Thấy gì qua Thông điệp Liên bang 2018 của Tổng thống Putin?

Google News

Một loạt các nội dung trọng điểm trong Thông điệp Liên bang được Tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày trước hai Viện của Quốc hội ngày 1/3 được cho là “cương lĩnh tranh cử” của nhà lãnh đạo Nga trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.

Kinh tế - xã hội
Trong phần kinh tế-xã hội, Tổng thống Nga Putin cho rằng, nước Nga cần phải vượt qua những thách thức mới trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, đồng thời đảm bảo sự đoàn kết của đất nước.
Nước Nga cần thể hiện là một xã hội dân chủ bằng con đường tự do và tự cung cấp. Ông Putin khẳng định, dù ai có trở thành tổng thống tiếp theo, người dân Nga cần nhận ra những thách thức mà đất nước đang phải đối mặt. Ông nêu rõ: “Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi của nền văn minh trên thế giới và chúng ta cần đứng lên đối mặt với chúng”.
Ảnh: RIA Novosti. 
Tổng thống Putin đã đưa ra các mục tiêu cụ thể về kinh tế-xã hội với nội dung trọng điểm trên các mặt như: tổng sản phẩm quốc nội, vấn đề xuất nhập khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phúc lợi xã hội...
Trong đó, Tổng thống Putin đặt mục tiêu tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 1,5 lần vào cuối thập kỷ này. Đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm trong 4 năm tới, trong đó, Nga sẽ xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn là nhập khẩu từ thị trường toàn cầu trong năm 2019. Nga sẽ chi trên 11 nghìn tỷ Ruble cho việc xây dựng hệ thống đường sá. Đầu tư vào các cơ sở vận tải mới và hệ thống thông tin hiện đại. Tiếp tục phát triển khu vực Viễn Đông.
Về mặt xã hội, ông Putin nhấn mạnh cần phải tập trung nâng cao đời sống của người dân. Cắt giảm một nửa tỷ lệ nghèo đói trong vòng 6 năm tới. Đưa Nga vào danh sách những nước có tuổi thọ trung bình của người dân trên 80 tuổi như Pháp, Nhật, Đức.
Quốc phòng - an ninh
Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Putin cho biết Nga đang chế tạo các hệ thống phòng thủ mới nhằm đối phó với động thái triển khai lực lượng của Mỹ. Ông Putin tiết lộ thêm rằng tất cả các đề xuất cùng phối hợp làm việc của Nga đã bị phía Mỹ bác bỏ. Cụ thể, chính quyền Moscow từng cố thuyết phục Washington không vi phạm hiệp ước về phòng thủ tên lửa, song không thành công.
Trong đó, ông Putin nêu rõ, Nga ưu tiên tập trung củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng cho quân sự, vận tải và nghiên cứu khoa học tại Bắc Cực. Nga đang phát triển đầu đạn hạt nhân nhỏ có thể lắp vào tên lửa hành trình và với đầu đạn này, các hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ tất khó đánh chặn. Đặc biệt, Nga đang thử nghiệm các thiết bị không người lái dưới nước mới có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Cũng theo ông Putin, chiến dịch của Nga tại Syria đã thể hiện năng lực cấp độ cao của quốc phòng Nga. Ông nêu rõ: "Cả thế giới giờ đã biết tên gọi của các vũ khí hiện đại của Nga", qua đó Nga đã lấp được khoảng trống thời hậu Xô Viết trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa. Theo đó, Các lực lượng vũ trang Nga đã phê chuẩn 300 thiết bị quân sự mới trong vòng 6 năm qua.
Ông Putin tiết lộ thêm rằng Nga đang phát triển đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ có thể được gắn vào các tên lửa hành trình. Vào cuối năm 2017, Nga đã thử nghiệm thành công một tên lửa sử dụng năng lượng hạt nhân và đây là một loạt vũ khí mới.
Khoa học - công nghệ
Tổng thống Putin đã dành một phần lớn của thông điệp liên bang để nói về chính sách khoa học-công nghệ của Nga và cuộc cách mạng công nghệ thế giới.
Ông Putin nhấn mạnh Nga đã sẵn sàng cho một bước đột phá về công nghệ, cho rằng sự tụt hậu về công nghệ là một vấn đề nghiêm trọng của Nga và cần phải được giải quyết. Ông tuyên bố Nga cần trở thành một trong những nước đi đầu trong việc lưu trữ, xử lý, truyền tải và bảo vệ dữ liệu lớn.
Tổng thống Nga hối thúc dỡ bỏ tất cả các rào cản đang kìm hãm sự phát triển rô-bốt và trí thông minh nhân tạo tại Nga, đồng thời thông báo cơ sở pháp lý cho việc làm của các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ thông tin nước ngoài đã được thiết lập ở nước này. Về vấn đề tiền số, ông Putin kêu gọi đất nước thành lập các nền tảng số của riêng mình dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain).
Chính sách đối ngoại
Lập trường chính sách đối ngoại cứng rắn, sẵn sàng đáp trả hạt nhân nếu bị tấn công, quan hệ Nga-Mỹ, Nga-phương Tây là nội dung cốt lõi trong chính sách đối ngoại được Tổng thống Putin đề cập.
Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Putin cho rằng các nước khác chỉ bắt đầu "lắng nghe" Nga sau khi biết Moscow đã chế tạo được các hệ thống vũ khí mới. Ông tuyên bố bất cứ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào nhằm vào Nga hoặc các đồng minh của nước này sẽ bị Moscow coi là một cuộc tấn công hạt nhân và sẽ bị đáp trả ngay lập tức.
Ông Putin cũng cho biết các nỗ lực tiếp cận biên giới Nga của lực lượng khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã trở nên vô ích nhờ vào các vũ khí mới nhất của Nga. Tổng thống Putin nhấn mạnh tất cả các nỗ lực nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của Nga đều được thực hiện trong khuôn khổ các thỏa thuận quốc tế và Nga chưa từng vi phạm bất cứ thỏa thuận nào. Ông Putin khẳng định Nga đã chế tạo được các tên lửa mà không một hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể ngăn chặn được.
Trong quan hệ với Mỹ và phương Tây, ông Putin cho rằng, Nga và Mỹ cần phải bắt tay xây dựng tương lai và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng. Đồng thời nhấn mạnh, chính sách kiềm chế Nga của Mỹ và phương Tây sẽ không bao giờ đạt được mục đích.
Tổng thống Putin cũng tuyên bố rằng năng lực răn đe chiến lược được tăng cường mạnh mẽ của Nga đã khiến tất cả các nỗ lực của Mỹ nhằm giành ưu thế tuyệt đối về quân sự trở nên vô ích. Ông Putin nhấn mạnh, tất cả những gì mà phía Mỹ muốn ngăn cản thông qua chính sách của mình đều vẫn xảy ra. Các bạn đã thất bại trong việc kìm hãm Nga".
Ông Putin khẳng định, lịch sử hợp tác với những nước như Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy Nga sẵn sàng có những mối quan hệ mang tính xây dựng và có lợi, và nếu Mỹ cũng như châu Âu muốn tìm kiếm mối quan hệ đối tác bình đẳng với Nga thì Moscow chắc chắn sẽ hưởng ứng.
Đặc biệt, Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga không có ý định tấn công quân sự bất cứ quốc gia nào và việc Nga tăng cường tiềm lực quân sự là để đảm bảo hòa bình và an ninh toàn cầu.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, trong bối cảnh các đối thủ chính trị đang tập trung sức lực cho việc vận động tranh cử qua các phương tiện truyền thông, Thông điệp Liên bang của Tổng thống Putin được cho là "cương lĩnh tranh cử" có sức thu hút mạnh mẽ nhất và đạt hiệu quả cao nhất.
Trước đó, Tổng thống Putin đã từ chối tham gia vào các cuộc tranh luận dành cho các ứng viên tổng thống được truyền hình trực tiếp cũng như các sự kiện vận động tranh cử công khai theo truyền thống. Thông điệp Liên bang lần này của Tổng thống Putin cũng được coi là dịp để ông tuyên bố cương lĩnh tranh cử mà không cần tham gia vào bất cứ cuộc tranh luận trực tiếp nào.
Như vậy, Thông điệp Liên bang lần này được cho là có "sức hút" đặc biệt đối với người dân Xứ sở Bạch Dương cũng như dư luận quốc tế.
Với tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Putin luôn đạt mức trên 70% qua các cuộc thăm dò dư luận gần đây, dự báo ông Putin sẽ dễ dàng giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 18/3 tới.
Theo Đức Thức/Báo Tiền Phong

>> xem thêm

Bình luận(0)