Cầu Cổng Vàng là cây cầu được chụp ảnh nhiều nhất trên thế giới, được công nhận trên toàn cầu là biểu tượng tuyệt vời của TP San Francisco nói riêng và nước Mỹ nói chung. Nhưng, nhiều thập kỷ trở lại đây, khi kinh tế khó khăn đẩy nhiều gia đình Mỹ vào cảnh khốn cùng, cây cầu này bất đắc dĩ trở thành biểu tượng của nỗi đau.
|
Cầu Cổng Vàng là biểu tượngcủa San Francisco, nhưng cũng bất đắc dĩ trở thành biểu tượng của nỗi đau. |
Tỉ lệ tự sát kinh hoàng
Theo CNN, cầu Cổng Vàng chứng kiến tỉ lệ tự sát cao kinh hoàng. Thống kê do Quỹ cầu đường sắt (tổ chức hành động can ngăn những người nhảy cầu tự vẫn) thực hiện kể từ khi cây cầu này được xây dựng năm 1937 cho thấy, gần 1.700 người tử vong sau khi buông mình tự sát từ cây cầu này.
Theo Thượng nghị sĩ bang California, ông Dianne Feinstein, riêng trong năm 2016 đã có 39 trường hợp tử vong do nhảy cầu tự vẫn. Ngoài ra, 184 trường hợp khác có ý định buông mình tự sát nhưng được can ngăn kịp thời.
Nhiều năm liền, giới chức, thân nhân, bạn bè những người tự vẫn từ cây cầu này không ít lần kêu gọi, tranh luận để tìm ra biện pháp ngăn cản những người tự vẫn. Nổi bật là hành động kêu gọi của Lockwood Barr - bạn thân từ thời thơ ấu của một nạn nhân nhảy cầu Cổng Vàng tự vẫn có tên Casey Brooks.
Khi tự vẫn, Casey Brooks mới 17 tuổi, đang học nửa chừng lớp 11 và đã được chấp nhận vào một trường đại học. Trong mắt người bạn thân, Brooks là người thông minh, hài hước và yêu ca nhạc. “Brooks có rất nhiều lý do để sống, nhưng đã chọn chấm dứt cuộc đời mình chóng vánh vì áp lực tâm lý. Đó là cú sốc lớn với tôi và gia đình cậu ấy”, Barr chia sẻ với tờ Washington Post.
Sau sự ra đi đột ngột của bạn thân, Lockwood Barr đã kiên trì nhiều lần tới hội đồng thị trấn nơi Brooks sinh sống tại Tiburon, ngoại ô TP San Francisco để kêu gọi tìm một giải pháp ngăn chặn tình trạng tự vẫn trên cầu tiếp diễn, một trong số đó là lắp lưới dưới cầu.
Lưới ngăn tự tử
Cùng với nguyện vọng và lời kêu gọi tha thiết của những người như Barr, cuối cùng, sau nhiều tranh cãi, tháng 4 năm nay, chính quyền San Francisco quyết định lắp lưới chống tự vẫn ở rìa ngoài cầu Cổng Vàng. Dự kiến, công đoạn lắp đặt sẽ được thực hiện vào năm 2018.
Để lắp đặt tấm lưới rộng 6m song song ở rìa cả hai bên cầu dài 2,7km, Cơ quan Giao thông và Đường cao tốc phải mất tới 3 năm mới hoàn thành. Lưới phải được chế tạo bằng sắt không gỉ, đủ mỏng để không quá lộ làm mất mỹ quan cầu, nhưng vẫn phải đủ chắc để đỡ những người tự vẫn.
Chi phí thiết kế, lên kế hoạch, lắp đặt lưới khoảng 211 triệu USD, do Ủy ban Giao thông đô thị San Francisco, Cơ quan Giao thông California, đơn vị quản lý cầu Cổng Vàng, Cơ quan Giao thông và Đường cao tốc địa phương cùng nhiều nhà tài trợ tư nhân, tổ chức sức khỏe tâm thần của bang California đóng góp.
Nghị sĩ Dianne Feinstein khẳng định: “Những gì chúng ta đang làm ngày hôm nay, những gì cơ quan quản lý cầu đang thực hiện và những gì những người đóng thuế đang đóng góp mang đến hy vọng sẽ đưa số người tự vẫn về số 0”.
Ngoài ra, Cơ quan quản lý cầu Cổng Vàng dẫn nghiên cứu của cựu Giáo sư tại Đại học California, Khoa Sức khỏe cộng đồng, ông Richard H. Seiden và một nghiên cứu của Khoa Sức khỏe cộng đồng Đại học Havard cho biết, 90% người tự vẫn được ngăn cản kịp thời không tiếp tục tự sát. Vì vậy, khi tấm lưới sinh tử này được lắp đặt, không chỉ góp phần cứu một mạng sống hôm nay mà tạo cơ hội mới cho ngày mai.
|
Trung sĩ cảnh sát thuộc Cơ quan tuần tra đường cao tốc California, Kevin Briggs được ví là “Thần hộ mệnh ở cầu Cổng Vàng”. |
“Thần hộ mệnh” của cầu Cổng Vàng
Khi lưới sinh tử còn đang trên bản kế hoạch, từ nhiều năm nay, đã có một người cảnh sát luôn cần mẫn theo dõi và trò chuyện với những người có ý định tự sát trên cầu, cứu sống không biết bao nhiêu mạng người. Vị anh hùng này là trung sĩ cảnh sát thuộc Cơ quan tuần tra đường cao tốc California, Kevin Briggs.
Tạp chí People cho biết, với sự nhiệt tình và kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu sâu sắc, Trung sĩ Briggs dốc lòng, thuyết phục được hơn 200 người muốn gieo mình xuống dòng sông trở lại với cuộc sống, chỉ mất duy nhất 1 người, kể từ năm 1994 đến nay.
Vì thành tựu này, ông Briggs từ một bệnh nhân chiến thắng căn bệnh ung thư trở thành người được mệnh danh là “
Thần hộ mệnh ở cầu Cổng Vàng”.
"Trung sĩ Briggs không chỉ cứu sống hàng trăm con người, anh ấy còn truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta về lòng trắc ẩn và sự cống hiến cho đời… Anh ấy thực sự là người Mỹ anh hùng."
Ông Robert Gebbia- Giám đốc Quỹ Ngăn chặn tự sát tại Mỹ
Vị trung sĩ 55 tuổi cho biết, ông thường đứng cách những người có ý định tự vẫn khoảng 1m, kiên trì hàng tiếng đồng hồ bên họ để lắng nghe, chia sẻ và khuyên nhủ, kể cả trong thời tiết lạnh thấu xương hay dày đặc sương mù. Ông chia sẻ:
“Những người đến cầu để tìm đến cái chết vẫn có điều gì đó thôi thúc họ sống, vấn đề là cần giúp họ nhận ra sớm và dừng hành động dại dột. Tôi cố tìm hiểu xem điều gì khiến họ tới nông nỗi đó… Nếu có thể thu hút sự chú ý của họ thì đó là tín hiệu tốt, vì sau đó họ sẽ lắng nghe và nghĩ lại. Khi ai đó nói họ không có kế hoạch cho tương lai. Tôi sẽ nói với họ - Được! Hãy tự tạo tương lai cho mình”.
Nhớ lại một trường hợp được ông cứu sống, vị trung sĩ kể: Một ngày tháng 3/2005, ông lúc này là thanh niên 23 tuổi, tình cờ đi ngang qua cầu và phát hiện một thanh niên ngang tuổi mình mon men bên thành cầu, định tự vẫn. Chàng cảnh sát trẻ vội đến gần: “Tôi biết bạn đang vô cùng đau buồn. Nếu bạn muốn nói, tôi sẽ ở đây, sẵn sàng lắng nghe”.
Nghe câu nói này, nam thanh niên đang muốn tìm đến cái chết là Kevin Berthia, lúc đó mới 22 tuổi, mở lòng chia sẻ. Anh từng là nhân viên bưu điện, đã quá mệt mỏi vì trải qua suốt một thời gian dài mắc chứng trầm cảm và muốn tìm đến cái chết. Với Berthia, khoảnh khắc trải lòng đó trở thành bước ngoặt trong cuộc đời anh.
“Anh ấy đã khiến tôi bộc bạch về những khó khăn chồng chất mà tôi phải trải qua, nỗi đau khi chưa bao giờ biết đến bố mẹ đẻ của mình. Anh ấy giúp tôi nhận ra, dù không biết cha mẹ nhưng mỗi chúng ta đều được sinh ra với một mục đích nào đó. Cuộc sống sẽ giúp chúng ta tìm ra mục đích đó là gì. Anh ấy đã mang đến cơ hội sống thứ 2 cho tôi”. Nhận ra ý nghĩa cuộc sống, Berthia khi đó đã chấp nhận uống thuốc chữa trầm cảm để bắt đầu cuộc sống mới.