Chị Lê Hồng (quê Nam Định, hiện trú tại Tam Trinh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể: Chị lên Hà Nội ngày 5 Tết Giáp Ngọ (tức ngày 3/2), rồi đi chơi cùng nhóm bạn đồng hương. Cả nhóm rủ nhau lên phố Triệu Việt Vương, (quận Hai Bà Trưng) ăn bún ốc. Ngỡ giá chỉ nhỉnh hơn ngày thường một chút nhưng khi ăn xong, cả nhóm ngã ngửa vì phải trả 240.000 đồng cho 4 bát bún ốc, tính ra 60.000 đồng/bát, tăng gấp đôi ngày thường. Còn trà đá cũng lên tới 5.000 đồng/cốc, đắt hơn 2.000 đồng/cốc so với ngày thường. "Ăn xong mà thấy bụng nặng nề vì bị chém đẹp ngày đầu năm", chị Hồng than.
Không chỉ chị Hồng mà anh Hoàng Nam (trú tại Mỹ Đình, quận Từ Liêm, Hà Nội) hôm qua (7/2) cũng ăn phải bát bún ốc giá "chát" ở phố Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội). "Vì chán cơm thịt đầy ắp ngày Tết, mấy anh em rủ nhau đi ăn bún ốc cho mát ruột. Ai dè ăn xong mà đắng cả miệng vì giá gấp đôi ngày thường, 50.000 đồng một bát", anh Nam cho biết.
|
Các cửa hàng bún, miến, phở vẫn "chém" khách sau Tết. Ảnh: Hải Sơn. |
Sau Tết Giáp Ngọ, các hàng cơm vẫn đóng cửa im ỉm, đây cũng là cơ hội cho các hàng bún, phở, miến kiếm chác dịp đầu năm. Viện cớ giá các loại thực phẩm tăng, một cửa hàng bún riêu, miến trộn trên phố Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội) tăng giá lên 5-10.000 đồng/bát. Trong đó, bún riêu cua được bán 30.000 đồng/bát, ngày thường chỉ 25.000 đồng/bát, còn miến trộn bán với giá 35.000 đồng/bát, ngày thường chỉ 25.000 đồng/bát.
Theo bà chủ cửa hàng này, cửa hàng mở cửa từ mùng 4 Tết (ngày 3/2) nhưng lượng khách đến ăn không nhiều. Từ mùng 6 Tết, cửa hàng đón nhiều khách hơn vì chợ cũng bắt đầu nhộn nhịp và viên chức cũng bắt đầu làm việc.
Bà chủ này cho biết, trong Tết giò chỉ 120.000 đồng/kg nhưng ngày mùng 4 Tết bà đã phải lấy với giá 180.000 đồng/kg. Đậu phụ trong Tết chỉ mua với giá 18.000 đồng/10 cái thì ra Tết bà phải mua với giá 32.000 đồng/10 cái. Thịt lợn tăng giá từ 90.000 đồng/kg lên đến 130.000 đồng/kg loại thịt mông ngon. "Giá cả thực phẩm thì tăng, nếu không tăng giá bán thì cửa hàng chỉ có lỗ", bà chủ này giải thích.
Anh Ngô Trường, chủ cửa hàng chuyên các món lẩu ở Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Sau Tết là dịp các cửa hàng tăng giá phục vụ khách. Thông thường, thời gian này, các công sở khai xuân thường tìm đến các cửa hàng để chúc tụng đầu năm. Lượng khách năm nay không đông như năm ngoái, còn giá cả thì lại nhỉnh hơn năm ngoái đến 50%. Cửa hàng của anh cũng chỉ tăng giá các nồi lẩu lên 100 - 150.000 đồng/nồi, ở mức 350 - 400.000 đồng/nồi.
Tại TP Hải Phòng, theo khảo sát của Kiến Thức, sau Tết Giáp Ngọ, các mặt hàng thực phẩm tăng giá nhẹ khoảng 5 - 10%, trong đó các mặt hàng thủy hải sản tăng giá trội hơn cả. Cá rô phi có giá 50.000 đồng/kg loại cá to, cá chép có giá 80.000 đồng/kg, tôm sú 400.000 đồng/kg, cá vược 150.000 đồng/kg, điềm điệp 80.000 đồng/kg...
Trong khi các mặt hàng thực phẩm tăng giá sau Tết thì các mặt hàng rau xanh lại bất ngờ giảm giá. Tại chợ Mễ Trì Hạ (quận Từ Liêm, Hà Nội), bắp cải chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 50% so với trong Tết, rau cần 4.000 đồng/kg, xà lách 1.000 đồng/kg, cải cúc 3.000 đồng/mớ. Trong khi đó, khoai tây còn 10.000 đồng/kg (giảm 2.000 đồng/kg), cà chua 10.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg).
Chị Thu Hà, tiểu thương ở chợ này cho biết: "Chúng tôi mở hàng đầu năm cũng chỉ mong đông khách chứ chẳng mong kiếm lời". Được cái, năm nay thời tiết thuận lợi nên rau xanh được mùa bội thu. Cũng bởi trời nắng ấm nên nhu cầu ăn lẩu của người dân không lớn, đó cũng là một trong những lý do khiến rau xanh bán không chạy.
Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, nhiều siêu thị cũng mở cửa đón khách từ rất sớm. Siêu thị Big C mở cửa đón khách từ ngày 3 Tết với hơn 1.000 mặt hàng giảm giá từ 5 - 35%, các mặt hàng thực phẩm khô giảm giá 20%. Siêu thị Hapromart Thái Bình cũng mở cửa đón khách với nhiều chương trình khuyến mại, đặc biệt giảm giá các mặt hàng phục vụ ngày lễ Tình nhân (14/2).