Ngày 10/1, hàng trăm người Mali đã tập trung tại một quảng trường ở trung tâm thủ đô Bamako để biểu tình phản đối sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại nước này.
Cuộc biểu tình diễn ra chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh với mục đích “làm rõ vai trò của quân đội Pháp trong khu vực.”
Người biểu tình mang theo các khẩu hiệu, biểu ngữ có các nội dung phản đối sự can thiệp quân sự của Pháp, yêu cầu lực lượng Barkhane phải rời đi, đồng thời khẳng định sự có mặt của quân đội Pháp đã “cản trở sự phát triển của đất nước.”
|
Trực thăng quân sự Eurocopter Tiger của Pháp tham gia một chiến dịch tại căn cứ FAMa ở khu vực Gourma của Mali ngày 27/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Các binh sỹ Mali và lực lượng Barkhane của Pháp đã phối hợp để ngăn chặn cuộc nổi dậy của các nhóm thánh chiến - bùng phát từ năm 2012 ở quốc gia Tây Phi này và khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Bạo lực thánh chiến cũng đã lan sang các nước láng giềng Burkina Faso và Niger. Tuy nhiên, bất chấp sự hiện diện với 4.500 binh lính, lực lượng Barkhane của Pháp hoạt động tại Mali theo khuôn khổ chiến dịch cùng tên, đã thất bại trong việc dập tắt bạo lực.
Điều này đã gây ra sự hoài nghi về vai trò của Pháp tại khu vực Sahel.
Để có thể xác định rõ ràng vai trò của quân đội Pháp trong cuộc chiến chống bạo lực cực đoan ở khu vực Sahel, Tổng thống Marcon đã mời lãnh đạo các quốc gia Sahel, gồm Mauritania, Mali, Burkina Faso, Niger và Cộng hòa Chad tham dự hội nghị thượng đỉnh, dự kiến diễn ra ở thị trấn Pau, miền Nam nước Pháp vào ngày 13/1 sắp tới.
Chính phủ Pháp đang cân nhắc mọi khả năng, trong đó có cả việc rút lực lượng Barkhane khỏi khu vực Sahel.