Từ khi đại dịch bùng phát dữ dội ở châu Âu vào tháng 3, thủ đô Amsterdam (Hà Lan) vốn tấp nập khách du lịch bỗng trở thành một thị trấn hoang. Nhiều nhà thổ nằm bên trong những con hẻm đã không còn bóng dáng của các cô gái "bán hoa" luôn miệng chào mời khách. Những quán cà phê bán cần sa cũng rơi vào tình trạng đóng kín cửa.
Hiện tại, thủ đô với hơn 1 triệu lượt khách du lịch mỗi tháng này phải chịu cảnh đìu hiu, thất thoát về du lịch. Tuy nhiên, cũng chính vì thế, Chính quyền có cơ hội “dọn dẹp”, chỉnh đốn lại hình ảnh của một thành phố hội tụ các giá trị lịch sử đất nước, thay vì nổi tiếng với khu phố đèn đỏ thác loạn, theo Bloomberg.
|
Bên cạnh những quán cà phê bán cần sa, mại dâm hợp pháp là một trong những điều nổi tiếng nhất về Hà Lan. Năm 2010, ước tính doanh thu ngành dịch vụ mại dâm tại nước này lên đến 100 triệu USD. |
Phố đèn đỏ - biểu tượng lối sống phóng khoáng ở Hà Lan
Người Hà Lan quan niệm rằng tình dục cũng giống như các hoạt động ăn, uống, ngủ nghỉ, là nhu cầu thiết yếu của con người. Ở đất nước này, nghề mại dâm đã sớm được hợp pháp hóa. Ngoài ra, thủ đô Amsterdam cũng là nơi duy nhất trên thế giới cho đúc tượng để tôn vinh nghề “gái bán hoa”.
Bởi cách tiếp cận tự do với tình dục, ma túy, các bữa tiệc xa hoa và những ngôi nhà đầy màu sắc, thành phố trở thành một địa điểm nổi tiếng, thu hút không ít du khách đến để cảm nhận sự phóng khoáng của người dân nơi đây.
Hàng năm, Amsterdam đón khoảng 19 triệu lượt du khách, mang lại doanh thu hơn 6,8 tỷ USD lợi nhuận từ du lịch. Tuy nhiên, sự bùng nổ của ngành du lịch cũng dẫn đến sự tràn lan của tệ nạn xã hội và sự bất tiện đối với người dân nơi đây.
Ngày càng nhiều người thuê nhà để biến chúng thành các nhà chứa phục vụ mại dâm hoặc quán cà phê bán cần sa, trong khi dân địa phương buộc phải chuyển sang các khu vực khác vì chi phí thuê nhà đắt đỏ.
Bên cạnh đó, nhiều cư dân địa phương phải dán dòng chữ “Tôi sống ở đây” trước cửa để cảnh báo rằng đó không phải nhà chứa hay địa điểm du lịch mà mọi người có thể tự do ra vào.
|
Khách du lịch tìm kiếm khoái lạc, say xỉn, nôn mửa mang đến nhiều phiền toái cho người địa phương nơi đây. Ảnh: Pierre Crom. |
Ông Paul (52 tuổi), cư dân sống gần khu vực phố đèn đỏ, cho hay: “Xe đổ rác phải đi qua những tuyến phố này nhiều lần trong ngày. Không còn những cửa hàng tạp hóa bình dân để phục vụ người địa phương, thay vào đó, việc nhiều du khách say xỉn, nôn mửa trước cửa nhà người dân diễn ra thường xuyên khiến chúng tôi rất phiền lòng”.
Ông hy vọng chính quyền thành phố cần tận dụng khoảng thời gian này, tìm cách trả lại mặt bằng cho người dân bởi cơ hội sẽ không còn khi Covid-19 qua đi.
Cơ hội “dọn dẹp” lại thành phố
Vào cuối tháng 5, thị trưởng Amsterdam Femke Halsema đã lên kế hoạch đệ trình hội đồng thành phố, bao gồm việc mua lại bất động sản cũng như giới hạn cấp phép cho các nhà thổ và các quán cà phê cần sa.
Đây không phải lần đầu tiên Amsterdam cố gắng dọn dẹp lại thành phố, nhưng dịch Covid-19 lại cung cấp một cơ hội chưa từng có. Nghề mại dâm và buôn bán cần sa tại đây chịu tổn thương nặng vì lệnh cách ly tập trung, do đó việc đàm phán mua lại bất động sản hoặc tái quy hoạch các con phố đèn đỏ cũng trở nên dễ dàng hơn. Những cô gái “bán hoa” và chủ chứa cần tiền sau đại dịch khiến họ dễ chấp nhận các phương án đền bù hơn.
Cùng với đó, một số công ty cũng đã chuyển văn phòng đến các khu từng là nhà chứa ở Amsterdam. Hãng công nghệ tài chính Adyen mới đây cho biết sẵn sàng thuê lại 17.000 m2 văn phòng tại trung tâm thành phố.
Giám đốc Angelique Schouten của hãng công nghệ tài chính Ohpen, công ty có văn phòng ở trung tâm Amsterdam từ 8 năm trước, cho biết: “Có quá ít công ty đặt trụ sở hay chi nhánh ở đây trong 15 năm qua. Việc Adyen đến có thể tạo nên một sự cân bằng mới cho khu vực này”.
|
Chính quyền thành phố cho rằng Covid-19 là khoảng thời gian hợp lý để dọn dẹp khu phố đèn đỏ, trả lại cuộc sống yên bình cho người dân. Ảnh: Dean Mouhtaropoulos. |
Những năm qua, Chính quyền địa phương đã cố gắng dùng mọi biện pháp để dọn dẹp các khu đèn đỏ ra khỏi trung tâm thành phố nhưng không hiệu quả.
Họ giới hạn cấp phép cho những khách sạn chuyên phục vụ du khách tham quan khu đèn đỏ cũng như cấm các cửa hàng phục vụ kiểu du khách này trong khu vực. Thậm chí, Chính quyền còn đề nghị mua lại khu đèn đỏ và dịch chuyển các nhà thổ sang nơi khác nhưng “đâu lại vào đấy”.
Nhờ Covid-19, chiến dịch dọn dẹp khu đèn đỏ của Amsterdam dường như có cơ hội lớn hơn. Do ảnh hưởng từ đại dịch, nhiều gái mại dâm trong khu đèn đỏ đã trở về quê hoặc làm việc bất hợp pháp tại những nhà thổ không được cấp phép. Kể cả khi ngành mại dâm được mở cửa trở lại vào tháng 9/2020 theo kế hoạch, nhiều chuyên gia cho rằng doanh thu sẽ chỉ bằng 30% so với bình thường do ít du khách hơn.
“Tôi mong rằng trung tâm thành phố sẽ lại tiếp tục là một nơi sôi động, tấp nập, nhưng là nơi mà người dân địa phương được yên ổn sinh sống, làm việc và khách du lịch sẽ đến đây để tận hưởng cảnh quan, văn hóa, ẩm thực thay vì tìm kiếm những cuộc hoan lạc xác thịt”, một người dân cho biết.