Trước đó, do ngày 7/9 nước Mỹ rơi vào ngày nghĩ lễ Lao động nên các sàn vàng tại Mỹ đóng cửa, tác động nhất định đến sức mua - bán trên thị trường. Giá vàng thế giới trong ngày này biến động với biên độ hẹp, từ 1.936 USD/ounce xuống 1.924 USD/ounce. Đến đầu ngày 8-9, vàng leo lên 1.932 USD/ounce.
Với mức giá trên, giá vàng thế giới quy đổi là 54 triệu đồng/lượng.
Trong ngày 7/9, giá vàng SJC biến động cùng chiều với giá vàng thế giới, giảm 200.000 đồng/lượng, từ 56,7 triệu đồng/lượng xuống 56,5 triệu đồng/lượng, tiếp tục cao hơn giá thế giới 2,5 triệu đồng/lượng.
Số liệu thống kê cho thấy, trong 5 phiên giao dịch của tuần trước (từ 31/9 đến 4/9), các tổ chức tài chính trên toàn cầu đã mua khoảng 18,6 tấn vàng. Riêng quỹ đầu tư hàng đầu thế giới SPDR Gold Shares không giao dịch 3 phiên, bán ra 2 phiên với tổng khối lượng 1,4 tấn vàng.
Đến nay, các đại gia vàng quốc tế giao dịch khá dè dặt. Có lẽ đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho giá vàng biến động không đáng kể. Hiện tại, giới đầu tư đang dồn sự chú ý đến cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 10/9 tới đây. Mọi quyết định của ECB về chính sách tiền tệ sẽ tác động trực tiếp đến đồng euro, qua đó tác động đến USD và giá vàng.
Giới phân tích nhận định xu hướng của giá vàng hiện rất khó đoán vì đang bị dẫn dắt bởi nhiều yếu tố, từ số liệu ca nhiễm - vắc xin phòng ngừa Covid-19 cho đến dữ liệu kinh tế Mỹ và châu Âu, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ECB, sức khỏe của đồng USD so với nhiều đồng tiền khác…