Vậy nếu điều đó xảy ra, bầu Đức cần bỏ ra bao nhiêu tiền để nuôi ĐT Việt Nam đến khi đạt mục tiêu?
Ở đây chúng ta phải hiểu với nhau rằng, chức vô địch mà bầu Đức ám chỉ là Đông Nam Á với AFF Cup là mục tiêu cụ thể. Còn vô địch châu lục hay World Cup, nó sẽ ngốn hàng ngàn tỷ đồng và cả đời người.
|
Bầu Đức tuyên bố "bao hết" ĐT Việt Nam nếu HLV Miura bị sa thải. |
Nhưng để “vỗ béo” đội tuyển cho nó đủ khả năng vô địch khu vực cũng có thể là một công trình đòi hỏi công sức, thời gian và ngốn cả trăm tỷ đồng của bầu Đức, dù cho một đội tuyển thì rất khác một CLB và vốn có nhiều nguồn lực chia sẻ hơn rất nhiều so với việc lâu nay người ta chỉ xoay được hai nguồn cơ bản để nuôi một đội bóng ở địa phương là ngân sách của tỉnh và một “con bò sữa” là nhà tài trợ - doanh nghiệp làm ăn ở địa bàn.
30 tỷ đồng/năm cho HLV
Nếu muốn có một HLV tầm cỡ thì lương không thể chỉ là chục ngàn USD/tháng. Tổng cục TDTT thực ra xưa nay cũng đã gánh khoảng 10 ngàn USD/tháng cho các HLV đội tuyển rồi. Nhưng một HLV đẳng cấp châu lục và hạng trung của thế giới thì lương không thể dưới 1 triệu USD/năm. Một người như Bora Milutinovic cách đây hơn chục năm đã đòi lương 1 triệu USD ở các Liên đoàn ít danh tiếng mà ông làm việc.
Nhưng không chỉ HLV là xong một ê-kíp huấn luyện. Sẽ cần phải có chuyên gia thể lực, một chuyên gia vật lý trị liệu, và thậm chí là cả bác sĩ. Hoặc nếu chỉ có một trong số đó như ông Tavares trước kia hay Miura hiện nay thì nó cũng sẽ ngốn thêm vài tỷ đồng cho một người có bằng cấp và trình độ thực sự.
Và cả chi phí lưu trú nữa, khi một HLV đẳng cấp thì phải ở một căn hộ đẳng cấp, một lái xe riêng, khi ngay như ông Alfred Riedl trước kia cũng ở khu căn hộ nằm bên Hồ Tây sóng sánh nước, hay Calisto nằm ở khu Pacific giữa Thủ đô mà không quá ồn ào. 30 tỷ đồng một năm cho hạng mục HLV xem ra vẫn là tiết kiệm.
50 tỷ đồng cho những chuyến tập huấn
Đội tuyển quốc gia muốn có kinh nghiệm, có được sự cọ xát cần thiết sẽ phải đi tập huấn nước ngoài. Đội tuyển của ông Miura từng đi Nhật, vì ở đó được “khuyến mại” và có những đối thủ quen biết của HLV trưởng. Nhưng là lý tưởng nhất chúng ta phải tập huấn ở châu Âu hay Nam Mỹ (Argentina, Brazil) như ông Riedl và Calisto từng làm.
Nhưng hoàn hảo hơn, đội tuyển ấy phải được tham dự những giải đấu có tính cạnh tranh ở nước ngoài. Và các giải đấu tổ chức ở trong nước kiểu như VFF Cup cũng cần phải có những khách mời xịn và một thể thức nào đó để tính thắng thua được đẩy lên cao. Năm 2008, chúng ta từng chi 500.000 USD cho tuyển Olympic Brazil (cái giá để tạt họ qua làm quen khí hậu trước khi sang Bắc Kinh).
Quả thực là 50 tỷ đồng xem ra cũng sẽ làm cho những người tổ chức hậu cần, thực hiện những công việc trên sẽ phải co kéo, trổ tài xoay sở.
Thưởng 10 tỷ đồng cho chức vô địch có đủ
Ngày trước, treo thưởng là sành điệu. Ngày nay, nói không treo thưởng tức là làm bóng đá cao tay. Nhưng ở hậu trường, chả CLB nào không dám thưởng cả. Với đội tuyển cũng thế. Không hứa trao thưởng nhưng “cứ đá tốt đi sẽ được đền bù xứng đáng”, cũng là sự mào đầu cho các món tiền thưởng về sau.
Vì thưởng cao cũng là một cách để phòng ngừa tiêu cực, dù cho đội tuyển lần nào cũng có chuyên gia của C45 bên Công an đi theo.
Phải ăn ở khách sạn xịn
Đã qua lâu rồi cái thời đội tuyển tập trung thì ở trong những cái phòng ẩm mốc với máy điều hoà chạy kẽo kẹt. Mà bây giờ là ở khách sạn có sao. Ăn phải theo chế độ dinh dưỡng và vấn đề không phải là no đói mà là ăn sao cho tiêu hoá nhanh mà giúp các cầu thủ hồi phục và phát triển thể lực.
Nếu trong quá trình nuôi đội tuyển như trên mà còn tham dự các giải đấu ở cấp châu lục và ở vùng Trung Đông, đội tuyển sẽ phải chấm dứt cảnh bay zic-zac và các cầu thủ vạ vật đổi chuyến rồi mất nguyên cả ngày thay vì bay thẳng cỡ chục tiếng nhưng giá vé sẽ đắt hơn khoảng gấp rưỡi.
5 hay 10 tỷ cho những hạng mục như thế này trong một năm hẳn cũng không phải là quá đắt.
Và cả trăm tỷ vô hình
Nhưng bạn có nghĩ rằng chúng ta chỉ cần “vỗ béo” một lứa cầu thủ nào đó một hai năm là sẽ vô địch? Có thể, nếu đó là một tập thể Vàng như Văn Quyến, Công Vinh, Thanh Bình, Tài Em, Minh Phương, Huy Hoàng, Hồng Sơn, Hữu Thắng từ SEA Games 2003. Lứa cầu thủ đó đã được phát hiện trước đó nhiều năm, tập trung đầu tư mạnh từ 2002, rồi giành hụt tấm HCV SEA Games, và phải tới năm 2008 khi gặp được ông Calisto mát tay và cực kỳ am hiểu bóng đá Việt Nam mới vô địch AFF Cup 2008.
Có thể bầu Đức tự tin với lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường. Nhưng so với lứa cầu thủ Vàng nói trên thì họ rõ ràng chưa thể bằng.
Và đặc biệt, xây dựng đội tuyển mà chỉ chăm chăm cho đội tuyển là “làm nhà từ nóc”. Lại phải cần chăm cho cả các tuyến trẻ khác để kế thừa và bổ sung. Và phải “động dao kéo” tới cả giải VĐQG, tới Phòng các đội tuyển, tới Phòng đào tạo trẻ và thậm chí cần một Giám đốc kỹ thuật cho cả Liên đoàn.