Cách nhận biết thực phẩm bẩn như giá đỗ ngậm hoá chất

Google News

Sau vụ phát hiện giá đỗ ngậm hoá chất ở Bách Hóa Xanh, người tiêu dùng cảm thấy lo lắng về an toàn thực phẩm khi thời điểm Tết đến, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, đặc biệt là các loại rau, củ, giá đỗ.

Bất an với thực phẩm “bẩn”
Những ngày qua, dư luận bàng hoàng trước thông tin Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột sử dụng hoạt chất 6-Benzylaminopurine - một chất cấm trong sản xuất thực phẩm để ngâm ủ giá đỗ. Tổng cộng, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 20,3 tấn giá đỗ đã ngâm chất cấm, cùng 37 can nhựa chứa 135 lít dung dịch 6-Benzylaminopurine.
Các đối tượng khai nhận, trong năm 2024 đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ ngâm chất cấm, trung bình từ 8 - 10 tấn/ngày. Đáng chú ý, trong 6 cơ sở bị phát hiện sử dụng hoạt chất 6-Benzylaminopurine để sản xuất giá đỗ, có cơ sở sản xuất của đối tượng Lâm Văn Đạo đã ký hợp đồng cung cấp giá đỗ cho siêu thị Bách Hóa Xanh với số lượng từ 350 - 400 kg/ngày.
Trên bao bì giá đỗ ngâm hóa chất của cơ sở này đều có in dòng chữ: “Vì sức khỏe của mọi người”, “Không hóa chất”, “Không chất kích thích”, “Không chất bảo quản”. Đây cũng là cơ sở duy nhất được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh sản phẩm.
Cach nhan biet thuc pham ban nhu gia do ngam hoa chat
 Giá đỗ của cơ sở Lâm Đạo bị phát hiện sử dụng chất cấm. (Nguồn: CA)
Khoảng 2 năm trước, dư luận cũng đã xôn xao trước vụ việc một số công ty đã gom rau ở chợ, dán nhãn “đạt chuẩn VietGAP” rồi bán cho siêu thị tại TP HCM. Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao để mua rau “an toàn” và “đạt chuẩn VietGAP” bán tại các siêu thị. Nhưng niềm tin của người tiêu dùng vào khâu kiểm tra chất lượng của siêu thị đã bị lợi dụng, để bán thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Chị Nguyễn Thị Tuyên (quận 3, TP HCM) cho hay, trong nhiều năm qua chị đã chuyển hẳn sang mua rau củ quả, thịt cá và các sản phẩm khác tại siêu thị do lo ngại về vệ sinh và an toàn thực phẩm tại chợ.
“Nói thật, mua rau củ quả tại siêu thị là do có niềm tin vào khâu kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt. Nhưng nếu để người tiêu dùng mất niềm tin rồi thì rất khó để có thể lấy lại”, chị Tuyên chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Thị Sáu (quận Gò Vấp, TP HCM) lại cho hay, bà đi chợ thường dựa vào kinh nghiệm của bản thân để mua hàng. Thực phẩm chỗ nào mua về ăn ngon thì bà sẽ quay lại mua tiếp. Còn những thông tin trên bao bì thì không thể tin tưởng hoàn toàn, bởi người dân hiện không có cách nào để xác định chắc chắn chất lượng sản phẩm.
Cách nhận biết thực phẩm “bẩn”
Càng cận Tết Nguyên đán, tình trạng thực phẩm “bẩn” càng gia tăng, làm thế nào để lựa chọn đúng thực phẩm an toàn cho sức khỏe gia đình là bài toán khó.
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới TP HCM, khi mua thực phẩm, người dùng không nên quá phụ thuộc vào tem mác, vì tem mác giả rất nhiều; còn sản phẩm không có tem mác thì tuyệt đối không mua.
Nhãn mác phải thể hiện đúng thông tin của sản phẩm, nhà sản xuất, ngày sản xuất, lô sản xuất, hướng dẫn sử dụng, thành phần cấu tạo chính của sản phẩm và đặc biệt phải có ngày sản xuất và ngày hết hạn. Đối với các sản phẩm chế biến sẵn nên chú ý thành phần phụ gia và các chất bảo quản sử dụng để bảo vệ sức khỏe gia đình được an toàn nhất.
Đối với các loại ngũ cốc hoặc thực phẩm khô khác khi đã thấy bị mốc thì chúng ta không nên mua bởi thực phẩm mốc có thể chứa một số loại vi khuẩn có thể gây nên bệnh ung thư và ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhất là trong những loại ngũ cốc có dầu, khi bị mốc có thể sản sinh ra nấm aflatoxin, loại nấm này có nguy cơ gây bệnh ung thư gan cho người dùng. Vì thế nguyên tắc lựa chọn thực phẩm an toàn đầu tiên là bỏ qua những loại thực phẩm khô đã bị mốc.
Cach nhan biet thuc pham ban nhu gia do ngam hoa chat-Hinh-2
Cơ quan chức năng giám sát an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền, TP HCM. (Nguồn: IT) 
Đối với các loại rau củ quả tươi ngon, giàu vitamin thì cách chọn thực phẩm sạch và an toàn nhất là quan sát bên ngoài bằng mắt. Nên chọn rau củ quả tươi, còn nguyên cuống, không bị tình trạng dập nát, bị sâu hay đốm lạ. Không nên mua rau đã bị dập, héo úa, có mùi lạ hay có có kích thước bên ngoài khá bất thường. Khi chọn rau trong siêu thị thì nên chú ý đến nơi sản xuất và độ tươi của rau, còn khi mua ở chợ nên quan sát và chọn lựa thật kỹ các loại rau này. Dù mua ở siêu thị hay chợ trước khi chế biến cũng nên ngâm với nước muối để tránh bị thuốc hay phân bón.
Để mua các loại cá tươi ngon chúng ta nên chọn những con cá đang còn sống và thở trong chậu hay bể. Nên chọn những con khỏe và còn nguyên vảy, còn nếu không còn sống thì cá và hải sản phải được bảo quản trong đá lạnh. Tránh mua các loại cá bị ươn hay có mùi lạ.
Nên chọn những loại thịt có màu sắc đỏ sẫm hay đỏ tươi, vết cắt của thịt phải bình thường và khô ráo. Chúng ta nên tránh những loại thịt có màu hơi thâm, đen, xanh nhạt hay có màng nhầy ở phía bên ngoài. Tuyệt đối không nên mua những loại thịt có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi kháng sinh bất thường.
Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm Tết 2025
Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp tết và lễ hội Xuân 2025, phục vụ nhân dân đón tết, vui xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, TP HCM, Đồng Nai, Trà Vinh và Sóc Trăng.
Đồng thời, tại địa phương cũng lập các đoàn thanh kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã/phường. Thời gian kiểm tra của các đoàn liên ngành trung ương và địa phương kéo dài đến hết ngày 25/3/2025.

Thiên Bảo

>> xem thêm

Bình luận(0)