Câu chuyện dưới đây không phải kịch bản của bộ phim truyền hình Hàn Quốc nào đó, đây là câu chuyện có thật, đang diễn ra ngay tại một trong những tập đoàn gia đình lớn nhất Hàn Quốc: Một vị lãnh đạo cấp cao bị “đá” ra khỏi vị trí quản lý ngay trong chính tập đoàn do gia đình anh ta sở hữu liền quay sang nghi ngờ người em trai ruột của mình chính là kẻ đã “giật dây” phía sau. Người anh lúc bấy giờ tranh thủ cơ hội dành lấy sự ủng hộ từ Chủ tịch – cũng chính là cha của họ – nhằm mong lấy lại được quyền lực. Tuy nhiên người em trai của anh ta một lần nữa đã nhanh chóng hạ bệ luôn người cha, đẩy vị Chủ tịch ra khỏi vị trí lãnh đạo và củng cố quyền kiểm soát lên tập đoàn, ít nhất là cho đến bây giờ.
Đây chính là câu chuyện có thật về cuộc đại chiến gia đình đang diễn ra ngay trong Tập đoàn Lotte nổi tiếng của Hàn Quốc.
Tập đoàn chaebol (công ty gia đình) này là chủ sở hữu của một chuỗi các khách sạn, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, các tòa nhà trung cư, cửa hàng cà phê và đồ ăn nhanh trên khắp cả nước.
Sự đấu đá tranh dành quyền lực giữa các anh chị em trong gia đình không phải là chuyện hiếm gặp ở các tập đoàn cheabol ở “xứ sở kim chi”. Vì đặc thù của nền kinh tế Hàn Quốc là mỗi ngành công nghiệp lớn lại bị chi phối bởi các tập đoàn kiểu này, có thể kể đến đại diện tiêu biểu như Samsung, Hyundai, LG hay Lotte, do vậy những cuộc tranh quyền đoạt vị ngay trong tập đoàn chaebol cũng sẽ có tác động trực tiếp đến nền kinh tế cả nước.
|
Ông Shin Kyuk Ho, 92 tuổi, là người sáng lập Tập đoàn Lotte. (Ảnh: Yonhap). |
"Hầu như rất hiếm có một tập đoàn chaebol lớn nào mà không từng bị ‘rung chuyển’ bởi một ‘cuộc chiến của các ông hoàng’. Đây là một vấn đề bất ổn. Rất may mắn cho các công ty như Samsung hay Hyundai khi mà vị chủ tịch hiện tại của họ chỉ có duy nhất một người con trai”, ông Lee Ji-soo, Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Luật pháp ở Seoul cho biết. “Khi các nhà đầu tư yêu cầu một sự quản trị doanh nghiệp tốt hơn ở các tập đoàn chaebol, nó bao gồm cả việc minh bạch trong các kế hoạch kế nhiệm”, ông Lee nói thêm.
Vấn đề quản trị chứa đựng những bất cập này có thể phát đi tín hiệu xấu đến các nhà đầu tư toàn cầu. Điều mà các nhà đầu tư lo sợ là một sự kết hợp giữa cấu trúc kinh doanh phức tạp và một chuỗi thừa kế “cha truyền con nối” giữa các gia đình thuộc tập đoàn Chaebol khiến cho những công ty hàng chục tỷ đô la này trở nên biến động và rủi ro hơn nhiều.
Theo một số liệu của chính phủ Hàn Quốc, các gia đình thuộc top 10 tập đoàn chaebol lớn nhất Hàn Quốc sở hữu chỉ 10% tài sản trong “đế chế” rộng lớn của họ. Nhưng các vị Chủ tịch của những tập đoàn này có một phương thức lãnh đạo đặc biệt đấy là thực hiện đầu tư nội bộ, sở hữu chéo cổ phần, mô hình này còn có tên gọi khác là “mô hình kim tự tháp”. (Sở hữu chéo hay đầu tư nội bộ doanh nghiệp là hình thức khi Công ty A nắm giữ cổ phần của công ty B và ngược lại. Luật thương mại của Hàn Quốc cũng đã quy định rõ giới hạn cho phép đối với vấn đề này, theo đó, các công ty con không được phép nắm giữ cổ phiếu của công ty mẹ và công ty mẹ cũng không được phép nắm giữ quá 40% cổ phần của công ty con. Tuy việc nắm giữ cổ phần chéo không được phép nhưng một công ty vẫn có thể đầu tư vốn vào một công ty khác và sau đó chuyển vốn cổ phần sang cho bên thứ 3 – Theo Cổng thông tin điện tử Viện nghiên cứu lập pháp Việt Nam).
Lotte, tập đoàn chaebol lớn thứ năm của Hàn Quốc, là một ví dụ điển hình. Các chủ sở hữu và công ty con của Lotte có một sự sở hữu đan chéo cổ phần lòng vòng hết sức phức tạp. Cấu trúc này được thiết kế một phần để đảm bảo ngăn chặn không để một khối lượng lớn cổ phần nào bị sa vào tay đối thủ. Nhưng đồng thời, cách thức sở hữu chéo này cũng đồng nghĩa với các rủi ro, khi một vấn đề tài chính phát sinh từ một công ty nào đó trong tập đoàn cũng có thể dễ dàng lan tỏa và ảnh hưởng đến phần còn lại.
Đến thời điểm khi vị chủ tịch của một tập đoàn chaebol sắp từ nhiệm và lựa chọn người kế vị, đối diện với rủi ro hàng tỷ đô la có thể trượt khỏi tay, con cái của các vị chủ tịch này thường cài đặt camera giám sát, khởi kiện và cáo buộc lẫn nhau làm giả di chúc của người cha. Một cuộc đấu đá gay gắt kiểu “được ăn cả, ngã về không”.
Những rạn nứt trong gia đình thường xuất hiện trong các tập đoàn chaebol. Năm 2000, tập đoàn Hyundai đã bị “chia năm xẻ bảy” nguyên nhân cũng xuất phát từ một cuộc nội chiến gia đình như vậy. Một trường hợp khác như tập đoàn Doosan hay tập đoàn Kumho, một sự đấu đá tranh giành quyền lực tại các tập đoàn này đã dẫn đến tình trạng lộn xộn kéo dài trong quản lý.
Lotte là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất Hàn Quốc, với 310.000 nhân viên trong và ngoài nước. Trong năm 2014, 80 công ty con của Lotte thông báo lợi nhuận đến 93 nghìn tỷ won, tương đương với 79 tỷ đô la.
Ông Shin Kyuk Ho, 92 tuổi, là người sáng lập ra tập đoàn Lotte. Vào năm 1941, thời kỳ mà Hàn Quốc vẫn còn là thuộc địa của Nhật Bản, nhà sáng lập tập đoàn Lotte lúc bấy giờ mới 18 tuổi đã đi tàu đến Nhật để theo học đại học và bắt đầu làm việc tại một công ty kẹo cao su. Sau thời gian này, ông trở về và bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh trên chính đất nước của mình. Người vợ đầu của ông mất sớm, để lại cho ông một người con gái. Trong cuộc hôn nhân thứ hai với một phụ nữ Nhật Bản, ông có hai con trai là ông Dong-joo, 61 tuổi, phụ trách hoạt động của công ty mẹ Lotte tại Nhật Bản; và Dong-bin, 60 tuổi, phụ trách hoạt động của Lotte tại Hàn Quốc.
|
Ông Shin Dong-joo, 61 tuổi, con trai lớn của người sáng lập Tập đoàn Lotte. (Ảnh: Reuters). |
Trong khi tăng trưởng của Lotte có dấu hiệu trì trệ tại thị trường Nhật Bản, người con trai út của ông Kyuk Ho, ông Dong-bin, đã giúp gây dựng Lotte trở thành doanh nghiệp bán lẻ số 1 Hàn Quốc thông qua các hoạt động sát nhập và mua lại. Dưới sự lãnh đạo của ông Dong-bin, Lotte mở rộng hoạt động kinh doanh hóa dầu của mình, mở rộng một chuỗi các trung tâm mua sắm ở Trung Quốc và Việt Nam và mua lại các khách sạn lớn ở nước ngoài, bao gồm cả New York Palace Hotel. Ông đã góp công xây dựng nên tòa nhà Lotte World Tower, tòa nhà cao nhất Hàn Quốc với 1821 tầng, nằm ở thủ đô Seoul.
Chỉ vài tháng sau đó, bắt đầu từ cuối năm 2014, người anh trai cả của ông là Dong-joo bị bãi nhiệm. Ngay lúc đó đã có rất nhiều tin đồn ông bị người em trai “hất cẳng”. Tuy nhiên, theo như những gì ông Dong-bin nói với báo chí vào hồi tháng 1 năm nay ông cho biết: “Đấy là do bố tôi, ông ấy đã làm điều đó”.
Vào giữa tháng 7, ông Dong-bin được bổ nhiệm là Giám đốc điều hành tại công ty mẹ - Lotte Holdings (trụ sở Nhật Bản). Nhưng người anh trai Dong-joo lúc này đã cầu cứu sự ủng hộ của người cha và tập hợp thêm sự ủng hộ của người chú và chị gái cùng cha khác mẹ của mình. Vào cuối tháng 7, ông Dong-joo cùng cha mình và chị gái đến Tokyo. Tại đây, ông đã đề nghị một nhóm lãnh đạo Lotte Holdings, trong đó có ông Dong Bin, từ chức.
Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, ông Dong-bin đã triệu tập ngay một cuộc họp hội đồng quản trị và thuyết phục được hội đồng đồng ý sa thải cha mình khỏi vị trí lãnh đạo.
|
Ông Shin Dong-bin trong vòng vây của báo chí sau sự việc lật đổ cha mình (Ảnh: Getty Images). |
Trong đầu tháng 8, cuộc nội chiến gia đình đạt đến hồi căng thẳng, ông Dong-joo gọi người em trai của mình là một đứa con bất hiếu, người đã cả gan “làm trái ý muốn của cha” để thỏa mãn tham vọng làm chủ toàn bộ đế chế. Ông Dong-joo cũng đã cung cấp các tài liệu chứng tỏ mình mới là người thừa kế, mà theo ông những tài liệu này đã được ký bởi cha mình.
Về phần ông Kyuk Ho, trích từ lời phát biểu đầy mệt mỏi của ông trong đoạn video được người con trai Dong-joo cung cấp, ông nói: “Tôi không bao giờ có thể hiểu được và tha thứ cho anh ta khi anh ta tìm cách loại trừ chính tôi, cha của anh ấy, khỏi Lotte Group, tập đoàn mà tôi đã xây dựng được trong vòng 70 năm qua”.
Những người ủng hộ ông Dong-bin cho rằng ông Dong-joo là một nhà quản lý không đủ năng lực và tố cáo ông này đã xúi giục và làm rối trí ông Kyuk Ho để thực hiện âm mưu chia rẽ tập đoàn.
Phát biểu của ông Hwang Kag-gyu, một nhà lãnh đạo cấp cao của Lotte đồng thời là đồng minh của ông Dong-bin cho biết: “Lotte có được như ngày hôm nay là nhờ sự lãnh đạo vĩ đại của Chủ tịch” “Nhưng nếu các bạn so sánh những gì mà hai người con trai của Chủ tịch đã thể hiện, thì rõ ràng vị trí ai là người lãnh đạo đã được chứng minh, ai là người tốt hơn cho tập đoàn, cho các bên có liên quan và nhân viên của Lotte”.
Vào giữa tháng 8, những rắc rỗi phần nào đã được giải quyết, với phần thắng có phần nghiêng về ông Dong-bin. Các cổ đông của Lotte Holdings đã chấp thuận vị lãnh đạo của ông Dong-bin và các kế hoạch quản lý của ông này. Nhưng những tranh chấp trong gia đình vẫn chưa thực sự kết thúc. Ông Dong-joo vẫn là một cổ đông lớn của công ty chủ chốt Lotte, và một trong hai người anh em đã đe dọa để đưa nhau ra tòa.
Ông Dong-bin cho biết công ty sẽ dành 7 nghìn tỷ won tương đương với 5,9 tỷ đô la để loại bỏ những sự móc nối cổ phiếu chồng chéo hiện tại. Điều này sẽ khiến cho tập đoàn trở nên vững vàng hơn và phục hồi nhanh từ bất kỳ mất mát nào ở các công ty thành phần của họ.
“Điều này sẽ được tiến hành bởi vì trong quá trình phát triển của Lotte, nó chưa đủ để cải thiện cơ cấu sở hữu và cách thức quản lý minh bạch hơn” ông Dong-bin nói và cúi đầu nhận lỗi trong một cuộc họp váo ở Seoul vào tháng trước. Ông Dong-bin nói rằng, ông vẫn tôn trọng cha mình, nhưng ông nhấn mạnh “việc quản lý tách biệt với gia đình”.