Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, PVR nói gì?

Google News

CTCP Đầu tư PVR Hà Nội (UPCoM: PVR) vừa có công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) để giải trình về tình trạng cổ phiếu bị duy trì hạn chế giao dịch.  

Thứ nhất, đối với việc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, PVR cho biết vì công ty không có kinh phí để duy trì hoạt động. Công ty cần sắp xếp lại nhân sự và tìm kiếm giải pháp, phương hướng hoạt động kinh doanh mới để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Thứ hai, đối với việc tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với Báo cáo tài chính 2023 của PVR. Đây cũng là một trong những lý do khiến cổ phiếu PVR vẫn trong diện hạn chế giao dịch.
Trong văn bản giải trình, PVR cho biết khoản chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang vào Dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên lũy kế đến cuối năm 2022 và 2023 đều gần 25 tỷ đồng, với lãi vay lũy kế là 7,34 tỷ đồng. Công ty đang gặp rủi ro trong việc bị thu hồi dự án, dẫn đến AASC không thể đánh giá được giá trị đầu tư và khả năng xảy ra tổn thất.
Doanh nghiệp cho biết chưa thể thu thập BCTC của CTCP Đầu tư phát triển Bình An (đơn vị này chưa cung cấp), nên chưa có cơ sở để trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này.
Khoản đầu tư vào CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (UPCoM: PVX) với số tiền hơn 21,3 tỷ đồng, AASC cho rằng PVR chưa thu thập được BCTC 2022 và 2023. Tương tự, khoản đầu tư vào CTCP Khách sạn Dầu Khí Lam Kinh (5 tỷ đồng) cũng chưa thu thập được BCTC 2023 để làm cơ sở xem xét, điều chỉnh trích lập dự phòng.
Về điểm này, PVR cho biết do lập báo cáo sớm nên chưa thể thu thập các BCTC, qua đó có cơ sở để trích lập dự phòng, đồng thời cam kết sẽ trích lập sau khi nhận BCTC của bên nhận đầu tư.
Về dự án CT10-11 Văn Phú đang thi công dở dang do chậm tiến độ, AASC chưa thu thập đủ hồ sơ 2022 và 2023 để đưa ra kết luận. Chi phí khoảng 693 tỷ đồng.
PVR cho biết chưa thể đánh giá hiệu quả đầu tư vì các thông số thị trường chưa đầy đủ, nên chưa có căn cứ trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Về công nợ phải thu - phải trả, thời điểm cuối năm 2022 và 2023 đều chưa được đối chiếu, xác nhận đầy đủ, nên AASC chưa đánh giá được có cần điều chỉnh số liệu hay không.
PVR cho biết đã gửi công văn, thư xác nhận cho khách hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư, nhưng chưa nhận được phản hồi đầy đủ. Công ty cam kết sẽ sớm bổ sung cho kiểm toán viên và khẳng định các khoản tiền chưa đối chiếu này là đúng.
Co phieu bi han che giao dich, PVR noi gi?
Ảnh minh họa 
PVR chưa kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với khoản tiền cọc từ khách hàng cho Dự án Văn Phú.
PVR lý giải các khoản này là tiền nhận góp vốn theo dự án, được chuyển thành khoản trả trước của người mua khi khách hàng ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, do bị chậm tiến độ, khách hàng đang kiến nghị thu hồi, nên PVR chưa thực hiện xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và khẳng định điều này phù hợp với quy định pháp luật và quy định hợp đồng.
AASC cho rằng PVR chưa xem xét trích lập dự phòng với các khoản đầu tư tại Bình An (2021-2022, số tiền 205 tỷ đồng) và không đánh giá được tính đúng đắn của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của Công ty Bình An vào ngày 30/06/2011 giữa CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH (OCH) với PVR, cũng như việc các cổ đông liên quan đã góp đủ vốn hay chưa.
PVR cho biết ý kiến này liên quan đến Dự án Khu du lịch Quốc tế cao cấp Tản Viên. Trong đó, vào ngày 20/07/2019, PVR nhận được văn bản từ Sở Kế hoạch & Đầu tư Thành phố Hà Nội về việc chấm dứt hoạt động của Dự án và thu hồi GIấy chứng nhận đầu tư, nên hiện đã dừng mọi hoạt động liên quan dự án.
Tiếp đến là khoản đầu tư chứng khoán và vào đơn vị khác với các mã EFI, PXL, PV2, giá trị hợp lý tại tháng 4/2023 là 5,2 tỷ đồng và cấn trừ vào công nợ phải trả cổ tức của OceanBank. AASC cho biết 2 bên vẫn chưa làm rõ nghĩa vụ công nợ, nên chưa thể đánh giá khoản này chính xác. PVR cho biết tài khoản đầu tư vào các mã này đã bị phong tỏa từ 10/04/2023 theo việc thi hành án của Chi cục thi hành án dân sự quận Thanh Xuân, Hà Nội. Doanh nghiệp tạm tính giá trị hợp lý theo giá đóng cửa các mã tại ngày 10/04/2023, cấn trừ vào công nợ ngân hàng.
PVR tiền thân là Công ty CP Dầu khí Tản Viên, một thành viên của PVC thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 11/2006 để đảm nhiệm lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản, dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp.
PVR còn được biết đến là chủ đầu tư dự án chung cư Hanoi Time Tower. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 7.000 m2, gồm 41 tầng, địa điểm tại Lô CT10 - CT11 KĐT Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội. Dự án này được triển khai xây dựng từ năm 2010 và dự kiến bàn giao trong năm 2014. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn tạm dừng thi công.
Về tình hình kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2024, PVR tiếp tục trắng doanh thu, trong khi các chi phí vẫn phải duy trì nên Doanh nghiệp lỗ ròng gần 1,4 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 1 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 9, PVR lỗ lũy kế hơn 88 tỷ đồng. Tổng tài sản PVR hơn 976 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm. Trong đó, gần 693 tỷ đồng là hàng tồn kho tại dự án Hanoi Time Tower.
Nợ phải trả còn 517 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn với gần 503 tỷ đồng; trong đó, khoản khách hàng trả tiền trước còn gần 257 tỷ đồng, toàn bộ từ dự án Ha Noi Time Tower. PVR cũng còn hơn 14 tỷ đồng vay nợ tài chính.
Trước tình hình đó ngày 18/12, HĐQT Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội đã thông báo về quyết định tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong năm 2025.
Đây là lần thứ hai liên tiếp, PVR dừng hoạt động kinh doanh. Trước đó, giữa tháng 11/2023, PVR xin tạm ngừng hoạt động kinh doanh đến giữa tháng 11/2024. Lý do cũng là để sắp xếp lại nhân sự và tìm hướng kinh doanh mới.
Minh Vy/VNDL

>> xem thêm

Bình luận(0)