Việc Công ty TNHH MTV Dịch vụ cuộc sống du lịch (gọi tắt là Travel Life) bỏ rơi tới hơn 700 du khách tại Thái Lan đang khiến dư luận vô cùng bức xúc nhiều ngày qua. Theo đó, dù Travel Life có biện minh thế nào thì hành động này cũng không thể nào chấp nhận được.
Theo thông tin mới nhất thì lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM cho
biết, hiện Ban giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM đã hoàn
tất hồ sơ, biên bản làm việc liên quan đến vụ việc của Công ty Travel
Life. Trong hồ sơ được trình lên lãnh đạo UBND TP.HCM cùng toàn bộ các
cơ quan quản lý có liên quan ở cấp cao hơn, mức phạt dự kiến được đưa ra
đối với Travel Life là 70-80 triệu đồng, đồng thời chấm dứt hoạt động
lữ hành quốc tế.
Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM đã
yêu cầu Công ty Travel Life ngay lập tức chấm dứt các dịch vụ lữ hành
quốc tế và kiên quyết xử phạt nghiêm khắc đối với các sai phạm của
Travel Life trong thời gian qua.
|
Địa điểm hoạt động của Công ty Travel Life ở quận Tân Phú (TP.HCM) không có giấy phép đăng ký kinh doanh.
|
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên, các công ty du lịch có
những hành xử không hay với khách du lịch. Trước đó, Công ty TNHH
Thái Việt đóng tại số 70 Đống Đa, Đà Nẵng cũng đã bị tước giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế vì những sai phạm.
Cuối tháng 7/2012, bà Phan Thị Minh Sâm ở Kon Tum ký hợp đồng tham quan du lịch Việt Nam - Hàn Quốc với Công ty Thái Việt. Theo hợp đồng, chương trình du lịch trong 7 ngày 6 đêm (từ 6 đến 12/8/2012) với tổng giá trị 47 triệu đồng/2 người. Bên cạnh đó, Công ty còn thu các khoản ngoài hợp đồng gồm: 4.000 USD tiền đặt cọc chương trình đi Hàn Quốc, 20 triệu đồng tiền đặt cọc làm visa đi Hàn Quốc, 10 triệu đồng để đổi ra tiền Hàn Quốc. Tuy nhiên, Công ty Thái Việt đã không thực hiện đúng hợp đồng đã ký với bà Sâm, đồng thời các khoản thu ngoài hợp đồng cũng trái với quy định pháp luật.
Làm việc với Đoàn Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc công ty, đã thừa nhận các hành vi vi phạm nói trên và cam kết hoàn trả lại toàn bộ số tiền cho bà Sâm bao gồm 47 triệu đồng không thực hiện tour du lịch, 4.000 USD và 20 triệu đồng đã thu ngoài hợp đồng trái quy định... Với những vi phạm trên, ngày 30/8/2012, Thanh tra Sở quyết định xử phạt Công ty Thái Việt 20 triệu đồng về hành vi "Thu tiền ngoài hợp đồng hoặc các hành vi thu lợi bất chính khác từ khách du lịch".
Năm 2008, Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phạt công ty này 12 triệu đồng về hàng loạt hành vi vi phạm, như không thực hiện lưu trữ hồ sơ tài liệu, báo cáo thống kê; không có ít nhất 3 hướng dẫn viên du lịch quốc tế; không mua bảo hiểm cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài. Sau khi bị xử phạt phải gần 1 năm sau công ty này mới chấp hành quyết định xử phạt. Đã vậy công ty này còn bị khách hàng liên tục khiếu nại, đơn cử: Năm 2010, công ty tổ chức khách đi du lịch An Giang nợ tiền ăn ở khách sạn Núi Sam cả năm không thanh toán; tháng 7/2011, Công ty Thái Việt đơn phương hủy hợp đồng không thực hiện chương trình du lịch Singapore - Malaysia đã ký kết với Công ty CP Khoáng sản Đất Quảng Chu Lai mặc dù đã ứng hơn 228 triệu đồng (bằng 70% giá trị hợp đồng). Mãi tới tháng 9/2011, Công ty Thái Việt vẫn chưa hoàn trả lại số tiền đã ứng trên cho Công ty CP Đất Quảng Chu Lai.
Nhưng nghiêm trọng nhất là vụ “bỏ rơi” 31 du khách của Xí nghiệp săm lốp ô tô (Công ty Cao su Đà Nẵng) trên đất Thái Lan vào tháng 7/2012. Đoàn khách này mua tour của Công ty Thái Việt đi Thái Lan trong 5 ngày với hợp đồng giá tour đã thanh toán đầy đủ trước khi khởi hành. Trong 2 ngày đầu đoàn khách đi lại, tham quan trên đất Thái bình thường nhưng tới ngày thứ 3 thì họ bị phía đối tác của Công ty Thái Việt ở Thái Lan thu hết passport. Thấy việc bất thường, các thành viên trong đoàn không đồng ý giao passport và đã bị "giam lỏng" tại tiền sảnh khách sạn Ratchada mà không cho vào nhận phòng. Phải 1 ngày sau khi có sự can thiệp của Đại sứ quán Việt Nam mọi việc mới được giải quyết. Phía đối tác của Công ty Thái Việt thu passport vì Công ty này còn nợ tiền của họ. Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Hữu Dương - Giám đốc Công ty Thái Việt giải thích do vào thứ bảy, chủ nhật nên không chuyển tiền sang cho đối tác được.
Không dừng ở đó, Công ty CP XTĐT Thương mại và Du lịch ANZ (ANZ Travel) cũng bị tố lừa đảo, "hành" du khách.
Ngày 2/6/2010, chị Nguyễn Hồng Vân, biên tập viên kênh VTC2 (Đài truyền hình kỹ thuật số VTC) ký hợp đồng mua tour trọn gói đi Cát Bà (Hải Phòng) với ANZ Travel cho 20 người gồm lãnh đạo, cán bộ phóng viên của VTC với giá 995.000 đồng/khách. Trong email gửi cho chị Vân, phía ANZ xác nhận đoàn chị sẽ đi từ Hạ Long (Quảng Ninh) ra Cát Bà bằng tàu cao tốc cánh ngầm. Tuy nhiên, khi đến trụ sở ANZ ký hợp đồng thì người điều hành tour cho biết, không còn vé tàu cao tốc và phải đi bằng phà, thời gian và tiền cũng bằng đi tàu cao tốc. Bên ANZ ra sức thuyết phục nên phía chị Vân chấp nhận ký vào hợp đồng.
Ngày 5/6/2010, ANZ Travel cho xe 29 chỗ và hướng dẫn viên du lịch đến đón đoàn chị đi Cát Bà. Đến bến phà ở Tuần Châu (Hạ Long), đoàn của chị phải chờ hơn một giờ mới đến lượt. Theo lịch trình, lúc 10h30 ngày 5/6/2010, đoàn chị sẽ đến Cát Bà nhưng đến tận 14h cùng ngày, đoàn chị mới có mặt ở đây. Như vậy, lịch trình của đoàn bị trễ tới hơn 3 tiếng. Trước khi đi, đoàn đã phải chờ hơn một tiếng giữa trời nắng nóng mới lên được phà, thì lúc từ Cát Bà về Hạ Long đoàn cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi phải chờ 3 tiếng đồng hồ. Khi xe ô tô chở đoàn từ Hạ Long về Hà Nội, đến huyện Đông Triều (Quảng Ninh), đoàn đề nghị dừng xe để ăn uống nghỉ ngơi nhưng nhất quyết lái xe không chịu. Sau đó, đoàn phải gọi cho điều hành của ANZ để họ can thiệp thì lái xe mới cưỡng chế dừng để đoàn ăn tối với thái độ rất hằn học.
Sau khi kết thúc tour, chị Vân và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng, vào thời điểm du lịch, vé tàu cao tốc là 260.000 đồng/người, vé phà chỉ 60.000 đồng/người. Nhưng trong hợp đồng, phía ANZ đã lờ đi việc giảm giá tour nếu đi phà thay cho đi bằng tàu. Khi thanh toán nốt tiền tour hai bên ngồi lại, phía đoàn cán bộ của VTC đề nghị ANZ trừ bớt 200.000 đồng/khách vì chênh lệch vé phà và vé tàu nhưng ANZ không những không chấp thuận mà còn dọa kiện.
|
Tình cảnh đoàn cán bộ của VTC2 phải đợi phà trong thời tiết nắng nóng. Ảnh: VTC |
Không chỉ mệt vì việc đi phà, chị Vân còn cho biết, đoàn cán bộ VTC2 cũng không hài lòng với đồ ăn cũng như cách tính giá phòng trong chuyến du lịch này. Trong khi đoàn cán bộ không thể ăn nổi thức ăn trong khách sạn và đề nghị đi ăn ở ngoài thì khách sạn lại tăng giá phòng từ 500.000 đồng lên 650.000 đồng/phòng. Không dừng ở đây, khi đưa đoàn đi thăm đảo khỉ, hướng dẫn viên đã không đi cùng đoàn, không hướng dẫn cho đoàn.
Đại diện ANZ cho rằng, khi thay đổi phương tiện đi bằng phà thay bằng tàu cao tốc, phía ANZ đã nói rõ với bên đoàn là dùng phà nên không bóc tách giá vé tàu cao tốc và giá phà. Vị này cũng cho rằng, đi phà chờ đợi là chuyện bình thường và đó là chuyện của bên cung cấp phà chứ ANZ không điều khiển được. Còn chuyện nâng giá phòng khách sạn bên ANZ cho rằng cũng không liên quan. Sau đó, trong bản thanh lý hợp đồng, đại diện ANZ Travel đồng ý giảm trừ tiền cho khách hàng đoàn VTC2 với số tiền 4,4 triệu đồng.
Được biết, năm 2008, ANZ Travel đã từng bị Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội phạt vi phạm hành chính vì việc bỏ rơi khách tại nước ngoài.
Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều các công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lữ hành có cách hành xử không hay với khách du lịch. Điều này cũng cho thấy tình trạng cố tình vi phạm pháp luật của các công ty này đang ngày càng gia tăng.
Qua đây, có thể thấy cách làm du lịch của các công ty du lịch ở Việt Nam còn quá manh mún, cẩu thả, thiếu tầm nhìn và còn quá nặng về lợi nhuận.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU