HỎI: Tôi có người em trai (con của cậu ruột) chỉ mới 24 tuổi vừa bị người xấu hại chết. Mặc dù gia đình cậu đã tổ chức cầu siêu, và chính tôi cũng hàng đêm đọc chú Đại bi rồi hồi hướng cầu nguyện cho em nhưng trong lòng tôi vẫn tràn đầy xót xa, đau đớn. Hiện tôi rất suy sụp, không thiết làm việc và chăm sóc sức khỏe bản thân. Mong quý Báo hãy chỉ giúp tôi cách suy nghĩ khác đi, làm sao để có thể học hành, làm việc bình thường.
ĐÁP:
Bạn Thu Hường thân mến!
Trước những nỗi mất mát quá to lớn và bi thương của người thân, không chỉ riêng bạn mà ai cũng đau đớn vô ngần. Tuy vậy, khi niềm đau có phần nguôi ngoai thì mỗi người phải cố gắng gạt nước mắt vào trong để tự đứng lên. Cuộc sống hiện tại luôn trôi chảy cuốn ta về phía trước, người mất thì đã mất rồi, người còn vẫn phải tiếp tục cuộc hành trình.
|
Ảnh minh họa.
|
Bạn hãy bình tâm để thấy rằng, có sinh thì có diệt. Cái chết là kết quả tất yếu của đời người, không ai tránh khỏi. Chỉ khác nhau ở chỗ mỗi người có một biệt nghiệp riêng nên thọ mạng và chấm dứt đời sống cũng khác nhau. Cũng từ giã cuộc đời nhưng không ai giống ai, âu đó cũng là duyên nghiệp của mỗi người.
Bạn đã biết biến niềm đau thành sự cầu nguyện. Điều này rất có ý nghĩa và lợi ích thiết thực cho người đã khuất. Đồng thời, bạn hãy quán chiếu thật sâu để thấy nghiệp quả của hiện tại phản ánh rõ nét những nghiệp nhân trong quá khứ. Nhìn qua, bạn chỉ thấy người thân của mình bị hãm hại nhưng nếu nhìn thật sâu sắc thì đó là một chuỗi oan gia tương báo chập chùng.
Kinh qua những trải nghiệm đau thương, bạn ý thức rõ hơn về đời người thật mong manh. Sự sống vô thường và dễ vỡ là một sự thật. Thấy rõ như vậy để trân quý sự sống và sống tốt, có ích hơn cho cuộc đời. Mấy mươi năm - một cuộc đời thăng trầm, vinh nhục, khổ vui… là biểu hiện cụ thể nhất duyên nghiệp của mỗi cá nhân. Trong chuỗi luân hồi thì cuộc sống hiện tại là một cái gạch nối, kết nối quá khứ và tương lai để làm nên những thân phận.
Bạn cần thấy rõ cái gạch nối ấy rất quan trọng trong dòng sống tương tục mà vượt lên đau thương trong hiện tại. Thấy rõ bản chất vô thường của đời sống để phát nguyện xây dựng cuộc sống tốt hơn chứ không phải buông xuôi. Là chứng nhân của bi thương rồi buông xuôi, không thiết sống là thái độ tiêu cực, thiếu trí tuệ, không nên có đối với người Phật tử chân chính.
Đức Phật đã dạy người đệ tử Phật cần thấy rõ như thật về khổ đau, tìm ra nguyên nhân và tu tập để đoạn tận những khổ đau đó. Bạn đã nếm trải những chấn động sâu sắc về niềm đau nỗi khổ của kiếp nhân sinh, biết rõ nhân duyên nghiệp lực thiện ác trong quá khứ chi phối mãnh liệt lên đời sống hiện tại nên nguyện tu tập chuyển nghiệp để sống tốt đạo đẹp đời. Được như vậy mới xứng đáng là đệ tử Phật có chánh tín và chánh kiến.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN