Trong một thông báo hôm 12/1, Huawei tuyên bố hành động của người này "không liên quan đến công ty" và cho biết quyết định sa thải được đưa ra sau khi vụ việc khiến danh tiếng công ty bị tổn hại, theo Reuters.
Trước đó vào ngày 11/1, nhà chức trách Ba Lan đã bắt giữ Wang Weijing, giám đốc kinh doanh của Huawei tại Ba Lan, chi nhánh phụ trách khu vực Trung Âu, Đông Âu và Bắc Âu.
|
Văn phòng Huawei tại thủ đô Warsaw, Ba Lan. Ảnh: Reuters. |
Theo đài TVP của Ba Lan, ông Wang từng làm việc cho lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Gdansk, phía bắc Ba Lan, trước khi làm việc cho Huawei. Ông bị bắt cùng một cựu quan chức an ninh cấp cao của Ba Lan hôm 8/1 với cáo buộc hoạt động gián điệp chống lại nước này.
Trong một thông cáo gửi đến Global Times, phụ san của báo đảng Cộng sản Trung Quốc, Huawei nói sự việc đã "gây ra những ảnh hưởng nguy hại đến danh tiếng của Huawei trên toàn cầu", đồng thời khẳng định ông Vương bị bắt vì "lý do cá nhân".
Trước đó, trả lời Reuters, phát ngôn viên của cơ quan an ninh Ba Lan cho biết các cáo buộc gián điệp liên quan tới hành vi cá nhân của ông Wang và không liên quan trực tiếp tới tập đoàn Huawei.
Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Hãng này đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ ở phương Tây do mối quan hệ thân thiết với chính phủ Trung Quốc. Mỹ cáo buộc các thiết bị của tập đoàn này có thể được Bắc Kinh sử dụng với mục đích gián điệp.
Phát biểu trên đài phát thanh RMF FM hôm 12/1, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Joachim Brudzinski cho biết nước này muốn tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, nhưng cũng cho rằng Liên minh Châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên thống nhất về việc liệu có nên loại bỏ nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc khỏi thị trường hay không.
"Có những quan ngại về Huawei trong NATO. Hợp lý nhất là có một lập trường chung trong các thành viên EU cũng như thành viên NATO", ông nói. "Chúng tôi muốn quan hệ với Trung Quốc tốt đẹp, sâu sắc và hấp dẫn cho cả hai bên".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về vụ bắt giữ và yêu cầu Ba Lan xử lý "công bằng".