1. Nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á bị bắt
Đây được xem là một trong những sự kiện kinh tế tài chính nóng nhất năm 2016. Ngày 10/12, Hội đồng quản trị, Ban điều hành Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can với một số cựu lãnh đạo của Ngân hàng Đông Á vì vi phạm các quy định hoạt động tiền tệ ngân hàng, trong đó có ông Trần Phương Bình - nguyên Tổng giám đốc DongA Bank, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - nguyên Phó tổng giám đốc và 3 nhân viên khác.
Những người bị bắt là những cán bộ đã bị Ban kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hội đồng xử lý kỷ luật của Ngân hàng TMCP Đông Á đình chỉ chức vụ vào tháng 8/2015 và đã không tham gia quản lý, điều hành ngân hàng gần 1 năm rưỡi qua.
Trước đó, tháng 8/2015, kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy trong giai đoạn 2012 trở về trước, Ngân hàng Đông Á đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của Ngân hàng Đông Á.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra quyết định đình chỉ chức vụ Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á đối với ông Bình. Cùng thời điểm này, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, cũng bị đình chỉ chức vụ Phó tổng giám đốc ngân hàng này.
2. "Sếp" PV Power trốn ở nước ngoài
Chiều tối 8/12, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã có thông cáo báo chí về việc ông Lê Chung Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đã xin nghỉ phép, đi việc cá nhân ở nước ngoài hơn 3 tuần nay vẫn chưa về.
Theo đó, ông Lê Chung Dũng nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) được điều động và bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc PV Power từ tháng 1/2011.
Ngày 10/10/2016, ông Lê Chung Dũng có Đơn gửi PV Power xin được nghỉ phép 15 ngày để giải quyết công việc gia đình, không nêu rõ địa điểm nghỉ phép. Căn cứ vào số ngày phép còn lại trong năm 2016 của ông Lê Chung Dũng, Tổng Công ty đã chấp thuận cho ông Dũng được nghỉ phép theo đúng quy định từ ngày 10/10/2016 đến hết ngày 20/10/2016 (9 ngày) và đề nghị ông Dũng có mặt ở Tổng Công ty sau khi hết thời hạn nghỉ phép.
Tuy nhiên, hết thời hạn nghỉ phép, ông Lê Chung Dũng đã không đến cơ quan làm việc mà lại tiếp tục có đơn gửi Tổng Công ty xin đi học khóa dự bị MBA của trường Đại học SP Jain School Of Management tại Singapore trong thời gian 06 tháng, ngày nhập học 20/10/2016.
Sau khi nhận được đơn xin đi học ở nước ngoài của ông Lê Chung Dũng, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đã không chấp nhận và nhiều lần liên hệ (qua điện thoại, email) cũng như gửi các văn bản yêu cầu ông Lê Chung Dũng trở lại Tổng Công ty để tiếp tục làm việc và giải quyết các thủ tục liên quan nhưng ông Lê Chung Dũng vẫn chưa trở lại Tổng Công ty làm việc.
Theo thông tin mà Kinh tế & Đô thị có được, ông Lê Chung Dũng được cho là có trách nhiệm trong việc triển khai các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học, hầu hết trong số này đang bị thua lỗ, đình trệ và có nhiều sai phạm trong đầu tư.
3. Ông Vũ Đình Duy “đi nước ngoài chữa bệnh"
Sáng 5/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng xác nhận: Hiện nay ông Vũ Đình Duy thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), nguyên tổng giám đốc Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), tự ý đi ra nước ngoài với lý do để chữa bệnh là "trái với quy định của cơ quan".
Thứ trưởng Vượng khẳng định "ông Vũ Đình Duy phải chịu trách nhiệm về vi phạm đó". Đồng thời, cho biết, Vinachem đã báo cáo lên Bộ Công Thương và Bộ Công an về vụ việc này.
Trước đó ngày 2/11, Vinachem đã có công văn gửi Bộ Công Thương thông báo việc ông Vũ Đình Duy có đơn xin nghỉ để đi chữa bệnh.
4. Ông Trịnh Văn Quyết chính thức trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán
Trong phiên giao dịch chiều 11/11/2016, tổng tài sản của ông Trịnh Văn Quyết đã đạt 30,8 nghìn tỷ đồng. Con số này đã vượt qua mức 30,7 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup. Như vậy, ở thời điểm đó, ông Quyết đã trở thành người giàu nhất Việt Nam tính theo thị trường chứng khoán.
Cụ thể, vào lúc 14h20 chiều 11/11, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng Faros đã đạt mức 108.600 đồng/cổ phiếu. Trong tay ông Quyết hiện nắm giữ xấp xỉ 280 triệu cổ phiếu ROS, quy đổi ra giá trị vào khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Quyết còn sở hữu 109 triệu cổ phiếu FLC, trị giá lên khoảng hơn 770 tỷ đồng. Tính tổng lại, ông Quyết đang nắm giữ được số cổ phiếu có giá trị khoảng 30,8 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, với 724 triệu cổ phiếu VIC, ông Vượng có khối tài sản tương đương gần 30,7 nghìn tỷ đồng. Ông Vượng từng giữ vững ngôi vị giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2010 và năm 2014.
Vị trí ngôi vị tỷ phú số 1 trên sàn chứng khoán Việt Nam thuộc về tay ông Quyết chủ yếu nhờ sự tăng giá mạnh của cổ phiếu ROS, từ mức chào sàn 10.500 đồng/cổ phiếu hôm 1/9/2016. Cũng nhờ cổ phiếu này, hôm 27/10 vừa qua, ông Quyết đã thành tỷ phú USD thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
5. Đề nghị truy tố ông Hà Văn Thắm và 16 đồng phạm
Cơ quan cảnh sát điều tra đã kết thúc điều tra và đề nghị truy tố Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank) và 16 đồng phạm về các tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Oceanbank và các đơn vị liên quan.
Vụ án Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm xảy ra tại Oceanbank và một số đơn vị liên quan là một trong 6 đại án tham nhũng, kinh tế lớn được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I năm 2017.
6. Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra PVC
Ngày 6/10, tại trụ sở của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Thanh tra chính phủ (TTCP) đã công bố quyết định thanh tra đơn vị này.Nội dung cuộc thanh tra tập trung vào việc chấp hành chính sách pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC, trọng tâm là việc đầu tư thực hiện các dự án.
Trước đó, ngày 15/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ra quyết định khởi tố 4 bị can, bắt tạm giam Vũ Đức Thuận - nguyên ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc PVC; Nguyễn Mạnh Tiến - phó tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng - nguyên phó tổng giám đốc; Phạm Tiến Đạt - nguyên kế toán trưởng Tổng công ty PVC về hành vi cố ý làm trái.
Cơ quan điều tra cũng đã quyết định khởi tố bị can với ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên chủ tịch HĐQT PVC về tội danh trên. Tuy nhiên do ông Thanh đã bỏ trốn trước khi bị khởi tố nên Bộ Công an đã phát lệnh truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế.
7. Ông Trương Quốc Dũng bị bắt trong vụ PVC thua lỗ 3.200 tỷ
Khoảng tháng 9/2016, Bộ Công an đã ra thông báo khởi tố 4 bị can nhằm điều tra, xác minh làm rõ các hành vi sai phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC – mã chứng khoán PVX).
Một trong 4 bị can bị bắt tạm giam của vụ án nêu trên có ông Trương Quốc Dũng (sinh năm 1982 tại Ninh Bình). Do ông này từng giữ chức phó tổng giám đốc tổng công ty này trong thời gian từ tháng 7/2011 đến đầu tháng 2/2013.
Trước khi bị bắt, ông Trương Quốc Dũng ở vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex – (mã chứng khoán PVV).
8. Liên Bộ tính “nhầm” giá xăng, thiếu hơn 163 tỷ đồng
Trong văn bản số 0953 gửi Bộ Tài chính và Bộ Công thương về vấn đề tính thuế mặt hàng xăng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, trong 3 kỳ điều hành giá xăng dầu kể từ 1/7 - 18/8, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã tính “thiếu" giá cơ sở xăng dầu do vẫn dựa trên công thức cũ ở Nghị định 84 trước khi Nghị định 100/2016 của Chính phủ hướng dẫn các điều sửa đổi về thuế có hiệu lực.
Khoản chênh lệch tăng lên mà Liên Bộ "quên" không tính trong giá cơ sở xăng là khoảng 185 đồng/lít. Trong đó, khoản thuế tiêu thụ đặc biệt bị tính thiếu là 165 đồng/lít và thuế giá trị gia tăng bị tính thiếu là 17 đồng/lít. Thay vì thuế tiêu thụ đặc biệt phải tính là 989 đồng/lít thì Liên Bộ chỉ tính có 824 đồng/lít.
Theo Petrolimex, với cách tính chưa cập nhật này, hệ quả là, trước mắt tại thời điểm tháng 7 và nửa đầu tháng 8, người tiêu dùng đã được lợi nhờ giá bán lẻ được giảm sâu hơn so với quy định mới về thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, ngược lại, phía các DN có nguy cơ chịu thiệt bởi cơ quan thuế sẽ thu theo chính sách mới từ 1/7.
Khoảng thời gian 45 ngày áp dụng theo công thức cũ, tổng số thuế bị tính thiếu khi điều hành giá xăng có thể đã lên tới 163,2 tỷ đồng.
9. PVN muốn bán "cục nợ" PVTex
Trong báo cáo về sắp xếp DN năm 2015 và kế hoạch năm 2016 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gửi lên Thủ tướng, theo kế hoạch, PVN sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ vốn tại Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi tổng hợp Dầu khí (PVTex).
Tập đoàn cho biết, đang trình cơ quan có thẩm quyền kế hoạch bán vốn trong giai đoạn 2016 -2020. Theo đó, PVN sẽ duy trì tỷ lệ sở hữu 74% tại PVTex để thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, trong trường hợp được chấp thuận, PVN sẽ giảm sở hữu Nhà nước tại PVTex xuống 36% hoặc bán toàn bộ nếu tìm được các đối tác.
PVTex có tổng vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD (7.200 tỷ đồng) ra đời cuối năm 2008. Tuy nhiên, trước và sau khi vận hành thương mại, nhà máy đã nhiều phải tạm dừng hoạt động để tiêu thụ sản phẩm tồn kho và thu hồi vốn. Năm 2015, PVTex lỗ 1.255 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ. Trước đó trong năm 2014, doanh thu của nhà máy này cũng chỉ đạt 992 tỷ đồng, lỗ 1.085 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2015, công ty có vốn điều lệ 2.165 tỷ đồng. Tình hình tài chính của công ty theo đó cũng đang cạn kiệt, mất cân đối lớn và không đủ nguồn vốn trả nợ đến hạn (riêng nợ ngắn hạn là 1.600 tỷ đồng). Hợp đồng tín dụng với BIDV và một số ngân hàng ghi nhận mức nợ 221,3 triệu USD.