Tâm tình của 3 nữ “phóng viên” làm truyền thông Phật giáo

Google News

Họ là phật tử trẻ, đã đến với báo đạo bằng tình yêu đạo, yêu nghề, bằng tâm chân thành, lắng nghe của người con Phật...

Tạm gọi họ là những nữ "phóng viên" làm truyền thông Phật giáo, với tất cả những nhân vật này, điểm chung ở họ là "yêu nghề", được sinh ra và được thừa hưởng bởi truyền thống gia đình yêu mến đạo Phật, bản thân rất yêu thích chụp ảnh và mong muốn truyền tải thông tin phật sự đến với quần chúng, với lòng nhiệt huyết đam mê phụng sự đạo pháp. Dù gặp khó khăn và vất vả đến mấy họ cũng sẽ cố gắng dấn thân hoàn thành phật sự….

"Phóng viên" phật tử Diệu Thái: Do nhân duyên từ bao đời, bao kiếp mới có được...

  "Phóng viên" phật tử Diệu Thái: "Nữ phật tử làm truyền thông thường gặp khá nhiều khó khăn..."

Sau những năm tháng làm truyền thông Phật giáo, Diệu Thái tâm sự: Đến với nghiệp này không đơn giản chỉ vì "yêu nghề" mà có lẽ còn do nhân duyên từ bao đời, bao kiếp mới có được...

Vẫn biết là nữ phật tử làm truyền thông thì có khá nhiều thách thức, đòi hỏi phải có lòng tín ngưỡng Tam Bảo, tôn kính Phật, Pháp, Tăng, đồng thời phải có lòng từ bi, trí tuệ,  phải rất yêu nghề và tâm huyết với công việc thì phật sự mới được viên thành.

Mình tin tưởng rằng những nữ phóng viên làm truyền thông Phật giáo với niềm tin tuyệt  đối với Tam Bảo, sẽ luôn có chư Phật, chư Bồ tát hộ trì che chở để thân tâm an lạc thành tựu sự nghiệp, sẽ luôn có “Quý nhân phù  trợ” tạo ra nhiều con đường may mắn, an lạc trong mọi hoạt động phật sự.

"Phóng viên" phật tử Diệu Tường: Làm báo đã khó, làm truyền thông Phật giáo còn khó hơn

Làm báo đã khó, làm truyền thông Phật giáo còn khó hơn. Khó bởi một tin tức không chỉ đơn giản là những hình ảnh, những thông tin theo 3 tiêu chí “Thời gian – Địa điểm – Nội dung như thế nào...”. Mà bởi người làm truyền thông Phật giáo còn phải hiểu được về Phật giáo, phải sử dụng được những ngôn từ Phật giáo.

  "Phóng viên" phật tử Diệu Tường: "Báo chí là một phương tiện truyền thông hiệu quả trong mọi thời đại".

Mình nhớ lại những ngày đầu tiên bước chân vào làm phóng viên “báo chùa”. Công việc đầu tiên mình cần phải học đó chính là tập viết những bản tin ngắn, sau một thời gian thì tập chụp ảnh sao cho đẹp, cho rõ nội dung, rồi cuối cùng là tập viết luận.

Thấm thoắt cũng đã 4 năm trôi qua. Nhìn lại quãng thời gian ngày trước, có những kỷ niệm mà mình mãi mãi không bao giờ quên được. Mình vẫn nhớ lần đầu tiên viết một bản tin cho khóa tu tại chùa Bằng (Hà Nội). Chỉ là một bản tin với hơi hướng nghiêng về cảm xúc nhiều hơn, vậy mà mình phải viết đi viết lại nhiều lần mới tàm tạm để đăng được.

Mình có thói quen sau mỗi lần làm tin tức, mình thường lại lưu bài viết đó vào máy tính cá nhân, để thỉnh thoảng lấy ra đọc lại. Đó là cách để mình rút kinh nghiệm qua mỗi ngày và trưởng thành lên.

Trong tâm, mình nghĩ rằng nghề báo là một nghề luôn luôn phải đổi mới, nỗ lực trong từng ngày, từng bài viết. Và người làm truyền thông Phật giáo phải luôn trau dồi những kiến thức về đạo Phật và bản thân mình, đồng thời phải biết ứng dụng những lời Phật dạy vào cuộc sống.

Bởi sự trải nghiệm chính là một trong những yếu tố làm nên một ngòi bút mang phong cách riêng của người làm truyền thông Phật giáo. Hy vọng rằng những người làm truyền thông Phật giáo luôn giữ được Bồ Đề Tâm kiên cố, để thực hiện tốt những công việc phật sự.

"Phóng viên" phật tử Tâm Đức Hậu: Làm truyền thông có chao đảo thì mới trưởng thành

Mình vẫn nhớ những ngày chập chững bước chân vào nghề, biết bao bỡ ngỡ. Từ việc làm quen với mối quan hệ công sở đến việc thực hiện các đề tài liên quan đến mảng Phật giáo. Chưa một ngày được đào tạo nghiệp vụ báo chí, bởi mình xuất phát từ dân kế toán kiểm toán nên lúc đầu mình không hiểu thế nào là một tin ngắn? Bao nhiêu chữ đủ một tin; bài? Sapo là cái gì? Bao nhiêu chữ thì đủ một Sapo...? Nói chung, mình giống như một tờ giấy trắng tinh. Vào nghề chỉ có một chút kiến thức mỏng manh về Phật học mà mình được biết thông qua việc đến chùa và tu tập cùng tăng thân.

  "Phóng viên" phật tử Tâm Đức Hậu: "Có chao đảo thì mới trưởng thành".

Những ngày đầu làm báo thấy mình vất vả nhiều. Không ít lần đã khóc, đã muốn bỏ việc, tự tạo ra nhiều áp lực cho bản thân...Nhưng trong quá trình làm việc, mình thật may mắn khi được đồng nghiệp giúp đỡ tận tình, đặc biệt là sự yểm trợ của nhiều quý Thầy. Do đó, công việc làm báo gặp nhiều thuận lợi hơn. Vì vậy mà trong hai năm làm truyền thông Phật giáo, mình luôn tâm niệm: “Làm báo cũng là đang làm phật sự” - một dạng phật sự đầy nhạy cảm và “tai nạn” nghề nghiệp có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu như ta thiếu chánh niệm và chưa tỉnh thức.

Làm truyền thông Phật giáo sẽ không tránh khỏi sự "đụng chạm" nào đó nên mọi cái luôn đòi hỏi một “chuẩn mực” nhất định. Nhiều lúc “chao đảo”, nhiều lúc “va chạm” với cái này, cái khác; khi đứng giữa người này, người kia; bên đời hay bên đạo;...

Song những cái được gọi là “chao đảo” hay “va chạm” ấy sẽ giúp mình lớn khôn và trưởng thành hơn nhiều. Nhìn vào những sự viêc đã qua để quán chiếu và nhìn nhận cho kỹ, rồi đưa ra những quyết định đúng đắn trong công việc. Và tìm ra cho mình được một phương hướng làm việc nhất định, lối đi của riêng mình.

Còn chuyện “tai nạn” nghề nghiệp không phải là không xảy ra nhưng mọi cái đều do nhân duyên tạo thành. Vì thế, mình luôn tự nhủ rằng: “Hãy an trú trong hiện tại và nỗ lực hết mình với công việc mình đang làm, có như vậy sự an lạc và niềm vui mới thấm đượm vào trong mỗi bài viết”.

Ngoài ra, trong đạo, vấn đề "được - thua" ít nhiều cũng có, tuy nhiên những cái này đâu có: “cân, đo, đong, đếm” đúng không? Quan trọng là cần nhìn lại mình xem đã làm được gì cho bản thân, cho cộng đồng mà thôi. Nhưng hơn hết những cái việc đó mình phải làm trong sự an lạc và niềm vui, chứ không phải là phiền não.

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo Phật giáo Việt Nam

Bình luận(0)