Theo dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Chính phủ sẽ phân loại tài sản số, tài sản mã hóa dựa trên mục đích sử dụng, công nghệ và các tiêu chí khác để quản lý. Ngày 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.
Tài sản số là vấn đề mới
Theo Dự luật, tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan. Tài sản mã hóa là một loại tài sản số.
Tài sản mã hóa là tài sản số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bằng công nghệ chuỗi khối, công nghệ số cái phân tán hoặc công nghệ số khác tương tự.
Tài sản ảo là một loại tài sản số được giao dịch hoặc chuyển giao và có thể được dùng cho mục đích thanh toán hoặc đầu tư. Tài sản ảo không bao gồm chứng khoán, dạng số của tiền pháp định và tài sản tài chính khác theo quy định pháp luật.
|
Ảnh minh hoạ/Interenet |
Không chỉ bao gồm bitcoin và tiền ảo, tài sản số có phạm vi rộng hơn rất nhiều, bao gồm tiền tệ kỹ thuật số (tiền ảo, tiền điện tử, tiền mã hóa), tài sản vô hình (tài sản trong game, tài sản trí tuệ, video, tranh ảnh kỹ thuật số…) và tài sản vật chất được số hóa tranh ảnh vật lý, tài sản tài chính...
Quy định của luật về tài sản số dự kiến được ban hành cũng đặt ra các yêu cầu quan trọng trong việc hoàn thiện các hành lang pháp lý đầy đủ đi cùng với các quy định về quyền sở hữu, nghĩa vụ thuế của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong ngành.
Việc phân loại thẩm quyền, nội dung quản lý tài sản số, cung ứng dịch vụ tài sản số được thực hiện theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Về tài sản số, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội cho biết, có ý kiến cho rằng, tài sản số là vấn đề mới, thay đổi nhanh cần có sự đầu tư nghiên cứu, rà soát kỹ hơn và nên giao Chính phủ quy định chi tiết. Ý kiến khác cho rằng, cần nghiên cứu để bổ sung quy định về các loại tài sản số trong dự thảo luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, quốc tế cũng chưa có quy định thống nhất. Ví dụ Bitcoin được Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở pháp lý cho vấn đề này. Thực tế, người dân đang sử dụng Bitcoin để giao dịch. Vì vậy, ông lưu ý quản lý các loại tài sản này cần phù hợp với quy định trong Luật Phòng chống rửa tiền đang được soạn thảo.
Người Việt sở hữu tài sản số thứ 2 thế giới?
Trên thực tế, hoạt động giao dịch tài sản số tại VN khá sôi động dù chưa được công nhận.
Nhiều báo cáo nghiên cứu, thống kê đều cho thấy Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới về tỷ lệ người sở hữu tài sản số, với khoảng 20 triệu người và hằng năm có khoảng 120 tỉ USD giao dịch.
Cụ thể như đầu tháng 5, theo thống kê của cổng thanh toán Triple-A, Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số cao nhất thế giới. Cụ thể, với tỷ lệ 21,2% dân số sở tài sản số, VN chỉ đứng sau UAE với tỷ lệ 34,4% và cao hơn Mỹ (15,6%). Hồi tháng 3, dữ liệu từ công ty nghiên cứu blockchain Chainalysis của Mỹ cũng cho thấy người chơi tại Việt Nam kiếm lời từ tài sản số nhiều thứ ba thế giới, lợi nhuận đạt 1,18 tỉ USD trong năm 2023. Việt Nam cũng là một trong 8 nước có lợi nhuận từ tiền số đạt trên 1 tỉ USD. Một thống kê khác của tờ Wall Street Journal hồi tháng 5.2023 cũng chỉ ra người Việt giao dịch tài sản số nhiều thứ tư thế giới trên sàn giao dịch Binance. Theo đó, các nhà đầu tư VN giao dịch khoảng 20 tỉ USD, và hình thức Future (hợp đồng tương lai) chiếm 90%.
Các nhà đầu tư chủ yếu là những người trẻ tuổi (18 - 36), tập trung ở các thành phố lớn như TP HCM (50%-54%), Hà Nội (25%-30%), Đà Nẵng (3%-5%). Ngoài ra, báo cáo của Chainalysis cũng cho biết trong năm 2023-2024, 35,9% nhà đầu tư Việt Nam kiếm được lợi nhuận, 44,5% nhà đầu tư thua lỗ và 19,6% hòa vốn từ việc đầu tư Crypto.
Điều này lý giải vì sao hầu hết các sàn giao dịch tài sản số lớn của thế giới đều có hoạt động tại Việt Nam, như Binance, Bybit, OKX, Kucoin… Các sàn này đều có giao diện tiếng Việt, người dùng dễ dàng tạo tài khoản khi chỉ cần gmail, số điện thoại, liên kết với số tài khoản ngân hàng là đã có thể giao dịch. Các sàn này có khối lượng giao dịch hàng tỉ USD mỗi ngày, riêng sàn Binance lúc cao điểm có thể đạt hơn 100 tỉ USD.
Trên các mạng xã hội Facebook, Zalo và X, nhiều cộng đồng trao đổi thông tin diễn ra rất sôi động. Người dùng chỉ cần nhập từ khóa Crypto, Bitcoin… sẽ hiện ra rất nhiều hội nhóm sở hữu lượng lớn người tham gia. Trong đó, có nhóm lên đến gần 1 triệu thành viên. Họ liên tục chia sẻ những bài viết về tiềm năng thị trường tài sản số và kêu gọi người dùng tham gia đầu tư để kiếm lời trong mùa "uptrend".
|
Bitcoin hiện là tài sản số phổ biến nhất trên thị trường tiền ảo. Ảnh: PhạmĐình/NLĐ |
Chuyên gia nói về quản lý tài sản số
Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, Việt Nam chưa có khung khổ pháp lý rõ ràng nên việc nhà đầu tư đổ xô đầu tư tài sản số sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Các sàn giao dịch không có văn phòng, chi nhánh tại Việt Nam nên không chỉ nhà nước thất thu thuế mà nhà đầu tư cũng không biết tìm ai để đòi quyền lợi khi gặp sự cố. Tất cả thông tin của các sàn giao dịch tài sản số, sàn đầu tư Bitcoin đều trên không gian mạng, với tỉ lệ đòn bẩy tài chính rất cao và biên độ biến động mỗi ngày rất lớn…
"Một rủi ro khác là lừa đảo. Vì trên không gian mạng nên nhà đầu tư có thể gặp phải sàn giao dịch lừa đảo mà không biết đòi quyền lợi ở đâu...
Liên quan đến việc hoàn thiện quy định pháp luật về tài sản mã hoá, tài sản số, ông Võ Công Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm sáng tạo Trí tuệ nhân tạo Viện ABAII cho rằng: "Sự bùng nổ của công nghệ Blockchain đã kéo theo sự phát triển vượt bậc của thị trường tiền ảo, tài sản ảo (TS ảo) trên phạm vi toàn cầu. Không chỉ dừng lại ở các quốc gia phát triển, làn sóng đầu tư và giao dịch tài sản số đang lan rộng, kéo theo đó là những thách thức không nhỏ về quản lý, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến an ninh tiền tệ, trật tự xã hội.
Tại Việt Nam, với đặc thù nền kinh tế và môi trường pháp lý, việc thiếu vắng một khung pháp lý hoàn chỉnh cho tài sản số đang tạo ra "lỗ hổng" lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả nhà đầu tư và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Hiện nay, các thuật ngữ "tiền ảo", "tiền điện tử", "tiền mã hóa" được sử dụng thay thế nhau nhưng chưa có định nghĩa thống nhất trong pháp luật Việt Nam. Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tiền ảo là thông tin tồn tại dưới dạng mã máy tính, được thừa nhận và sử dụng bởi một cộng đồng, nhằm xác nhận quyền hay lợi ích của chủ thể.
Điểm khác biệt then chốt của tiền ảo là việc sử dụng công nghệ sổ cái phân tán phi tập trung (DLT), phổ biến nhất là blockchain, đảm bảo tính xác thực, minh bạch và bảo mật cao. Dựa trên chức năng, có thể tạm chia tiền ảo thành 3 nhóm: thanh toán, huy động vốn và cho phép tiếp cận dịch vụ. Tuy nhiên, một loại tiền ảo có thể đảm nhận nhiều chức năng, khiến việc phân loại chỉ mang tính tương đối.
Bộ luật Dân sự 2015 quy định tài sản gồm "vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản". Tuy nhiên, tài sản số rất khó được xếp vào bất kỳ loại tài sản nào. Thứ nhất, dữ liệu điện tử của tài sản số không có chức năng vật lý, không thể sử dụng trực tiếp. Việc chuyển giao tài sản số chỉ là chuyển giao giá trị vô hình, không phải chuyển giao "vật".
Thứ hai, Khoản 1 - Điều 6 - Luật Chứng khoán 2006 (sửa đổi, bổ sung 2010, 2018) định nghĩa chứng khoán là "bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành". Việc phát hành tài sản số dưới dạng dữ liệu điện tử có được coi là phát hành chứng khoán hay không vẫn là một ẩn số.
Việc bổ sung tài sản số vào danh mục tài sản trong Bộ luật Dân sự hoặc ban hành một đạo luật riêng để quản lý là những phương án cần cân nhắc.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các quy định về giao dịch và quản lý tài sản số, bao gồm việc xác định quyền sở hữu, quy trình giao dịch, lưu ký, thanh lý, cũng như cơ chế hoạt động và giám sát các sàn giao dịch. Việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong thanh toán không dùng tiền mặt cũng cần được nghiên cứu và luật hóa.
Hệ thống pháp luật cần có sự thống nhất, đồng bộ trong các quy định liên quan đến tài sản số, đặc biệt là trong các lĩnh vực chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và ngăn chặn gian lận thương mại. Công tác bảo vệ người tiêu dùng, nhà đầu tư cũng cần được đẩy mạnh thông qua việc nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch về tài sản số, cảnh báo rủi ro và tăng cường quản lý các sàn giao dịch.
Việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho tài sản số là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực chung của các cơ quan quản lý, các chuyên gia và toàn xã hội. Đây là vấn đề không của riêng Việt Nam mà là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển công nghệ. Với sự quyết tâm và cách tiếp cận khoa học, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được một môi trường pháp lý minh bạch, an toàn cho tài sản số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững".