Đến một lúc nào đó, khi hội đủ nhân duyên - có khi là thuận duyên như gặp thầy hiền và bạn tốt, nhưng cũng có khi là nghịch duyên như khổ đau chồng chất, ta được gặp Phật - gặp lời dạy của Ngài thông qua hình ảnh một ngôi chùa, một nhà sư, một người khoác áo lam hiền lành..., làm cho ta ngộ ra, thấy một con đường khác, sáng hơn. Từ đó, ta thầm cám ơn, ta niệm niệm: Phật pháp cứu đời tôi!
Gặp Phật & thấy Phật
Người học Phật ai cũng nằm lòng câu “thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Nhắc hoài câu này để nhớ rằng, phải trân quý con đường tu học - sửa chữa ba nghiệp (ý, ngữ, thân) mỗi ngày, đừng xao lãng. Vì như nội hàm của câu ấy: được thân người không dễ, mà lại còn nghe được Phật pháp (theo nghĩa hiểu, tin và đang hành) thì phải tinh tấn, đừng tu theo kiểu phong trào, được chăng hay chớ.
|
Bước chân tỉnh thức - bước chân đi vào đời vững chãi, thảnh thơi... |
Thực tế, trong cuộc sống có những người không biết quý thân mình nên đã nghĩ, nói và làm những việc tạo ra sự cay đắng cho tự thân và người khác. Theo đó, đã gây khổ cho bản thân, làm hại người khác, loài khác một cách bất chấp. Sở dĩ họ có hành động ấy vì họ không tin nhân quả, nghĩa là họ không nghe lọt tai lời phải, lời Phật dạy, không thấy mọi thứ đều có nhân-duyên - từ đó đưa tới những biểu hiện trong hiện tại và tương lai (quả).
Không nghe được Phật pháp thì sẽ không quý thân người theo nghĩa sống buông thả, buông lung tâm ý, lời nói, hành động. Sống ngoài luật nhân quả thì sẽ sống theo kiểu... luật rừng, trong đầu lúc nào cũng bị dắt dẫn bởi suy nghĩ “mạnh được yếu thua” và càn quấy với mọi thứ xung quanh, mưu mẹo và lươn lẹo để “được” - thỏa mãn những mong muốn ngoài quy luật nhân-duyên-quả bằng sự tham lam, sân hận và si mê một cách vô độ. Cái thấy như vậy thực ra là “mất” chứ không phải “được”, bởi đã vay thì phải trả, đã gieo gió tránh làm sao được việc gặt bão.
Thực ra, gặp Phật là gặp một lời khuyên đúng đắn, gặp ai đó hé mở cho mình một cái nhìn để “hồi đầu hướng thiện”. Khi đó, người xuôi theo lối sống buông lung, phóng túng... bỗng giật mình vì thấy: là người ai cũng có nỗi khổ niềm đau. Và thấy, nỗi khổ ấy do mình tác tạo từ những điệp trùng nhân-duyên trong quá khứ và hiện tại, ngay phút giây đang sống này. Cái giật mình ấy như một sự bừng tỉnh bởi tiếng chuông đại hồng - là lời nhắc đầy năng lượng bi và trí của một người nào đó đã có duyên lành với mình trên bước đường sinh tử này. Lâu nay mình quên mất sự thật về khổ và nguồn cơn của khổ vốn do mình tạo ác nghiệp - do vậy mình đã sống một cách mê muội, càng tham lam, càng sân si thì càng khổ nhiều hơn.
Gặp Phật và thấy con đường sáng, có nghĩa là đã thấy bên trong có Phật tánh, có sự vững chãi và thảnh thơi, chỉ cần mình dừng lại và nhìn sâu vào chính mình. Cái mình của trước khi gặp Phật và thấy Phật chính là cái tôi cần được vỗ về, cưng chìu tới mức hư đốn. Cái mình của sau khi gặp Phật và thấy Phật chính là hạ bản thân xuống, luôn biết sám hối vì “con nay đã tạo bao ác nghiệp”, để từ đó nâng dần sự chịu đựng và tình thương lên, khiến tâm an định, trí sáng suốt hơn.
Vượt thoát khổ đau trong hiện tại
Là con Phật, chắc ai cũng biết “Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”? Khi đã thấy Phật, gặp Phật thì mình sống theo con đường Bồ-tát, tu học Phật và dấn thân vào đời để trải nghiệm lời Phật dạy bằng thực tế cuộc sống. Khi đó, trong mỗi suy nghĩ, lời nói, hành động - ta đều nhớ rằng sẽ gieo vào đất tâm mình hạt giống (xấu hoặc tốt). Nếu thực sống trong ý thức bảo hộ tự thân cũng chính là bảo hộ muôn loài như một vị Bồ-tát thì ta sẽ biết sợ gieo-trồng nhân xấu, bởi ta thấy trong sự gieo-trồng ấy có ngày gặt hái những quả đắng cay tất yếu.
Khi mê thì ta muốn tranh giành, bất chấp, ta tham lam vô độ và... ta sợ gặp rủi ro, sợ những điều bất như ý. Đó là tâm lý của chúng sinh, sợ quả xấu nhưng quên mất quả xấu tốt là do nhân-duyên đã và đang tác tạo, thành ra cứ sợ hãi miết, khổ đau hoài.
Khi ngộ, ta thấy nỗi đau nếu có thì là do ta đã gây tạo nhân xấu trước đó, do ta sửa ý-ngữ-thân chưa có giỏi nên vẫn còn thọ cảm sự bất như ý bằng một tâm thế yếu đuối, chứa đựng nỗi sợ hãi, vì thế mình còn khổ. Biết điều này thì ta sẽ lùi lại, dừng lại và đừng thèm loay hoay nữa, mà sẽ bắt đầu ngồi yên, lễ Phật - sám hối, tác ý thiện, định tĩnh thân tâm cho tới khi bên trong không còn những lao xao sợ hãi nữa.
Có một sự thật mà những ai có thực tập Phật pháp đều thấy được đó là, ngay khi ta chấp nhận được tất cả các biểu hiện ở hiện tại bằng sự quán chiếu nhân-duyên-quả thì ta sẽ đoạn được ác và nỗi sợ hãi. Nhìn cho rõ cái đang là bằng tình thương và sự hiểu biết thì con ma chạy trốn nỗi khổ niềm đau trong ta sẽ tự biến mất và mình trở nên vững chãi (mạnh mẽ, không sợ hãi).
Sự vững chãi sẽ đưa tới thảnh thơi trong tâm hồn, nghĩa là sẽ bình an. Thấy việc gì đến-đi đều có lý của nó, lúc đó mình liền thong dong, như đang đi dạo trong cõi Ta-bà, đi trong nỗi khổ cũng giống như đi trong hạnh phúc, không bị tác động nhiều. Để có được sự vững chãi thì trước đó ta cần thực tập thảnh thơi (dừng lại, ngồi yên, ngắm nhìn những biểu hiện cùng những tâm hành tương ưng trong ta). Khi có sự vững chãi thì ta càng thảnh thơi, làm gì hay có điều gì tới cũng không làm ta nôn nóng, không làm ta phải rượt đuổi theo nó hay bị nó rượt đuổi. Đó chính là sự nương nhau biểu hiện theo lý duyên sinh: cái này có (sự thảnh thơi) thì cái kia có (sự vững chãi) và ngược lại.
Do vậy, để vượt thoát khổ đau thì bắt buộc mỗi người phải thực tập bỏ bớt, buông dần để có thời gian chăm sóc thân tâm bằng cách dừng lại và nhìn sâu vào lòng những biểu hiện ngay trong hiện tại. Nói cách khác, đó là sự thực tập chánh niệm để nhận diện sự thật, thấy nguồn cơn và vượt qua nó bằng năng lượng thương yêu, hiểu biết.
Thông thường, chúng ta lười làm mà thích hưởng thụ. Đó là tánh tham, là không sống trong luật nhân quả. Tánh này vẫn còn trong khi học và tu Phật, do vậy nhiều người... thích cầu nguyện và mong được ban phước thay vì dấn thân làm phước, hành thiền để có được kết quả tốt đẹp. Người thực sự thấy Phật, thương mình thì không nên làm vậy, ngược lại sẽ gia tâm thực hành sửa ý-ngữ-thân một cách tinh tấn mỗi ngày, phát nguyện tinh tấn không chỉ đời này mà trong vô lượng vô thỉ kiếp nữa, cho đến khi giác ngộ hoàn toàn, như Phật đã từng tuyên dương: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”.
Thiết nghĩ, là con Phật, nhớ điều đó, tin điều đó thì sẽ từng bước cởi bỏ những ràng buộc nơi thân và nơi tâm, sẽ từ từ làm cho mình trở nên tự do hơn, giải thoát hơn ngay trong từng phút giây hiện tại chứ không phải sống theo cách đợi tới khi xả báo thân này mới chứng đắc quả vị gì đó cao siêu!