty quốc phòng của Ấn Độ vẫn khó hoàn thành hợp đồng trên.
Quy mô Hải quân Ấn Độ khá lớn, họ là những khách hàng chính của loại tên lửa Barak-8, tổng chi phí mua tên lửa Barak-8 lên đến 1,1 tỷ USD. Theo bản hợp đồng thì Ấn Độ sẽ được phân bổ 350 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển loại tên lửa Barak-8. Mỗi hệ thống tên lửa này bao gồm bệ phóng, radar, máy tính và các thiết bị khác, có chi phí khoảng 24 triệu USD.
|
Mô hình tên lửa phòng không Barak 8.
|
Tuy nhiên, vấn đề chính hiện nay của phía chính phủ Ấn Độ chính là việc thiếu đội ngũ kỹ sư mũi nhọn để có thể áp dụng chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa Barak-8 tại Ấn Độ. Trước khi ký hợp đồng, các công ty quốc phòng của Ấn Độ đã phóng đại khả năng của mình, không nhận thức hết được tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ đầu ngành để tham gia sản xuất các bộ phận tên lửa.
Trong khi đó, đối tác của Ấn Độ là Israel đã thử nghiệm thành công tên lửa phòng không tầm trung Barak 8 vã đã bắt đầu trang bị loại vũ khí này cho tàu hộ vệ Saar 5.
Lý do Israel sớm trang bị tên lửa Barak-8 cho tàu hộ vệ lớp Saar 5 là nhằm đối phó với tên lửa chống hạm cao tốc Yakhont do Nga triển khai tại Syria. Hệ thống tên lửa Barak-8 được đánh giá có sức mạnh tác chiến không thua kém so với hệ thống Patriot của Mỹ. Qua quá trình cải tiến, nâng cấp, tên lửa Barak-8 có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm gần.
|
Module bệ phóng tên lửa phòng không Barak 8.
|
Đạn tên lửa Barak-8 có trọng lượng 275 kg, đầu đạn nặng 60 kg, tầm bắn khoảng 70 km. Hệ thống Barak phóng tên lửa theo phương thẳng đứng nên tiết kiệm được diện tích boong tàu và có thể bao quát vùng không gian 360 độ. Bệ phóng của nó có trọng lượng không tới 2 tấn nên thuận tiện để lắp đặt trên các chiến hạm cỡ nhỏ.
Hệ thống vũ khí của Israel thường nổi tiếng về độ tin cậy tốt và hiệu quả tác chiến cao. Israel đã giành chiến thắng trong 7 cuộc chiến tranh, do vậy vũ khí của nước này được các khách hàng nước ngoài đánh giá rất cao.
Việt Nam những năm gần đây cũng đã trở thành khách hàng của vũ khí Israel với các hợp đồng mua sắm vũ khí lục quân và chương trình hợp tác nâng cấp vũ khí hệ cũ do Liên Xô sản xuất.