Văn bản mới có tên “Biện pháp tạm thời xử phạt hành chính đối với các hoạt động đào tạo ngoài nhà trường”, do Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10/2023. Văn bản này nhấn mạnh việc xử phạt các tổ chức, cá nhân tiến hành đào tạo ngoài nhà trường trái quy định. Trong đó nêu rõ, những giáo viên đang làm việc tại các trường trung và tiểu học nếu tự ý dạy các môn học có thu phí sẽ bị xử phạt nặng.
Quan chức Cục Giám sát giáo dục đào tạo ngoài nhà trường thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết, kể từ khi nước này thực hiện cải cách “giảm kép” cách đây 2 năm, công tác quản lý đào tạo ngoài nhà trường đã đạt được những kết quả mang tính giai đoạn, nhưng hiện vẫn tồn tại một số vấn đề như các cơ sở đào tạo ngoài nhà trường mở ra trái phép, hình thức đào tạo trá hình biến tướng. Các hành vi này tiềm ẩn nhiều rủi ro về nội dung đào tạo, “vượt chuẩn, ngoài giáo trình”, dễ gây tổn hại đến quyền và lợi ích của phụ huynh, cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, đồng thời có thể đẩy cả xã hội sa vào vũng lầy cạnh tranh vô ích.
Với 6 chương, 44 điều, văn bản mới ra đời nhằm khắc phục tình trạng trên, với việc quy định cơ quan thực thi, thẩm quyền và đối tượng áp dụng xử phạt hành chính đối với các hoạt động đào tạo ngoài nhà trường, hành vi vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý, thủ tục xử phạt và thi hành, cũng như giám sát việc thực thi...
Văn bản nêu rõ, nếu một thể nhân, pháp nhân hoặc tổ chức tuyển sinh trẻ mẫu giáo từ 3 tuổi trở lên, học sinh tiểu học và trung học, đồng thời tiến hành đào tạo ngoài nhà trường bất hợp pháp, sẽ phải chịu xử phạt hành chính theo văn bản này.
Về biện pháp xử phạt, văn bản nêu rõ, nếu cấu thành việc tự ý mở cơ sở đào tạo ngoài nhà trường sẽ bị yêu cầu đình chỉ và hoàn trả số phí đã thu, người tổ chức sẽ bị phạt ít nhất gấp đôi và không quá 5 lần số thu nhập phi pháp. Đối với hành vi đào tạo ngoài nhà trường trá hình biến tướng của các tổ chức hoặc cá nhân, các hình phạt sẽ từ cảnh cáo đến phạt tiền 100.000 nhân dân tệ (khoảng 330 triệu đồng Việt Nam), tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách “giảm kép” trong ngành giáo dục từ giữa năm 2021. Ngay sau đó, nhiều cơ sở dạy thêm học thêm đã phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động. Tuy nhiên, 2 năm sau khi chính sách này được thực thi, nỗi lo bài vở của nhiều phụ huynh nước này không hề giảm bớt.
Theo tiết lộ của truyền thông nước này, để tránh bị kiểm tra, một số cơ sở đào tạo ngoài nhà trường đã chuyển sang hoạt động “ngầm”, nhiều lớp học thêm, luyện thi hoạt động theo hình thức “du kích”, như mở lớp trong các tòa nhà văn phòng với phía ngoài dán giấy đen, một số chuyển địa điểm sang quán cà phê và do đích thân người đứng đầu cơ sở canh phòng bên ngoài...
Trên thực tế, các quy định xử phạt vi phạm đào tạo ngoài nhà trường đã được Trung Quốc ban hành trước đó, trong đó có cả việc cấm giáo viên trung và tiểu học đang giảng dạy tổ chức dạy thêm thu phí. Văn bản mới này được coi là một bước cụ thể hóa và hệ thống hóa các quy định đã có của ngành giáo dục nước này trong việc quản lý hoạt động dạy thêm học thêm.