Việt Nam và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao rất sớm. Ngày 31/1/1950, Triều Tiên trở thành nước thứ ba, sau Trung Quốc và Liên Xô, công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời kỳ đó. Đó là sự công nhận hết sức quý báu trong giai đoạn đầu của kháng chiến chống thực dân.
Sau năm 1954, quan hệ chính trị giữa hai nước trở nên mật thiết hơn với các chuyến thăm viếng cấp cao lẫn nhau, trong đó cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiện nay, đến thăm Việt Nam hai lần: thăm chính thức tháng 11-12/1958 và thăm không chính thức tháng 11/1964.
Những chuyến đi lịch sử
Trong ký ức của ông Dương Chính Thức, nguyên đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên (nhiệm kỳ 1992-1996), sự kiện ông Kim Nhật Thành đến Hà Nội năm 1958 là sự kiện rất lớn, dù khi đó ông mới chỉ là một cậu bé bắt đầu vào học cấp ba.
"Lúc đấy mình chưa có sân bay Nội Bài đâu, mà ông Kim bay đến sân bay Gia Lâm. Người dân ra đón đông lắm, đứng rải khắp hai bên đường từ Gia Lâm về trung tâm Hà Nội", ông kể với Zing.vn trong một cuộc phỏng vấn tại nhà riêng trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam.
|
Ảnh trái: Nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Triều Tiên tháng 7/1957. Ảnh phải: Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp lại ông Kim Nhật Thành tại Hà Nội năm 1958. Ảnh: ĐS Dương Chính Thức cung cấp. |
Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, khi đó là thủ tướng Triều Tiên, là chuyến thăm "đáp lễ" sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Triều Tiên vào tháng 7/1957. Trong chuyến đi kéo dài một tuần (27/11-3/12/1958), ông Kim đã đến thăm nhà máy dệt Nam Định, một trong những cơ sở sản xuất công nghiệp đi đầu ở miền Bắc thời kỳ đó.
"Đi xuống đấy thì cả Bác Hồ cùng đi. Ông Kim ở lại nhà khách của nhà máy dệt Nam Định. Đó là nhà của ông giám đốc người Pháp của nhà máy, có từ lâu rồi", cựu đại sứ cho hay. "Tôi cũng từng xuống dưới đó, hồi xưa có giữ lại nhà đó làm kỷ niệm, giờ phá đi xây nhà mới rồi".
Trong gần 7 thập kỷ từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Triều Tiên, hai bên đã có nhiều lần thăm viếng cấp cao (từ cấp bộ trưởng trở lên). Dù vậy cho đến nay, chuyến thăm năm 1958 là lần duy nhất người được xem là lãnh đạo tối cao của Triều Tiên thăm chính thức Việt Nam.
|
Cựu đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Đến năm 1964 thì ông Kim Nhật Thành lại sang thăm Việt Nam, nhưng lần này không phải thăm chính thức. Năm 1965 thì cố tổng bí thư Lê Duẩn sang thăm đáp lễ. Khi đó ông Thức đã là sinh viên đang theo học tại Bình Nhưỡng và cũng tham gia đón đoàn.
"Cả hai chuyến thăm là đi không công khai, chỉ gặp nội bộ thôi. Lúc đó là mình đang kháng chiến rồi, gặp nhau để trao đổi kinh nghiệm chiến đấu", ông Thức, người từng công tác ở sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên trong hơn 20 năm, chia sẻ.
Dù thăm không chính thức, ông Kim cũng tranh thủ ghé thăm vịnh Hạ Long cũng như khu nghỉ Quảng Bá ở ven hồ Tây tại Hà Nội.
Nền tảng cho tình hữu nghị
Năm 2010, Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội từng tổ chức triển lãm kỷ niệm 60 năm quan hệ Việt - Triều tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó trưng bày những bức ảnh, tư liệu, hiện vật quý liên quan đến các chuyến thăm. Phát biểu khai mạc, Đại sứ Ma Chol Su nói các chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành đã tạo nền tảng vững chắc mối tình hữu nghị giữa hai nước.
“Tình đoàn kết chiến đấu và quan hệ hợp tác anh em giữa hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước chúng ta đã được gắn kết trong cuộc đấu tranh chung... và không ngừng được củng cố phát triển từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác”, Đại sứ Ma khi đó nói.
|
Nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành trong chuyến thăm Việt Nam năm 1958. Ảnh: ĐS Dương Chính Thức cung cấp. |
Tháng 12/2018, Đại sứ quán Triều Tiên lại tổ chức trưng bày các tư liệu này nhân kỷ niệm 60 năm sự kiện Chủ tịch Kim Nhật Thành lần đầu thăm Việt Nam.
Ở tuổi gần bát thập, ông Thức đã không còn nhớ nhiều chuyện ông chứng kiến hay được kể lại nhưng ông vẫn cố gắng chụp lại ảnh trong những lần đi xem triển lãm như vậy. Chỉ cho phóng viên xem một số tấm hình màu hiếm có chụp lãnh đạo hai nước, cựu đại sứ nói quan hệ song phương sau mỗi chuyến thăm phát triển nhanh chóng, bao gồm việc kết nghĩa giữa các đoàn thể, tổ chức.
"Ví dụ nhà máy dệt Nam Định thì kết nghĩa với nhà máy dệt Bình Nhưỡng, rồi hợp tác xã Xuân La, hợp tác xã Đan Phượng thì kết nghĩa với các hợp tác xã bên đó", ông nói với Zing.vn.
"Họ cũng thể hiện sự ủng hộ với cuộc kháng chiến của mình, chẳng hạn như trong một nhà máy dệt ở Triều Tiên có phân xưởng được đặt tên là phân xưởng Nguyễn Văn Trỗi".
Ông nói dù quan hệ song phương có những lúc thăng trầm, ông luôn biết ơn việc Triều Tiên đã từng hết lòng giúp đỡ Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất.
"Những năm 1958, 1964 đó, về kinh tế thì phải nói Triều Tiên khá hơn mình. Họ giúp đỡ mình nhiều trong chiến tranh, mình cũng học hỏi họ về nông nghiệp", ông nói.
Ông Thức hẳn sẽ rất cảm xúc về chuyến đi sắp tới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cháu nội ông Kim Nhật Thành, tới Việt Nam.
Ông thừa nhận những cảm xúc của mình với Triều Tiên vẫn còn rất sâu đậm và ông vẫn dõi theo tình hình đất nước đó thường xuyên.
"Triều Tiên là nơi tôi được học tập, đào tạo và sau đó sống rất lâu, và nó như là một nơi để lại nhiều tình cảm, nên ấn tượng của mình về nơi đó là không thể quên được", ông nói. "Chính phủ và nhân dân Triều Tiên nuôi chúng tôi học. Người ta bỏ tiền ra nuôi mình học và đấy là cách họ giúp Việt Nam".
"Ở cái nơi xa mà người ta nuôi mình học tập, bồi dưỡng mình, thì làm sao mình quên được".
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vừa thăm chính thức Triều Tiên từ 12-14/2 theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho. Tại hội đàm với Bộ trưởng Ri Yong Ho, Phó thủ tướng cho biết VN sẵn sàng chia sẻ với Triều Tiên kinh nghiệm xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trên cơ sở các đề nghị của Triều Tiên.
Về các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên, Phó thủ tướng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ đối thoại nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và sẵn sàng đóng góp tích cực vào tiến trình này.