HỎI: Cần phải làm các nghi thức gì trước và sau khi niệm Phật? Trong trường hợp niệm nhiều lần trong ngày, bị gián đoạn liên tục do tận dụng thời gian vừa làm việc vừa niệm, vậy việc thực hành các nghi thức niệm Phật (nếu có) sẽ ra sao?
(HUỆ TRÍ, anduyinfo)
ĐÁP:
Bạn Huệ Trí thân mến!
Một hành giả có nhân duyên tu tập pháp môn Niệm Phật, phương thức tu niệm căn bản là chuyên trì niệm câu Phật hiệu (Nam-mô A Di Đà Phật) trong đời sống hàng ngày. Thường thì người ta tạm chia phương cách trì niệm thành hai: Một là, niệm Phật theo thời khóa, một hoặc hai thời (hay nhiều hơn) theo thời gian biểu cố định trong ngày. Đơn cử như hành giả tự thiết lập cho mình khoảng thời gian trước khi đi ngủ (khoảng 21 giờ 30) và sau khi thức dậy (khoảng 4 giờ 30) làm hai thời khóa cố định, với thời lượng trên dưới 45 phút, niệm Phật đều đặn mỗi ngày. Hai là, niệm Phật ngoài thời khóa, tức là niệm Phật mọi lúc, mọi nơi, nếu có thể hành trì được.
|
Khi niệm Phật theo thời khóa, tốt nhất là trì niệm trước bàn thờ Phật, theo nghi thức thông thường. Ảnh minh họa.
|
Khi niệm Phật theo thời khóa, tốt nhất là trì niệm trước bàn thờ Phật, theo nghi thức thông thường như: Trước nên đốt hương đèn, đảnh lễ Tam bảo, kế mới tịnh tọa niệm Phật, sau thời niệm Phật thì hồi hướng công đức, nguyện sanh Tây phương. Có thể niệm Phật theo thời khóa ở những nơi yên tĩnh khác trong nhà (sân thượng, ban-công, phòng riêng…), sau khi niệm Phật xong vẫn hồi hướng và phát nguyện vãng sanh.
Còn khi niệm Phật ngoài thời khóa thì hoàn toàn tùy duyên, không theo nghi thức, lúc nào nhớ thì niệm; bền bỉ và siêng năng, niệm càng nhiều Phật hiệu càng tốt.
Hai phương cách niệm Phật này luôn trợ duyên bổ túc cho nhau, giúp hành giả chuyển hóa vọng tâm để hướng đến nhất tâm bất loạn.
Chúc bạn tinh tấn!