|
Một chiếc điện thoại Nokia do Trung Quốc sản xuất có giá chưa đến 500.000 đồng, pin dùng 1 tuần và có khá nhiều tính năng hấp dẫn đang thu hút người sử dụng. Tuy nhiên, đây chính là 'mồi ngon' để một vài doanh nghiệp trục lợi. |
Để chiếm đoạt tiền của các thuê bao di động, các đối tượng đã cài sẵn mã lệnh nhắn tin trên điện thoại có nguồn gốc sản xuất từ Trung Quốc. Khi sử dụng, máy điện thoại này sẽ tự động nhắn tin tới đầu số 8x61, trừ tiền trong tài khoản của người dùng…
Hành trình "móc túi"
Như VietnamPlus đã thông tin, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội vừa phát hiện, xử phạt và đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung qua đầu số 8x61 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Vinamob.
Nguồn tin từ Thanh tra cho biết, Công ty Vinamob được Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2006, thay đổi lần thứ hai vào ngày 24/12/2013.
Kết quả kiểm tra cho thấy, Vinamob đã ký hợp đồng với 3 công ty nước ngoài để cung cấp dịch vụ. Các đối tác này đã thiết lập hệ thống thiết bị máy chủ đặt tại Trung Quốc để kết nối với thiết bị của Vinamob ở Việt Nam phục vụ kinh doanh.
Cụ thể, Vinamob hợp tác với Công ty Global Wireless Consulting (GWC, trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc) từ 25/3/2011. Nội dung thông tin số mà các đơn vị này cung cấp cho khách hàng gồm các đoạn text không có dấu và không có ý nghĩa, hoặc dẫn đến một trang web.
Trên thực tế, đoàn thanh tra đã kiểm tra một điện thoại Nokia K60 và phát hiện trên máy có cài đặt sẵn phần mềm ứng dụng ở mục “giải trí” gồm các dịch vụ: trắc nghiệm, tỷ giá-giá vàng, tin tức giải trí, tin thể thao, tin trúng thưởng sổ xố, kho tàng trắc nghiệm. Dưới chân màn hình máy điện thoại có chạy thông báo cước phí (5.000 đồng/1 tin). Thế nhưng, khi lựa chọn dịch vụ, trên giao diện phần mềm không có thông tin về giá tiền bao nhiêu và ứng dụng tự động gửi tin nhắn MO tới đầu số 8x61 để yêu cầu dịch vụ và tài khoản điện thoại sẽ bị trừ tiền.
Theo tính toán của đoàn thanh tra, từ tháng 8/2014 tới 8/2015, số lượng tin nhắn tính cước là 504.470 tin, tương ứng số tiền là trên 1,153 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Vinamob hợp tác với Công ty Bei Jing Chang Yuan Hong Da Technology (HK Canal) để cung cấp dịch vụ tải file nhạc. Sau khi kiểm tra hai chủ sử dụng điện thoại nhãn hiệu Nokia 2700 C-2 và ZES Z10, kết quả cho thấy máy điện thoại không có phần mềm ứng dụng nào để người dùng có thể sử dụng được dịch vụ trên đầu số 8x61.
Người sử dụng khi kiểm tra tài khoản thấy bị trừ tiền nhưng không biết nguyên nhân bởi máy điện thoại tự động gửi tin nhắn đến đầu số 8x61 và tin nhắn trả về từ đầu số này không hiển thị trên máy, cũng không lưu lại hộp tin nhắn đến. Song, hệ thống kỹ thuật của Vinamob vẫn ghi đầy đủ tin nhắn đến và tin nhắn trả về của máy khách hàng và hệ thống tính cước của doanh nghiệp viễn thông vẫn trừ tiền của khách hàng. Thậm chí, trong hai máy điện thoại trên, chỉ một chiếc có thể kết nối được internet. Số lượng tin nhắn tính cước là 65.432 tin và số tiền chủ thuê bao phải trả là hơn 895 triệu đồng.
Cuối cùng, Vinamob hợp tác với Phone Me Technology (Shiny Mobi), số tin nhắn được xác định là trên 104.357 tin và chủ thuê bao di động phải trả số tiền hơn 625 triệu đồng.
Rà soát dịch vụ cung cấp qua đầu số
Cơ quan thanh tra xác định, trong quá trình cung cấp dịch vụ, Vinamob không kiểm tra, rà soát chặt chẽ nội dung với đối tác và cập nhật văn bản quy phạm pháp luật liên quan dịch vụ đang kinh doanh dẫn đến việc đã thu cước dịch vụ với tin nhắn không được cung cấp dịch vụ; không cung cấp thông tin về giá, giá cước khi cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn.
Do đó, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt Vinamob theo quy định tại Điểm d, Điểm g Khoản 2 Điều 61 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện với số tiền 50 triệu đồng. Ngoài ra, Vinamob cũng bị đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung qua đầu số 8x61 thời gian 2 tháng, buộc hoàn trả lại số tiền đã thu của người dùng với mã lệnh người dùng không nhận được dịch vụ.
Phía thanh tra cũng xác định hoạt động cài đặt sẵn mã lệnh nhắn tin, trừ tiền trong tài khoản của một số doanh nghiệp nước ngoài với thủ đoạn chiếm đoạt tiền của người dùng là hết sức tinh vi, ẩn toàn bộ thông tin mà người dùng có thể nhận biết được, gây ra sự không yên tâm tin tưởng vào dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông trong nước.
Do đó, cơ quan chức năng Hà Nội đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông khẩn trương rà soát các dịch vụ cung cấp qua đầu số, đặc biệt quan tâm các dịch vụ tích hợp mã lệnh nhắn tin trên các ứng dụng và khóa các mã lệnh khi phát hiện nội dung không phù hợp kịch bản, khi có nhiều khiếu nại của khách hàng.
|
Người dùng cần cảnh giác với những chiếc điện thoại Trung Quốc giá rẻ bán nhiều trên mạng. Ảnh chụp màn hình minh họa. |
Thực tế cũng cho thấy, hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên mạng di động được các doanh nghiệp sở hữu đầu số hợp tác kinh doanh với nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Khi đó, các doanh nghiệp sở hữu đầu số chỉ như một kênh thanh toán dịch vụ cho đối tác. Bởi vậy, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng đề nghị Bộ sớm ban hành Thông tư quy định rõ quyền và nghĩa vụ của từng đối tượng tham gia kinh doanh loại hình này.
Khó phát hiện
Nguồn tin từ thanh tra cũng cho hay, các điện thoại bị cài mã lệnh ở trên đều là các điện thoại cấp thấp (feature phone), có giá vài trăm ngàn và chủ yếu phục vụ nhu cầu nghe gọi. Danh sách khách hàng đoàn thanh tra xác minh được có địa chỉ chủ yếu ở các tỉnh xa như Quảng Nam, ĐắcLắk, Kiên Giang… Bởi vậy, việc móc chiếm đoạt tiền từ tài khoản của người dùng nói trên không khác gì việc móc túi của người nghèo.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về vấn đề này, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav cho hay, việc cài mã lệnh này thực hiện trong firmware (tương tự như hệ điều hành trên smartphone nhưng ở mức thấp hơn) nên rất khó kiểm tra và phát hiện.
Bên cạnh đó, do là các máy thấp cấp, người dùng cũng không thể cài đặt các phần mềm an ninh để kiểm tra. Do đó, ông Tuấn Anh khuyến cáo không nên mua điện thoại trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, nếu thấy cước điện thoại tăng bất thường (với thuê bao trả sau) hoặc nhanh hết tiền (thuê bao trả trước) thì cần yêu cầu nhà mạng cung cấp sao kê để kiểm tra.
Ông Trần Quang Chiến, (Giám đốc Công ty Cổ phần VNIST) cũng cho biết trường hợp điện thoại bị cài mã độc trước khi khách hàng mua về không mới, từng xảy ra nhiều trên các điện thoại thông minh. Bởi vậy, người dùng cần đảm bảo điện thoại của mình phải “sạch” trước khi sử dụng.
Với các loại smartphone cũ, nguồn gốc không rõ, ông Chiến khuyến cáo nên cài lại phần mềm, tránh tải, cài đặt phần mềm từ những nơi không rõ nguồn gốc.
“Hiện nay có nhiều phần mềm miễn phí để diệt và loại bỏ các mã độc hoặc ngăn chặn việc tự động gửi tin nhắn và người dùng smartphone nên sử dụng để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, điện thoại đời thấp thì không thể cài đặt được phần mềm này và đây có thể là lý do các mã độc thường cài vào điện thoại rẻ tiền,” ông Chiến nhận định.
Cung cấp game trái phép
Đoàn thanh tra cũng xác định Vinamob còn có sai phạm như cung cấp trò chơi điện tử G1, G2 khi chưa có giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử; Cung cấp trò chơi điện tử G1 (Tây Du truyện, Đấu trường Saga) khi không có quyết định phê duyệt nội dung kịch bản; Quảng cáo trò chơi điện tử loại G1 không được phê duyệt nội dung kịch bản trên trang vinamob.vn và moplay.vn.
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội chưa xử phạt vi phạm hành chính với các lỗi về game nói trên và yêu cầu Vinamob khẩn trương xin giấy phép, đăng ký hoạt động cung cấp với các trò chơi này.