Nằm ở số 8 hàng Đường (Hoàn Kiếm - Hà Nội), một khu phố buôn bán sầm uất được mệnh danh là “thiên đường” các loại ô mai, cửa hàng nhỏ của bác Bùi Văn Hưng được coi là cửa hàng ô mai độc nhất vô nhị Hà Nội. Không chỉ lúc nào cũng tấp nập người đến mua bán, đặc biệt hơn, tại đây, khách hàng tha hồ được ngắm nhìn những con thú lạ mắt, được làm từ ô mai độc đáo.
|
Ô mai kiến lạ mắt tại cửa hàng của bác Hưng. |
Chiếc tủ nhỏ bày các loại ô mai của cửa hàng bác Hưng hút mắt bất cứ ai đi qua bởi chúng được trang trí bởi nhiều con vật như cua càng, ngựa ô, kiến đỏ… Điều đặc biệt là những con thú này được làm từ chính những miếng ô mai hồng, sấu dầm hay mận xào mà bác làm ra. Chúng có thể để được cả năm trời không bị hỏng, vài loại ô mai chỉ hơi se, hoặc khô lại chứ không mất màu hoặc bị mốc. Dù ai hỏi mua, thậm chí trả tiền triệu, bác Hưng cũng không bán, mà chỉ cười trừ, “bày cho vui mắt”.
Tò mò tìm hiểu, câu chuyện thú vị dần hiện ra xoay quanh những viên ô mai độc, lạ này. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề làm ô mai hơn 100 năm ở Hà Nội, không chỉ có kinh nghiệm trong nghề, bác Hưng còn được phú cho đôi bàn tay khéo léo và sự tinh tế khi “thổi hồn” cho những miếng, những trái ô mai gia truyền. Đồ nghề đơn giản chỉ là một con dao nhỏ, vài ba chiếc tăm, thi thoảng có thêm một dây thép nhỏ, ông chủ cửa hàng đã “phù phép” cho những viên ô mai kết nối với nhau tự nhiên, sinh động.
Bác Hưng tâm sự cũng không được ai “bày” cho, cũng chẳng qua trường lớp đào tạo cắt tỉa, tài lẻ này xuất phát từ những khoảng thời gian ngồi trông hàng, rảnh rỗi, bác khắc, tỉa từng quả sấu dầm, lâu dần nảy ý ghép nhiều loại với nhau. Quan trọng là tưởng tượng được từng loại ô mai có thể làm ra được thứ gì, ví như ô mai xoài dẻo, có màu vàng tươi, có thể làm được cánh bướm, khoai lang nhật có thể làm thân, chẻ tăm thật nhỏ, mềm, uốn cong là làm được râu… hay những quả sấu dầm, nếu tỉa đều tay, dao chạm tới hạt, khi miết nhẹ lên quả sấu sẽ tạo ra hình giống con sò hoặc xoay nhẹ các vết cắt sẽ thành cánh hoa. Người chủ quán say mê kể chuyện... nhiều khi quên cả bán hàng.
“Thấy những bát, những hộp đựng ô mai bày trong tủ trống trải, nên bác làm các con vật bày cho đẹp, vui mắt”- bác Hưng vui vẻ chia sẻ.
Nhờ những con thú lạ mắt, cửa hàng của bác Hưng ngày càng đông khách. Có lẽ, đây là cách bán hàng, quảng cáo hình ảnh độc nhất vô nhị so với nhiều hàng ô mai ở Hà Nội.
|
Bác Hưng tỉ mỉ làm một cánh bướm từ ô mai xoài. |
Xuất phát từ một "lời thách đố" cách đó nhiều năm, bác Hưng bắt đầu làm nhiều con vật bằng ô mai, khéo léo bày trong tủ kính của cửa hàng. Câu chuyện bắt đầu khi đứa cháu của bác vừa mua con tò he hình anh lính bồng súng, nhưng khi chơi chẳng may bị gẫy. Thấy cháu khóc, bác Hưng cầm con tò he nặn lại như ban đầu. Thế rồi, cháu nhỏ đố bác nặn các con vật, khi con lợn, con mèo… lâu dần, thành một thú vui riêng của ông lão đã nhiều tuổi.
Vui buồn bao nhiêu trong nghề, trong cuộc sống, cảm tưởng như được bác dồn cả vào mỗi con vật đáng yêu. Năm 2012, năm Nhâm Thìn, bác Hưng làm một con rồng từ hồng sấy, râu rồng làm bằng dừa bao tử, thân có vảy tự nhiên, nguyên liệu làm hết cả kg, nhiều khách nhìn thấy con rồng ô mai trả giá gần chục triệu bác cũng không bán.
Mới đây, khi bác Hưng làm hình con dê của năm Ất Mùi, hai vị khách nước ngoài quá thích thú vì con dê là năm tuổi của họ, đã tìm cách mua bằng được, khi biết bác Hưng chỉ làm cho vui, không có ý định bán, họ đứng chờ rất lâu để "năn nỉ". Cuối cùng, bác Hưng “đặc cách” tặng cho hai vị khách chú dê ô mai, vừa nhận được con vật, người khách du lịch dùng cả hai tay để chụp vội, như sợ bác đổi ý, rồi rối rít cảm ơn.
|
Khách hàng nhí thích thú ngắm nhìn tủ kính bày ô mai con thú lạ mắt. |
Dí dỏm tâm sự, bác Hưng đùa trong số các cửa hàng thì nhà bác có nhiều khách nhí nhất khu hàng Đường. Bất cứ đứa nhỏ nào đi qua, cũng dừng lại ngắm nghía, thậm chí có một khách nhí, ngày nào cũng chạy ra ngắm vài lần, đến khi chán chê mới về nhà. Thấy vậy, bác Hưng làm cho 1 con, cậu bé ríu rít chạy về, vui cả buổi.
“Cũng nhiều bố mẹ đi qua, chỉ vào tủ hỏi con nhỏ “con gì đây”, hôm nào không nghe thấy lại buồn buồn” – bác Hưng kể lại.
Không chỉ hút khách về tạo hình ô mai độc, lạ, hương vị riêng của ô mai gia truyền cũng là điều níu chân khách hàng đến quán. Chia sẻ về kinh nghiệm làm nghề, bác cho biết: “Làm ô mai phải xem thời tiết, ngày nóng thì đảo ô mai ít lửa, ngày lạnh thì nhiều lửa, lâu hơn một chút. Khó nhất vẫn là làm ô mai chanh đào, xào không khéo sẽ cứng hoặc miếng ô mai bị nhão. Cái ngon, cái “chuẩn” của ô mai phải là không bị chảy đường ngày nóng, nếu làm đúng kiểu, chúng sẽ giữ được cả năm, thậm chí lâu hơn rất nhiều”. Làm nghề vất vả, tự tay mua nguyên liệu từ đầu mùa để ô mai cả năm không tăng giá, bác Hưng tâm sự thấy vui nhiều hơn buồn.
Quán hàng nhỏ khi nào cũng đông khách ra vào, nhiều người chỉ đến ngắm ô mai rồi đi, chẳng khi nào ông chủ quán thấy phiền, thậm chí còn chỉ dẫn cách làm cho khách xem, rồi móm mém cười hiền.
Nhiều người dân xung quanh cửa hàng chia sẻ: “Bác Hưng bán hàng “hay” lắm, khách vào mua gì cũng không hỏi, mặc khách thích rồi chọn, cứ thoải mái, cửa hàng bao năm vẫn dùng cân tiểu ly từ đời các cụ để lại. Quý lắm thì bác tặng con vật làm bằng ô mai, chứ chưa bao giờ thấy bán”.
Ngắm những viên ô mai được "thổi hồn" sinh động tại cửa hàng:
|
Hai con cò đáng yêu làm bằng ô mai. |
|
Một con cua càng. |
|
... chú chuồn chuồn nhỏ. |
|
Đôi bàn tay khéo léo, làm nên những con vật sinh động, tự nhiên. |
|
"Kho báu" niềm vui của bác Hưng tại cửa hàng. |