Trong những năm tới, ngành sữa Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn khi nhu cầu tiêu thụ được dự báo tăng trưởng 9%/năm, đạt mức 27-28 lít sữa/người/năm vào năm 2020.
|
Các sản phẩm sữa Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc tế. Ảnh: Ngọc Châu Các sản phẩm sữa Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc tế. Ảnh: Ngọc Châu. |
Sản phẩm tiêu chuẩn quốc tế
Hiện nay, các sản phẩm sữa tại Việt Nam trước khi đưa ra thị trường đều được Bộ Công Thương và Bộ Y tế xem xét và cấp phép. Chất lượng của các sản phẩm sữa ở Việt Nam được cơ quan quản lý kiểm soát quản lý thông qua hệ thống Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Việt Nam, được ban hành năm 2010 sau khi tham vấn các Bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa và cả Ủy ban Codex Việt Nam để phù hợp với Việt Nam và Quốc tế. Theo TS Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký kiêm Giám đốc Văn phòng Codex Việt Nam, các tiêu chuẩn về thực phẩm nói chung do Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN ban hành trong vòng 5 năm trở lại đây đã có sự hợp tác rất chặt chẽ với Ủy ban Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế). “Các tiêu chuẩn, quy chuẩn thực phẩm nói chung, về sữa nói riêng ở Việt Nam khi dự thảo ban hành đều có tham khảo của Ủy ban Codex Việt Nam. Các tiêu chuẩn về thực phẩm dựa vào Codex là hài hòa nhất. Do Codex là tổ chức của Liên Hợp Quốc, FAO, WHO nên tiêu chuẩn được áp dụng cho 99,5% dân số thế giới, 189 quốc gia”, TS Quỳnh nói.
Theo TS Quỳnh, chúng ta có nhiều sản phẩm hơn các quy định trong Codex quy định. Do vậy, có những chỗ dựa vào Codex là chắc chắn, có những sản phẩm trong Codex không có, ví dụ như sữa vừa hoàn nguyên, vừa có sữa tươi, thêm các loại vi chất và phụ gia khác nên phải có những điều chỉnh, ví dụ sữa dạng lỏng tiệt trùng, sữa dạng lỏng thanh trùng… “Trong quá trình chuyển đổi tiêu chuẩn Codex sang Việt Nam, về cơ bản, tôi khẳng định các chỉ số kỹ thuật, yêu cầu chất lượng, an toàn phải phù hợp với Codex. Khi chúng ta đưa những khái niệm chuyển đổi quốc tế về không phải lúc nào cũng được chấp nhận ngay. Bởi chúng ta đã quen gọi theo những tên gọi truyền thống. Tuy nhiên, chưa quen rồi sẽ quen, do tên gọi mới phù hợp với thông lệ quốc tế”, TS Quỳnh khẳng định.
Thực tế, với việc áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế, ngành sữa Việt Nam mới đảm bảo uy tín và tạo lợi thế cho sản phẩm Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, nhất là khi Việt Nam tham gia và hội nhập sâu vào WTO và sắp tới đây là TTP. “Hiện nay, với những sản phẩm sữa đa dạng về chủng loại, có chất lượng tốt và uy tín, ngành sữa Việt Nam các năm qua đã xuất khẩu hàng loạt sản phẩm sữa đi hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới, với doanh số xuất khẩu hàng năm khoảng 200- 250 triệu USD”, TS Quỳnh cho biết.
Chăn nuôi nông hộ bền vững
Theo Bộ NN&PTNT, tính từ năm 2008 đến 2014 thì số lượng bò sữa cả nước đã tăng lên gấp đôi, chất lượng giống được cải thiện, sữa tươi đảm bảo an toàn thực phẩm và đang chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Năng suất sữa bò ngày càng tăng và cao hơn các nước khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Đặc biệt đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi có hiệu quả là có sự gắn kết giữa hộ chăn nuôi với các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa.
Lãnh đạo Hiệp hội Sữa Việt Nam khẳng định, Hiệp hội luôn ủng hộ quan điểm của Chính phủ, Bộ Công Thương trong Đề án phát triển ngành Sữa. Theo đó, chúng ta cần hiện đại hoá, áp dụng công nghệ để thúc đẩy, phát triển các trang trại quy mô lớn, công nghiệp. Kết hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam là phát triển chăn nuôi hộ gia đình. Nhìn vào Vinamilk, doanh nghiệp này hiện có tổng đàn bò bao gồm từ trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa cho công ty là gần 120.000 con bò, mỗi ngày cung cấp khoảng 650 tấn sữa bò tươi nguyên liệu. Đối với FrieslandCampina Việt Nam, hàng ngày công ty này đang mua vào hơn 310 tấn sữa tươi của hơn 4.500 hộ nông dân. Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu cũng là một điển hình trong liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân nuôi bò sữa.
Thống kê sơ bộ cho thấy, có khoảng 24.000 hộ gia đình tham gia chuỗi sản xuất chăn nuôi phục vụ ngành sữa. Đây là một lực lượng rất quan trọng giúp ngành sữa Việt Nam phát triển bền vững. Bởi chăn nuôi hộ gia đình quy mô vừa phải sẽ đỡ phải chịu áp lực về môi trường như các trang trại quy mô tập trung quá lớn. Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, nếu không phát triển chăn nuôi hộ gia đình mà chỉ tập trung vào phát triển trang trại quy mô lớn sẽ gặp rất nhiều khó khăn: thiếu đất đai, nông dân mất đất sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống mưu sinh, năng suất, bệnh tật và nhất là vấn đề môi trường.