Ánh sáng “chốn cực lạc”
Năm 1991, nữ ca sĩ người Mỹ Pam Reynolds mắc một chứng bệnh hiểm nghèo. Cô buộc phải lựa chọn giữa một cuộc phẫu thuật rủi ro cao hoặc buông xuôi chờ chết. Cuối cùng, nữ ca sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật.
Trong suốt quá trình đó, cô ở trong trạng thái hôn mê nhân tạo, nhiệt độ cơ thể hạ xuống chỉ còn 15,5 độ C, máu được rút hết ra khỏi bộ não.
Đồng thời, các bác sĩ đã băng kín mắt và gắn tai nghe cho cô để tránh tất cả các tiếng ồn, từ đó tạo thuận lợi cho việc theo dõi các hoạt động của các tế bào não.
Đến khi tỉnh dậy, nữ ca sĩ đã kể lại những “trải nghiệm” của mình trong suốt khoảng thời gian thực hiện phẫu thuật. Cô thấy mình trôi nổi giữa không trung, đếm được khoảng 20 người đang làm việc phía dưới. Một cô y tá bên trái thốt lên rằng “động mạch cô ấy nhỏ quá” khi cắm máy chạy tim.
Vị bác sĩ phẫu thuật chuyên khoa não đang quan sát phía sau đầu cô và trong phòng mổ vang lên giai điệu quen thuộc của bài Hotel California do ban nhạc The Eagles thể hiện.
Lời kể của Pam khiến tất cả các bác sĩ bị sốc vì nó hoàn toàn trùng khớp với những gì đã diễn ra hôm đó.
|
Nhiều người kể lại khi "thoát xác", họ có thể quan sát cơ thể chính mình từ một địa điểm khác. Ảnh minh họa: Internet. |
Mùa thu năm 2008, Tiến sĩ giải phẫu thần kinh, bác sĩ Eben Alexander bị viêm màng não - một chủng vi khuẩn E. coli hiếm gặp đã thâm nhập vào dịch não tủy, ăn mòn não ông giống như axit. Ông được đưa đi cấp cứu và bị gây mê suốt một tuần.
Những gì xảy ra với ông trong khoảng thời gian đó đã làm bùng lên một cuộc tranh luận dữ dội. Cụ thể theo Tiến sĩ Eben Alexander, khi rơi vào trạng thái hôn mê, bộ não của ông về cơ bản đã trở thành một loại rau, còn “linh hồn” của ông đã bước vào một cuộc hành trình bảy ngày tới “chốn cực lạc”.
Ban đầu, Alexander trông thấy một nguồn sáng chầm chậm hiện ra, thả xuống rất nhiều tia sáng màu bạc và vàng rực rỡ. Nhìn kỹ hơn, ông thấy đó là một thực thể hình tròn, không ngừng phát ra một bản nhạc mang âm hưởng “siêu phàm”.
Vị tiến sĩ cảm thấy mình đi xuyên qua nguồn sáng, bước tới một thung lũng ngập tràn màu xanh mướt mát, với các thác nước đổ xuống hồ trong suốt như pha lê; phía xa là các đám mây giống như các lớp kẹo dẻo màu trắng và hồng. “Thiên đường” theo mô tả của chuyên gia phẫu thuật não còn có đủ cây cối, động vật và con người.
Năm 2012, Reese, một nữ sinh viên ngành tâm lý học đến gặp Giáo sư Claude Messier và Andra Smith (đại học Ottawa, Canada) và chia sẻ rằng cô không những thường xuyên mà còn có thể chủ động “thoát xác”.
Theo Reese, từ khi học mẫu giáo cô bắt gặp những hiện tượng lạ lùng trong giấc ngủ trưa. Sau này, cảm giác bồng bềnh trở nên rõ ràng hơn, thậm chí cô còn nhìn thấy chính cơ thể của mình trên giường hoặc sàn nhà.
Nội dung cuốn sách Mindsight của hai Giáo sư Kenneth Ring và Sharon Cooper cũng đề cập đến khả năng lấy lại được thị lực của những người mù bẩm sinh khi họ rơi vào trạng thái cận kề cái chết.
Hai giáo sư đã phỏng vấn 31 người có trải nghiệm cận tử hoặc trải nghiệm trạng thái “thoát xác”. Trong số đó có 14 người bị mù bẩm sinh và họ đều khẳng định có thể nhìn thấy người thân đã mất hay thậm chí có thể nhìn thấy chính cơ thể mình từ phía trên dù mắt họ bị mù.
Những giấc mơ đặc biệt
Hiện tượng con người cảm thấy nhận thức tách rời khỏi cơ thể sống, hay cảm nhận mình trong một vị trí hoặc môi trường khác, thậm chí có thể quan sát cơ thể chính mình từ một địa điểm khác không phải chuyện hiếm gặp.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí y khoa uy tín Lancet, nhóm nhà khoa học người Hà Lan đã trình bày nghiên cứu của họ với 344 bệnh nhân từng lâm vào tình trạng hôn mê sâu và yêu cầu kể lại những gì họ trải qua trong vòng một tuần hồi sức.
Trong số những người được hỏi, 18% nhớ được một chút những gì đã xảy ra và 8-12% nhớ hoàn hảo những trải nghiệm gần cái chết kinh điển, tức khoảng 28 - 41 người không có liên hệ gì ở 10 bệnh viện khác nhau đã trải qua đều giống nhau.
Ở trường hợp của nữ sinh viên Reese, Giáo sư Messier và Smith đã đưa Reese vào máy chụp cộng hưởng từ và nhận thấy phần vỏ não chịu trách nhiệm tạo ra hình ảnh lại bị vô hiệu hóa mỗi khi nữ sinh viên này “thoát xác”.
Cụ thể hơn, toàn bộ phía não phải của cô này không hoạt động, nhưng bên trái thì hoạt động tích cực. Cuối cùng, hai giáo sư cho rằng Reese đã trải qua một loại ảo giác.
Các nhà thần kinh học và tâm lý học hiện đại cũng nhận định “thoát xác” thực ra chỉ là ảo ảnh được tạo ra bởi tiềm thức của con người, tức là hiện tượng này không khác giấc mơ thông thường về mặt bản chất.
|
Thí nghiệm "bàn tay thứ ba". Ảnh minh họa: Internet. |
Nghiên cứu về các trải nghiệm cận tử, không ít các nhà khoa học đã nhận định rằng đó chỉ là trí tưởng tượng đáng kinh ngạc của bộ não chúng ta.
Một trong những thí nghiệm thú vị, dễ thực hiện giúp con người tự cảm nhận được hiện tượng này mang tên: Bàn tay thứ ba. Hãy hình dung sơ qua thí nghiệm này như sau: Bạn cho một tay lên bàn và tay kia giấu đi. Lấy một bàn tay làm bằng cao su đặt bên cạnh cánh tay thật và đảm bảo rằng bạn chỉ nhìn thấy hai bàn tay đó trong tầm nhìn của mình.
Người ngồi đối diện bạn sau đó sẽ châm hoặc chọc vào cả hai bàn tay thật – giả cùng một lúc. Bạn có đoán được điều gì sẽ xảy ra? Khi được hỏi, hầu hết những người tham gia thí nghiệm đều chỉ vào bàn tay giả và khăng khăng cho rằng đó chính là tay của mình.
Thậm chí, họ “có cảm giác bị châm” ngay cả khi người thí nghiệm chỉ tác động vào tay giả mà bỏ qua tay thật, thí nghiệm này cho thấy não dựa rất nhiều vào các thông tin thị giác để điều chỉnh cảm giác và hành vi của chúng ta.
Bằng việc kết hợp nhiều yếu tố để đánh lừa thị giác, não bộ cũng tự điều chỉnh đối với các giác quan khác.
Đồng thời, dạng trải nghiệm này có thể được kết luận là do thiếu oxy. Theo đó, khi não bộ thiếu oxy, bạn có thể phát hiện ra nhiều trạng thái phản ứng, đặc biệt là cảm giác có ánh sáng ở vùng trung tâm của thị giác.
Hơn nữa, khi bộ não hết oxy, nó bắt đầu kích thích rất nhanh một cách lộn xộn, tức không còn hoạt động như bình thường nữa.
Một thông tin rất quan trọng là khoảng một nửa những trải nghiệm lúc cận kề cái chết xuất hiện khi những cá nhân này nghĩ rằng họ chuẩn bị lìa đời, nhưng không thật sự là cận kề cái chết y học.
Chẳng hạn như, nếu một người rơi khỏi nhà cao tầng và nghĩ rằng họ đang chết, nhưng thực ra họ chỉ chịu những chấn thương nhẹ và không nguy hiểm đến tính mạng nhờ rơi trúng bạt cứu hộ.
May thay, những trải nghiệm cận kề cái chết đều vô hại, hơn thế còn tác động tích cực với cuộc sống của mỗi người.
Một nhà khoa học người Hà Lan là Pim van Lommel, đã theo dõi kỹ những người trải nghiệm cảm giác cận tử vào năm 2011.
Ông thấy rằng những người từng trải qua cơn thập tử nhất sinh “có sự thay đổi lớn và lâu dài” trong lối sống.
Họ không còn sợ hãi cái chết, đã trở nên hạnh phúc hơn, suy nghĩ tích cực và trở nên hòa đồng hơn. Điều đáng nói là sự thay đổi đó xảy ra với tất cả, chứ không chỉ những người sùng đạo hay tin vào kiếp sau.