Những sự kiện diễn ra trong thời gian qua là hậu quả do phương Tây gây ra
Việc Chiến tranh Lạnh kết thúc đáng lẽ sẽ đưa nền hòa bình của châu Âu cũng như trật tự thế giới sang một trang mới. Nhưng thay vì xây dựng những thể chế an ninh mới và tiếp theo đuổi mục đích phi quân sự hóa châu Âu như NATO đã cam kết trong Tuyên bố London năm 1990 thì phương Tây, đặc biệt là Mỹ đã tự tuyên bố chiến thắng. Trạng thái hân hoan này mau chóng xâm chiếm lý trí của các lãnh đạo phương Tây. Họ làm ngơ trước những cảnh báo về hậu quả của việc nắm bá quyền trên thế giới vì nghĩ rằng Nga còn nhiều yếu kém và phương Tây không hề có đối trọng.
|
Vị lãnh đạo cuối cùng của Liên bang Xô Viết Mikhail Gorbachov. |
Những sự kiện diễn ra trong thời gian qua chính là hậu quả của việc phương Tây áp đặt ý chí của mình lên đối phương một cách thiển cận mà không hề quan tâm đến lợi ích của họ. Trong đó có thể kể đến nỗ lực mở rộng NATO, chiến tranh ở Nam Tư (đặc biệt là ở Kosovo), các kế hoạch phòng thủ tên lửa, hỗn loạn ở Iraq, Lybia và Syria, làm trầm trọng hóa thêm các rạn nứt.
Châu Âu là bên phải chịu hệ lụy nặng nề. Thay vì đi đầu trong thế giới đang toàn cầu hóa trong công cuộc đổi mới thì châu lục này giờ đây trở thành chiến trường của các biến động chính trị, các cuộc cạnh tranh sức ảnh hưởng và xung đột quân sự. Hậu quả tất yếu là châu Âu bị suy yếu trong khi các trung tâm quyền lực khác của thế giới ngày càng trở nên lớn mạnh. Nếu thực trạng này tiếp diễn, châu Âu sẽ đánh mất sức ảnh hưởng của mình trong các vấn đề mang tầm thế giới và sẽ dần bị tách biệt trên trường quốc tế..
Đối thoại là giải pháp
Đây không phải là lần đầu tiên chính trị thế giới rơi vào tình trạng rối ren. Tình hình trong Chiến tranh Lạnh hồi những năm 1980 căng thẳng không kém hiện nay, nhưng sau đó, mọi thứ đã được cải thiện rõ rệt: các mối quan hệ được bình thường hóa, không khí thù địch do Chiến tranh Lạnh gây ra cũng được chấm dứt. Điều này đạt được thông qua đối thoại, và chìa khóa dẫn đến đối thoại hiệu quả chính là ý thức chính trị và xác lập được các ưu tiên đúng đắn.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin cần đối thoại nhằm tìm biện pháp ngăn chặn Chiến tranh Lạnh tái diễn. |
Hiện nay, các bên cần tập trung nâng cao khả năng tương tác và tiếp thu quan điểm của nhau. Các dấu hiệu tích cực sẽ dần được lộ diện, các nỗ lực ban đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định như đi đến thỏa thuận Minsk về lệnh ngừng bắn và dừng can thiệp quân sự ở Ukraine, thỏa thuận 3 bên về khí đốt giữa Nga, Ukraine và EU, ngăn chặn được sự leo thang của các lệnh trừng phạt… Những kết quả này tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng để lạc quan và để đôi bên thúc đẩy các động thái tích cực.
Trong tình hình hiện nay, các động thái cáo buộc hay gây tranh cãi cần bị loại bỏ, thay vào cần tiếp tục hoạt động tích cực nhằm tìm ra các lợi ích chung và dần gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt gây tổn hại cho cả 2 bên. Thiết nghĩ, các lệnh trừng phạt cá nhân nhắm vào các nhân vật chính trị và các nghị sĩ cần được gỡ bỏ đầu tiên. Họ cần được trở lại chính trường và đẩy mạnh tiến trình tìm kiếm tiếng nói chung. Lĩnh vực hợp tác khả dĩ nhất hiện nay là cùng hỗ trợ Ukraine khắc phục hậu quả sau chiến tranh và cải tạo các khu vực bị ảnh hưởng khác.
Cần có một cơ chế phù hợp
Các thách thức toàn cầu và vấn đề an ninh châu Âu cũng cần được giải quyết theo hướng tích cực. Ngoài những rắc rối chính trị kể trên, thế giới còn rất nhiều những khó khăn khác cần đối mặt như các thế lực khủng bố cực đoan, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng, dịch bệnh, đói nghèo… , mỗi vấn đề đều đòi hỏi những biện pháp riêng và chắc chắn rằng biện pháp quân sự chưa bao giờ nằm trong số đó. Đáng lo ngại là cơ chế chính trị hiện nay có vẻ đang đi sai hướng trong khi nhu cầu xây dựng một cơ chế hoạt động mới nhằm ổn định tình hình chính trị, kinh tế và môi trường đang vô cùng bức thiết. Cơ chế mới này phải thật bao quát, toàn diện và đảm bảo thay vì mở rộng NATO hay sử dụng chính sách quốc phòng hiện có của EU. Hoạt động của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu hiện chưa đáp ứng được với tình hình thực tế hiện nay. Tổ chức này hiện vẫn mang vai trò chủ chốt nhưng cần được sửa chữa và kiện toàn.
Trong những năm trước, cựu Ngoại trưởng Đức Hans Dietrich Genscher, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Brent Scowcroft và một số nhà hoạch định chính sách đã đề xuất thiết lập một hội đồng hoặc tổng vụ bảo an cho châu Âu. Cách tiếp cận này được đánh giá là hợp lý. Cũng theo phương hướng này, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev trong nhiệm kỳ của mình đã kêu gọi thiết lập một cơ chế ngoại giao cho châu Âu nhằm tự vệ và tham vấn bắt buộc trong trường hợp an ninh của mỗi quốc gia bị đe dọa. Nếu như cơ chế này được đưa vào hoạt động thì có lẽ Ukraine đã không rơi vào tình trạng hỗn loạn như hiện nay. Các nhà lãnh đạo chính trị, các tổ chức xã hội – dân sự, giới truyền thông cũng như hệ thống chính trị trên toàn châu Âu cần phải rút kinh nghiệm thông qua sự thiếu sót này, các đề xuất và phương án hành động tích cực nên được ưu tiên thực hiện.