Xuất gia như thế là đúng hay sai?

Google News

Có thể xem như chị ấy còn phước duyên được núp bóng cửa từ bi...

HỎI: Tôi có người chị năm nay 37 tuổi, chị có hai con gái 10 tuổi và 5 tuổi. Vì tình duyên lận đận chị tôi đã tìm đường xuất gia. Có điều, chị mang theo đứa con 10 tuổi vào chùa và để lại đứa con 5 tuổi cho gia đình tôi nuôi. Tôi thấy việc chị xuất gia là quyền của chị nhưng để hai cháu nhỏ phải xa nhau rất tội nghiệp. Mặt khác, nghe chị tôi dự tính khi cháu nhỏ lớn thêm một tí nữa là cho vào chùa tu luôn. Tôi thấy động cơ xuất gia của chị tôi là trốn nợ đời hơn là tìm đường giải thoát, và việc nhà chùa giúp chị tôi xuất gia trong hoàn cảnh như vậy là đúng hay sai?
(VINH NGA, [email protected])
ĐÁP:
Bạn Vinh Nga thân mến!
Cửa chùa luôn rộng mở nên có tên là cửa Không. Ngoài ra cửa chùa luôn che chở, đùm bọc những người bất hạnh nên còn gọi là cửa Từ bi. Nhà chùa luôn dang rộng vòng tay, tiếp độ người hảo tâm xuất gia để đáp ứng tâm nguyện tu tập giải thoát, hoằng pháp lợi sanh mà cũng giúp đỡ cho người bất hạnh nương náu cửa Phật kẻo không thì họ rơi vào cùng quẫn.
 Ảnh minh họa.
Thực chất, khi tiếp độ những người bất hạnh hay có hoàn cảnh riêng và cho họ nương náu cửa chùa thì vị trụ trì ý thức rất rõ rằng cứu giúp họ là chính, còn tương lai “tu tập giải thoát, phụng đạo giúp đời” thì tùy duyên chứ không kỳ vọng gì nhiều. Thế nên, chị của bạn tuy là người không mấy thành công trong cuộc sống, hôn nhân đổ vỡ, con cái nheo nhóc (có thể như bạn nói là trốn nợ đời hơn là tìm đường giải thoát) mà vẫn được nhà chùa tiếp độ xuất gia thì có thể xem như chị ấy còn phước duyên được núp bóng cửa từ bi.
Vì thế, bạn khoan vội truy cứu việc nhà chùa cho chị của bạn xuất gia là đúng hay sai mà bạn hãy suy tư theo hướng là nếu không được nhà chùa cưu mang thì bây giờ chị mình sẽ đi về đâu? Bạn có còn người thân để trách móc hay không? Có lẽ mình nên mang ơn nhà chùa mới phải? Hẳn bạn cũng đã biết, khi người ta quá đau khổ hay cùng đường thì sẽ “biến” mà “biến” thì chưa chắc đã “thông”, rất nhiều người “biến” vào những kết cục bi thảm.
Chúng tôi cũng xin “bật mí” với bạn rằng, các trường hợp xuất gia như chị của bạn, nếu ai an phận ở chùa tu luôn cho đến hết đời thì càng tốt, còn những ai sau một thời gian nguôi ngoai niềm đau nỗi khổ, xin phép thầy quay về thì nhà chùa cũng vô cùng hoan hỷ vì đã hoàn thành sứ mạng “cứu khổ ban vui”.
Còn hai đứa cháu nhỏ của bạn cũng vậy, nếu được nhà chùa cưu mang thì chắc chắn các cháu được ăn học đàng hoàng, được trau dồi nhân cách đạo đức tốt. Đến năm 18 tuổi, khi các cháu trưởng thành, lúc ấy tự các cháu mới quyết định dấn thân tu tập hay chỉ làm Phật tử tại gia mà thôi. Dù chọn con đường nào, xuất gia làm tu sĩ hay ở nhà làm cư sĩ thì các cháu cũng có duyên lành với Tam bảo, sẽ là người tốt, hữu ích cho đạo và đời ở tương lai.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
Theo Giác Ngộ

Bình luận(2)

Minh Hiền

hồng hoa

tôi nghĩ bạn nên hết lòng chăm sóc cháu bé để chị bạn yên tâm ở trong chùa hơn là xem xét đúng sai

Minh Hiền

mai nguyễn

tìm đến cửa chùa trốn tránh nợ đời liệu có tu được không?