Câu chuyện về 7 anh, em “gia đình” Đại đức Thích Pháp Bảo

Google News

Gia đình thầy ngưỡng mộ đạo phật từ lúc thiếu thời, luôn thấm nhuần đạo lý, nỗ lực trau dồi đạo đức hằng ngày và luôn gần gũi yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau.

Ký ức của một gia đình
Tôi được gặp và quen thầy Pháp Bảo vào năm 1999 trong dịp đi lễ Vu Lan tại chùa Thuyền Lâm cùng với ba mẹ. Lúc đó thầy còn là chú và tôi hay gọi là chú Tấn. Sau thời gian dài vào tu học ở Sài Gòn, trong chuyến thầy ra Huế kỵ tổ ở chùa Thuyền Lâm, tôi mới gặp lại thầy Pháp Bảo. Trong câu chuyện hỏi thăm, lần đầu tiên tôi nghe thầy tâm sự về gia đình thầy. Trong lòng tôi bỗng dâng lên một nỗi xúc động đến kỳ lạ khi nghe câu chuyện về mẹ và anh chị em của thầy. Tôi thật sự rất khâm phục và tự hào về tình cảm thương yêu, hiếu kính của gia đình thầy.
Năm 1971, ba mẹ của thầy quyết định về sống chung với nhau bằng một đám cưới nhỏ với sự chung vui của họ hàng nội ngoại hai bên tại một vùng quê ven biển An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Suốt 18 năm chung sống vui vẻ và hạnh phúc, họ đã sinh được 7 người con: 5 trai, 2 gái.
Lúc đó, nghề mưu sinh chủ yếu của ba là ra khơi đánh bắt cá, còn mẹ ở nhà buôn bán chăm lo cho các con. Cuộc sống lúc đó thật vất vả thiếu thốn nhưng trong mái nhà tranh đơn sơ, rách nát ấy lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Hồi đó, gia đình thầy nghèo lắm con cái lại đông, mặc dù ba mẹ đã làm lụng cật lực, vất vả nhưng vẫn không đủ cái ăn cái mặc, hằng ngày phải ăn cơm độn khoai, độn sắn. Mỗi khi trong nhà đứa con nào bị ốm, nhà không có nhiều gạo, mẹ chỉ bốc một nắm nhỏ để nấu một tô cháo trắng loãng hay khi cơm vừa chín, mẹ xới ra một chén nhỏ không có độn cho đứa con ốm đó ăn. Lúc đó vì đói quá lại chưa hiểu biết gì nhiều nên anh em thầy ai cũng mong mình được ốm để có cơm trắng ăn mà có biết đâu lòng mẹ đang quặn đau, giấu đi những giọt nước mắt xót xa nhìn con mình bị ốm mà không có gì để bồi bổ. Đúng là một thuở ngây ngô một dại khờ của anh chị em thầy.
Vào năm 1989, đứa em trai út chào đời trong niềm hân hoan, vui sướng của cả đại gia đình. Nhưng niềm vui sướng ấy chỉ vỏn vẹn ngắn ngủi trong vòng mười lăm ngày thì được tin dữ người cha – người trụ cột trong gia đình mất trong một chuyến đi biển. Mất đi người cha thân yêu, anh em thầy như mất đi một chỗ dựa tinh thần. Gia đình đã nghèo bây giờ lại càng nghèo hơn. Dù cuộc sống vất vả nhưng mẹ rất hãnh diện và hạnh phúc khi nhìn thấy các anh em thầy thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Mỗi tối, mấy anh em thầy cùng nhau quây quần bên nồi khoai mẹ nấu (hồi đó, khoai vừa là món ăn chính vừa là món phần quà mẹ thưởng mỗi khi anh em thầy đạt điểm cao trong học tập), vừa ăn khoai vừa thay phiên nhau kể cho mẹ nghe chuyện ở trường, ở lớp, đứa em trai út thấy mấy anh chị tíu tít cười đùa kể chuyện cho mẹ nghe, nó cũng xen vào bằng những câu nói bi bô chưa rõ chữ và những bài hát bập bẹ mà mấy anh chị em thầy vẫn tập cho nó hằng ngày. Bên ánh đèn dầu le lói, tiếng cười nói của mấy anh chị em hòa lẫn tiếng cười hạnh phúc của mẹ cứ vang mãi trong ngôi nhà tranh cũ kỹ. Đôi khi, hạnh phúc đơn giản chỉ như thế này thôi.
Từ khi cha mất, anh trai cả Hồ Thanh bị bắt do theo nhóm bạn đi vượt biên, mẹ thì bận đi buôn bán nên mọi việc trong nhà đều do một tay chị thứ hai, Hồ Gái, lo toan. Mỗi buổi đi học về chị thường phụ giúp mẹ gánh hàng ra chợ hay đến bến đò vào ban đêm. Vì là con gái lớn trong gia đình, thương mẹ, thương các em còn nhỏ dại, một tay chị chăm lo cuộc sống, học hành cho các em hằng ngày để mẹ đỡ thêm gánh nặng.
Chị đã hy sinh rất nhiều vì các em, từ cái ăn , cái mặc cho đến chuyện học hành. Cho đến bây giờ, trong lòng của anh em thầy, chị là người mẹ thứ hai của mình.
Cảm ơn cuộc đời này đã sinh ra chị
Cho anh em chúng em nương tựa hằng ngày
Cho đôi vai mẹ đỡ phải còng xuống
Cho người cha yên nghỉ chốn bình yên.
Chị đã hy sinh tất cả cho các em
Với tình thương bao la rộng lớn
Mong các em khôn lớn trưởng thành
Mặc dù phải xa quê hương yêu dấu
Xa mẹ, anh em thương nhớ từng ngày
Nhưng chị vẫn không bao giờ quên được
Tình cảm chị em quấn quýt bên nhau
Bên nồi khoai của mẹ vừa mới nấu
Dưới ánh đèn le lói suốt cả đêm
Trong lòng chị luôn luôn ao ước
Mong một ngày anh chị em được ở gần bên
Và ngày đoàn tụ cũng đã gần đến
Anh chị em ta sẽ được sống cùng nhau.
(Tặng chị Hồ Gái- người chị kính yêu)
Gia đình thầy ngưỡng mộ đạo Phật từ lúc thiếu thời, luôn thấm nhuần đạo lý, nỗ lực trau dồi đạo đức hằng ngày và luôn gần gũi yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau.
“Trai khôn lấy vợ, gái lớn gả chồng”. Theo đạo lý đó, mặc dù không muốn xa mẹ, xa các em nhưng chị gái cũng gạt nước mắt theo chồng sang Mỹ định cư vào năm 1996. Chị nghĩ rằng mình đi lấy chồng để có thể tiếp tục giúp đỡ cho các em có cuộc sống ổn định hơn. Ngày chị đi, cả nhà vừa mừng vừa buồn. Mừng vì kể từ đây chị đã có gia đình hạnh phúc, buồn vì anh chị em phải xa nhau không bao giờ gặp lại.
Một năm sau ngày chị gái đi lấy chồng, anh cả Hồ Thanh cũng lập gia đình. Cũng vào năm này, thầy bắt đầu đi xuất gia vào chùa Thuyền Lâm, đầu sư với Hòa thượng Thích Chơn Trí. Trong suốt thời gian tu tập ở chùa, chị Gái thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên thầy nhiều lắm. Đến năm 2005, khi nghe tin thầy được thọ Đại giới, mẹ cùng các anh chị em trong gia đình rất vui mừng.
Sau khi tấn đàn, thầy đã du học theo pháp môn Làng Mai tại Lâm Đồng. Và sau đó, tiếp tục tu học tại thiền viện Vạn Hạnh Sài Gòn theo sự cho phép của Ban quản lý và y chỉ của sư thầy. Trên bước đường tu học của thầy luôn có hình bóng mẹ, chị gái, và các anh em song hành giúp đỡ. Đó là động lực để thầy có được thành quả như ngày hôm nay.
Nhờ sự nâng đỡ của chị gái, người em gái kế út Hồ Thị Hòa cũng được sang Mỹ vào năm 2002, sau đó kết hôn vào năm 2005. Vào năm này, ngôi nhà tranh rách nát đầy ắp kỷ niệm của cả gia đình được xây mới lại khang trang hơn để sau này anh em thầy cùng các con cháu có nơi rộng rãi sum họp vui vầy và đây cũng là nơi tiếp đón Tăng thân của quý chùa về thăm viếng, thọ trai.
Tiếp theo, người anh trai thứ Hồ Thành lập gia đình. Sau đó vợ chồng anh chị đã vào Cần Thơ làm ăn sinh sống. Mười ba năm sau ngày rời xa quê hương, chị gái từ Mỹ đem hai cháu về quê thăm bà ngoại trong niềm hân hoan, vui sướng được đoàn tụ với gia đình. Lúc đó, khi nghe tin chị về, anh em thầy vui sướng lắm, cùng chung tay chuẩn bị mọi thứ để đón chị và các cháu về. Anh em thầy quấn quýt nhau không muốn rời xa chị.
Khi đứa em trai út Hồ Ty nhận được giấy được đi du học Canada, cả nhà vô cùng sung sướng. Em mình đã không thấy mặt cha từ khi mới sinh ra, đó là một tổn thất lớn cho em nên tất cả mọi tình thương của các anh chị em đều dành cả cho đứa em trai út này. Khi mới lọt lòng, chị gái là người đã chăm sóc em từ miếng ăn đến giấc ngủ để mẹ yên tâm đi buôn bán nuôi các con. Hồi đó, đối với anh em thầy, chị như là cả một bầu trời xanh êm dịu, như là những con sóng vỗ về che chở cho các em.
Tháng 5/2011, một lần nữa, anh em thầy lại ngậm ngùi đau xót khi mẹ từ giã cõi trần. Lần này, tất cả anh em thầy lại được đoàn tụ một lần nữa nhưng không phải trong niềm hân hoan vui mừng mà trong niềm tiếc thương đau xót đám tang của mẹ. Anh chị em thầy không còn ôm nhau khóc lóc nức nở như lúc cha mất mà bây giờ chỉ biết nuốt nước mắt thương mẹ vào trong lòng.Với tình thương bao la, niềm hiếu kính đối với mẹ, các anh chị em đã chung tay tổ chức đám tang cho mẹ thật linh đình với sự tham dự của chư tăng, phật tử, thân quyến xa gần đến chia buồn tiễn đưa.
Mẹ mất đi, kể từ đây, anh em thầy trở thành những đứa con mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bởi vì thế, anh chị em lại càng yêu quý nhau hơn, luôn đùm bọc, nâng đỡ nhau trong cuộc sống.
Sống mãi với thời gian
Đầu năm 2014, gặp được duyên lành, thầy Thích Pháp Bảo đã có chuyến hoằng pháp sang Mỹ gặp gỡ các chị em của mình. Chị em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Bây giờ, trong 7 người con của ba mẹ thì 5 người con đã định cư trong cùng thành phố Grand Blanc, Michigan, Mỹ, 2 người còn lại là anh cả Hồ Thanh đang sống ở làng An Bằng, Huế và người anh thứ Hồ Thành ở Sài Gòn. Nhưng không bao lâu nữa, anh trai cả cũng sẽ cùng gia đình sang đoàn tụ với các anh em. Tại thành phố Grand Blanc này, anh chị em thầy đã đoàn tụ, sum vầy cùng nhau trong ngày giỗ thân mẫu. Mặc dù tại đất khách quê người nhưng ngày giỗ cũng được anh chị em tổ chức rất linh đình cùng bà con nội ngoại tại đây. Cũng trong chuyến đi lần này, thầy đã được mở rộng tầm mắt chứng kiến nền khoa học tiến bộ của một đất nước phát triển và được học hỏi thêm đạo pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Luôn nhớ lời mẹ dạy, anh chị em thầy một lòng luôn hướng về Phật, mặc dù công việc ai cũng bận rộn nhưng lúc nào cũng sắp xếp thời gian đi chùa tụng kinh niệm Phật, luôn làm việc thiện giúp đỡ người nghèo.
Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân
Anh em hòa thuận hai thân vui vầy
Trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, đức Phật đã đưa ra những bổn phận mà người làm cha làm mẹ cần phải thực hiện đối với con cái của mình: "Ngăn chặn con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con". Đối với bổn phận của người làm con, đức Phật dạy: "Phải nuôi dưỡng cha mẹ; thực hiện bổn phận đối với cha mẹ; gìn giữ gia đình và truyền thống gia phong; bảo vệ tài sản thừa tự; tổ chức tang lễ khi cha mẹ qua đời".
Những lời dạy đó của đức Phật luôn được gia đình thầy Thích Pháp Bảo làm kim chỉ nam cho cuộc sống trong gia đình và là lời dạy vàng ngọc cho con cháu mình sau này.
Thật sự tôi rất ngưỡng mộ gia đình thầy – một gia đình với đầy đủ tình thương yêu, hiếu kính- là tấm gương sáng cho các gia đình khác noi theo.
Theo PGVN

Bình luận(0)