Mạnh tay cắt giảm
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố cắt giảm hơn 700 nhân viên chỉ trong quý 3. Cụ thể, tính tới ngày 30/9/2013, tổng số nhân viên chính thức của ACB chỉ còn 9.005 người, giảm 703 người, tương ứng 7,2% so với quý 2/2013 và giảm 739 người, tương ứng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, so với đầu năm, ACB đã cắt giảm 927 nhân viên.
Phát biểu với báo giới, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB cho biết: Trên thực tế, con số 703 nhân viên bị cắt giảm không phản ánh cơ cấu nhân sự thực tế của ACB. Bởi đây là con số được đưa ra trong báo cáo tài chính quý 3/2013. Quy trình kiểm tra được tính như sau: Lấy con số nhân sự từ ngày 1/1/2013 trừ đi con số nhân sự cuối cùng của ACB tính đến ngày 30/9/2013. Như vậy, con số 703 nhân viên ACB bị cắt giảm thực tế chỉ là con số chênh lệch, biến động của nhân viên trong ngân hàng. Đó là điều bình thường xảy ra không chỉ riêng với ACB mà tất cả các ngân hàng trong nước.
|
Ảnh minh họa: Internet. |
Cũng theo ông Toại, trong số 703 nhân viên bị cắt giảm, có những người không phù hợp với công việc, có những người làm việc không đạt chỉ tiêu, có những người phòng ban thừa nhân viên nên đề xuất cắt giảm và cũng có những nhân viên tự động xin nghỉ việc tại ACB vì họ cảm thấy không phù hợp, muốn tìm một môi trường mới tốt hơn. Trong đó, những nhân sự thuộc phòng kinh doanh bị cắt giảm nhiều nhất do họ không đạt chỉ tiêu, năng suất công việc cũng như chất lượng được giao.
Ông Toại tiết lộ thêm, việc cắt giảm nhân sự này không nằm trong lộ trình tái cơ cấu của ACB bởi sự biến động nhân sự này thể hiện quá trình chuyển dịch nguồn nhân sự, không gây ảnh hưởng đến cơ cấu của ACB.
Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là ACB không phải là ngân hàng duy nhất trên thị trường mạnh tay cắt giảm nhân sự trong suốt thời gian qua. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng mới lên kế hoạch giảm 1.000 nhân viên ở bộ phận gián tiếp nhằm tăng quỹ lương cho bộ phận bán hàng trực tiếp. Tuy nhiên đến nay, Eximbank mới chấm dứt hợp đồng với 48 người và điều chuyển 300 nhân viên từ các phòng ban của hội sở xuống các chi nhánh để tăng cường đội ngũ bán hàng nhằm đẩy mạnh hoạt động bán lẻ.
Tính đến ngày 30/9/2013, số lượng nhân viên của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng chỉ còn 7.077 người, giảm gần 200 nhân viên so với năm trước.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) giảm 134 nhân sự so với cuối quý 2/2013, giảm 318 người so với đầu năm 2013. Tính đến ngày 30/9/2013, số lượng nhân sự của ngân hàng SHB là 4.145 người.
Là một trong số ít ngân hàng có tình hình hoạt động kinh doanh khá ổn định, nhưng trong năm 2013, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cắt giảm nhân sự. Tính đến ngày 30/9/2013, số lượng nhân viên của ngân hàng này là 13.363 người, giảm 190 người so với cuối quý 2/2013 nhưng tăng 112 người so với thời điểm cuối năm 2012. Vì có lực lượng lao động hùng hậu nên con số 190 người bị chấm dứt hợp đồng chỉ chiếm 1,4% tổng nhân sự của Vietcombank.
Một ngân hàng lớn khác là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng nằm trong xu hướng này. Theo đó, tính đến cuối tháng 9/2013, Vietinbank đã chấm dứt hợp đồng lao động với 87 người so với đầu năm 2013.
Vì đâu nên nỗi?
Việc cắt giảm nhân sự ở mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp đều là sự điều chỉnh rất bình thường để phù hợp hơn với cơ chế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc ồ ạt giảm nhân sự, tạo thành một "làn sóng" khá rộng như hiện nay thì dễ khiến nhiều người "giật mình". Càng đáng chú ý hơn nữa khi ngân hàng từ trước đến nay vẫn được coi là ngành "hot" với mức lương cao ngất ngưởng và đặc thù khá nhàn hạ.
Trao đổi với Kiến Thức về xu hướng cắt giảm nhân sự của các ngân hàng trong thời gian qua, ông Nguyễn Tuấn Linh, Phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) quận Ba Đình (Hà Nội) diễn giải: Bao giờ việc cắt giảm nhân sự của các ngân hàng cũng có 2 lý do. Thứ nhất, do kinh doanh yếu kém khiến lợi nhuận sụt giảm, các ngân hàng buộc phải giảm chi phí bằng cách thu nhỏ quy mô nhân sự. Việc làm này dẫn tới thừa nhân sự do những giai đoạn trước đó ngân hàng có tuyển thêm nhân sự, đặc biệt một số ngân hàng tuyển nhân sự ồ ạt. Vì vậy, những nhân sự thừa ra buộc ngân hàng phải chấm dứt hợp đồng. Trong đó, không ít nhân sự, vì áp lực của hiệu suất kinh doanh do không hoàn thành chỉ tiêu mà xin nghỉ việc.
Thứ 2, đối với những nhân viên làm tín dụng, khi nợ xấu tăng lên sẽ bộc lộ một số vấn đề về đạo đức nghiệp vụ ngân hàng của các nhân viên này. Đó là lý do ngân hàng phải sa thải đối với những nhân sự yếu kém về đạo đức nghề nghiệp.
Ông Linh cũng thừa nhận, xu hướng cắt giảm nhân sự đang trở nên "bùng nổ" trong hệ thống ngân hàng nước ta. "Trong thời gian tới đây, nhiều ngân hàng cũng sẽ phải làm việc này. Tùy thuộc vào quy mô của các ngân hàng mà việc cắt giảm là ít hay nhiều. Đối với những ngân hàng có quy mô lớn thì sẽ cắt giảm nhiều hơn do có những ngân hàng đã tuyển nhân sự ồ ạt dẫn tới việc thừa nhân sự cần phải cắt giảm. Đối với những ngân hàng có quy mô nhỏ thì việc tuyển nhân sự cũng ở mức hạn chế cho nên cũng hạn chế trong việc cắt giảm nhân sự", ông Linh nói.
Để hạn chế việc cắt giảm nhân sự trong hệ thống ngân hàng, theo ông Linh, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lợi nhuận của ngân hàng hay thị trường mà ngân hàng hướng tới. Một số ngân hàng kinh doanh sụt giảm thì cần cơ cấu lại nhân sự để tăng quỹ tiền lương và thưởng cho những nhân sự đảm bảo chỉ tiêu kinh doanh, cũng để tăng hiệu suất kinh doanh cho ngân hàng. Đối với một số ngân hàng muốn mở rộng quy mô thì việc tuyển thêm nhân sự là điều đương nhiên. Và khi một số ngân hàng khác muốn thu hẹp quy mô thì những nhân sự được tuyển trước đó cũng nằm trong nguy cơ bị đào thải.
Trong thời gian qua, một số nhà băng chủ yếu cơ cấu lại nhân sự về "chất" hơn về lượng, tức là có đào thải mạnh tay các nhân sự yếu kém và tuyển dụng những nhân sự có tài. Quan trọng là bức tranh chung của nền kinh tế, nếu kinh tế phát triển, hệ thống ngân hàng lớn mạnh thì quy mô nhân sự cũng từ đó lớn mạnh theo, ông Nguyễn Tuấn Linh cho biết.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết: Để thích ứng với sự dịch chuyển của nền kinh tế vĩ mô, của cơ cấu hệ thống ngân hàng và tương quan so sánh các yếu tố trong các ngân hàng thì các ngân hàng phải thay đổi hành vi và chiến lược hoạt động của mình. Trong thời gian vừa qua, có nhiều ngân hàng cắt giảm nhân sự nhưng cũng có những ngân hàng lại tuyển thêm nhân sự.
Theo ông Dương, có thể phân loại "làn sóng" cắt giảm nhân sự ngân hàng ở ba dạng: với những ngân hàng mở thêm hoạt động, mở thêm thị trường thì họ sẵn sàng tuyển thêm nhân sự. Còn đối với những ngân hàng tuy mạnh nhưng gặp nhiều nguy cơ thì phải dùng chiến lược đa dạng hóa. Tức là ngoài các sản phẩm thông thường, các ngân hàng này mở rộng đầu tư ngoài ngành và các nhân sự không bị sa thải mà chỉ điều chuyển. Còn đối với những ngân hàng yếu kém đang gặp nguy cơ thì buộc phải dùng chiến lược phòng thủ, phải thắt lưng buộc bụng, phải giảm chi phí. Các loại chi phí gồm có: phí người (tiền lương), phí máy, phí nguyên liệu, trong đó chi phí tiền lương trong ngành ngân hàng là chi phí cao nhất. Cho nên, ngành ngân hàng phải giảm chi phí tiền lương trước tiên. Nhiều ngân hàng dùng cả chi phí tấn công lẫn phòng thủ, tức là những ngân hàng rất mạnh vẫn cắt giảm nhân sự.
Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, con số nhân sự cắt giảm nhìn thấy chỉ là con số chênh lệch, biến động trong nhân viên ngân hàng vì có ngân hàng cắt giảm 700 nhân viên nhưng lại tuyển thêm 800 nhân viên khác. Việc cắt giảm nhân sự chính là chiến lược thích ứng với sự thay đổi của nền kinh tế của các ngân hàng. "Cắt giảm nhân sự cũng là để thay đổi quỹ tiền lương, chuẩn hóa nhân viên chứ chưa hẳn là do lợi nhuận sụt giảm", ông Dương nói.
Điều quan trọng, theo ông Dương là các ngân hàng phải thường xuyên đánh giá lại hoạt động của mình để đưa ra chiến lược phù hợp thì mới có thể tồn tại trên thị trường.