Nhiều ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi với kiến trúc độc đáo tại tỉnh Trà Vinh ít nhiều bị biến dạng sau khi doanh nhân Trầm Bê (cổ đông lớn của nhiều ngân hàng) “phát tâm xây dựng”.
Tại huyện Trà Cú, có ít nhất ba ngôi chùa cổ là Vàm Ray, Ba Sát và Phnô-đung được nhiều bà con gọi là “chùa ông Trầm Bê” do trước cổng chùa và quanh chánh điện có ghi tên, hình ảnh, tranh vẽ, tượng của ông Trầm Bê và dòng họ của ông.
|
Cổng chùa Phnô-đung gắn biển lớn 'Gia đình ông Trầm Bê xây dựng năm 2007' |
Vây khắp chánh điện
Đầu tháng 4-2013, chánh điện chùa Phnô-đung (Giồng Lớn) tọa lạc tại xã Đại An (huyện Trà Cú) khánh thành sau một thời gian trùng tu, xây dựng. Ngày khánh thành, nhiều người đã lóa mắt khi thấy không như nét cổ kính của ngôi chùa hơn 300 năm tuổi, chùa Phnô-đung giờ đây được mạ vàng lấp lánh, phía trên cổng chùa và nhà tăng đều có ghi dòng chữ: “Gia đình ông Trầm Bê xây dựng năm 2007”.
Đi vào bên trong, nơi cửa chính của chánh điện tôn nghiêm là một bức ảnh to được lồng kính chụp năm thành viên gia đình ông Trầm Bê với những dòng chữ ghi gia đình ông “phát tâm xây dựng” chứ không phải trùng tu, sửa chữa hay nâng cấp. Tường bên phải chánh điện là những khuôn chữ chạm nổi khá to tên ba người con của ông Trầm Bê bằng tiếng Khmer và tiếng Việt. Còn trên vách tường bên trái chánh điện là hình tượng đúc đồng màu xám đen của ba người thân (cha mẹ) ông Trầm Bê đặt ngang hàng với tượng nữ thần Apsara. Mặt sau của chánh điện là một bản chạm chữ nổi bằng hai thứ tiếng ghi công đức của gia đình ông Trầm Bê “phát tâm xây dựng”.
Cách xã Đại An không xa là ngôi chùa cổ Vàm Ray với hàng trăm năm tuổi nằm trên địa phận xã Hàm Tân (huyện Trà Cú). Đây là ngôi chùa gần dinh thự của gia đình ông Trầm Bê nên được ông trùng tu, sửa chữa, nâng cấp quy mô và cũng có chạm nổi tên tuổi, hình ảnh của dòng họ ông Trầm Bê xung quanh chánh điện và bảng ghi công “phát tâm xây dựng” giống như chùa Phnô-đung. Theo sư Xô Phol sống lâu năm ở chùa Vàm Ray, sau khi trùng tu xây dựng, ngoài giữ lối kiến trúc, chùa “đổi mới” hoàn toàn. Tại chùa Ba Sát ở xã Đôn Châu (huyện Trà Cú), xung quanh chánh điện vàng rực cũng là những bảng công đức, hình ảnh, chạm tên dòng họ ông Trầm Bê. Riêng lối vào chánh điện không phải khuôn ảnh lồng kính như chùa Phnô-đung mà là tranh vẽ gia đình ông Trầm Bê.
Nhiều phật tử phàn nàn
Theo thượng tọa Pháp Tấn - sư cả chùa Phnô-đung, ông Trầm Bê có công trùng tu, xây dựng ngôi chùa khoảng 10 tỉ đồng, ngoài ra chùa vận động thêm những nhà hảo tâm xây hàng cột xung quanh, mỗi cây có ghi tên thí chủ cúng dường cùng số tiền đóng góp. Riêng hình ảnh ông Trầm Bê được treo, tạc hình tượng gia đình ông quanh chánh điện là do cúng dường nhiều. Khi được hỏi những hình ảnh quanh chánh điện của dòng họ ông Trầm Bê có bị dư luận phản ứng không, thượng tọa Pháp Tấn nói: “Nhiều phật tử cũng than phiền, nhưng thí chủ cúng dường quá lớn nên không dám nói, sợ thí chủ buồn lòng”!
Một sư sống lâu tại chùa Phnô-đung cũng cho hay để hình ảnh, tạc tượng dòng họ ông Trầm Bê xung quanh chánh điện khiến không ít phật tử phàn nàn. Thực tế thời gian qua có nhiều du khách đến viếng chùa tỏ ra không hài lòng. Một phật tử tên Thu - sống ở TP.HCM - cho biết gia đình ông Trầm Bê có công đức bỏ tiền trùng tu, sửa chữa nhiều ngôi chùa khiến nhiều người cảm kích, nhưng nên chọn cách ghi ơn cho phù hợp chứ chánh điện là nơi tôn nghiêm nhà Phật, đặt hình ảnh như vậy gây phản cảm.
Trong khi đó, lãnh đạo các xã có “chùa ông Trầm Bê” đều cho rằng sự việc không nằm trong thẩm quyền của xã. Ông Dương Văn Liêm, chủ tịch UBND xã Đôn Châu (huyện Trà Cú), nói việc chùa Ba Sát được nâng cấp, trùng tu, ghi hình, tạc tượng họ hàng của ông Trầm Bê như vậy xã không đủ thẩm quyền can thiệp. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Liêm, việc treo tượng, ghi công, ghi hình xung quanh chánh điện như vậy phải có sự thỏa thuận giữa ban quản trị nhà chùa và doanh nhân tài trợ. Ông Liêm tiết lộ: “Ngoài việc trùng tu sửa chữa chùa Ba Sát, trước đây ông Trầm Bê cũng xin trùng tu xây dựng một ngôi chùa khác trên địa bàn nhưng sư sãi chùa và phật tử không chấp nhận thay đổi cấu trúc chùa cổ nên ông Trầm Bê không trùng tu, xây dựng”.
Theo ông Trần Bình Trọng - trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh, phong tục tập quán của người Khmer luôn ghi nhận sự đóng góp của phật tử. Đối với ông Trầm Bê, do có đóng góp lớn đối với nhà chùa nên có sự chấp thuận của bà con phật tử và ban quản trị chùa mới treo hình, ghi tên, tạc tượng ông và dòng họ ở chánh điện. Ông Trọng cho rằng hiện nay không chỉ chùa Khmer mà các chùa khác cũng ghi tên họ, ghi công đức người cúng dường. Việc trùng tu chùa phải đúng quy trình, không phá vỡ cảnh quan, kiến trúc.
Không được đặt tên và hình ảnh nơi chánh điện
Thượng tọa Danh Lung - sư cả chùa Chantarăngsây (TP.HCM), ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cho biết chuyện khắc tên để ghi nhớ công ơn của những người đóng góp cho nhà chùa của Phật giáo Nam tông Khmer không phải lạ, nhưng thường chỉ là bảng chữ nhỏ ghi tên và đặt ở nơi hợp lý chứ không phải trên chánh điện tôn nghiêm. Việc treo hình ảnh, tạc tượng, chạm khắc tên xung quanh chánh điện là không hợp với lối văn hóa nhà Phật. Đạo Phật dạy phật tử sống tốt đời đẹp đạo, chưa bao giờ dạy cho phật tử tính phô trương hay khoe khoang.
Hòa thượng Thạch Sok Xane - sư cả chùa Angkorajaborey (còn gọi chùa Âng, tỉnh Trà Vinh), phó chủ tịch hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - nói rằng công đức của ông Trầm Bê được rất nhiều người ghi nhận. Phía ban quản trị và sư sãi ở các chùa chắc có sự thống nhất với nhau nên ông Trầm Bê mới được treo hình ảnh, tạc tượng, tên tuổi họ hàng của gia đình ông quanh chánh điện như vậy. Nhưng việc làm đó quả là “thấy kỳ”.
|
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU