Thế giới kỷ niệm Ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít

Google News

Ngày 9/5, cả thế giới tưởng nhớ những người đã tham gia làm nên chiến thắng lịch sử, đánh bại chủ nghĩa phát xít.




Cách đây tròn 68 năm, với những mất mát to lớn và lòng quả cảm vô song, quân đội và nhân dân Liên Xô, các nước đồng minh và nhiều nước trên thế giới đã làm nên chiến thắng lịch sử, đánh bại chủ nghĩa phát xít, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai.

Tại Liên bang Nga, ngày 9/5 vẫn là ngày hội thống nhất toàn dân. Liên Xô, nước đóng góp chủ yếu vào chiến thắng chủ nghĩa phátxít, đã gánh chịu những tổn thất to lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ Hai với 26,6 triệu người thiệt mạng, trong đó 8.660.400 chiến sĩ Hồng quân.

Trong ngày 9/5, vào 7 giờ chiều giờ địa phương, tất cả người dân Nga sẽ dành 1 phút để tưởng nhớ những người đã hy sinh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít. Toàn bộ các đài phát thanh và truyền hình sẽ ngừng phát để tưởng nhớ chiến công của quân và dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Phút tưởng niệm này từ năm 1965 đã trở thành nghi lễ truyền thống trong Ngày Chiến thắng.

Tâm điểm của các hoạt động kỷ niệm 68 năm ngày chiến thắng phátxít là cuộc duyệt binh tại Quảng trường Đỏ với sự tham gia của hơn 11.000 binh sỹ và sỹ quan quân đội Nga, dưới sự chứng kiến trên lễ đài của Tổng thống kiêm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên bang Nga Vladimir Putin.

Trong lễ duyệt binh, Nga phô diễn các loại vũ khí như xe tăng hiện đại T-90A, các tổ hợp tên lửa tối tân như Topol-M, Pansihr-S, Iskander-M, S-400 Triumph.... 10 máy bay chuyên dụng của Không quân Nga tham gia đảm bảo thời tiết đẹp cho ngày lễ Chiến thắng trên bầu trời Mátxcơva.

Ngày lễ  Moscow kết thúc bằng một cuộc bắn pháo hoa lớn vào 22 giờ giờ địa phương tại 14 điểm. Pháo hoa cũng được bắn tại tất cả các “thành phố anh hùng” như Saint Peterburg, Volgograd, Novorossiysk, Tula, Smolensk và Murmansk, cùng các thành phố có các bộ chỉ huy của quân đội Nga.

Ngoài hoạt động chính là cuộc duyệt binh tại Quảng trường Đỏ, còn rất nhiều các hoạt động kỷ niệm như hòa nhạc, gặp gỡ cựu chiến binh, rước ảnh những người đã tham gia chiến đấu, triển lãm kỷ vật chiến tranh... Hơn 175.000 cảnh sát và binh sỹ đảm bảo an ninh, trật tự cho các hoạt động kỷ niệm tại Liên bang Nga. Theo Bộ Nội vụ Nga, khoảng 8.500 hoạt động kỷ niệm diễn ra tại hơn 4.000 điểm dân cư thuộc hơn 60 khu vực Liên bang Nga, với sự tham gia của khoảng 10 triệu người.

Tại Ukraine ngày 9/5 diễn ra cuộc diễu hành của các đoàn quân nhạc, lễ đặt hoa tại các tượng đài chiến sỹ và Bức tường Chiến thắng ở thủ đô Kiev, cuộc diễu binh của các tàu chiến tại cảng Sevastopol.

Trước đó ngày 8/5, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich đã ký đạo luật phê chuẩn thỏa thuận "đời đời ghi nhớ lòng quả cảm và chủ nghĩa anh hùng của nhân dân các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945". Theo thỏa thuận này, nhà nước có nghĩa vụ bảo quản và tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, các đài tưởng niệm, tiếp tục công tác tìm kiếm và mai táng di cốt những người đã hy sinh, tổ chức xác minh, làm sáng tỏ các sự kiện về chiến công bất diệt của nhân dân SNG trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Tại Kyrgyzstan, Ngày Chiến thắng 9/5 cũng là ngày hội toàn dân, với nhiều hoạt động kỷ niệm như diễu binh, đặt hoa, thăm hỏi các cựu chiến binh. Trong chiến tranh, gần 300 nghìn người con của Kyrgyzstan đã tham gia chiến đấu trên các mặt trận chống phát xít, khoảng 1/3 trong số này không bao giờ trở về... Hiện ở nước này có hơn 8.500 cựu chiến binh từng tham gia Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Các hoạt động kỷ niệm 68 năm chiến thắng phát xít cũng được tổ chức tại các nước SNG như Moldova, Gruzia...

Tại Anh, Áo, Triều Tiên cũng diễn ra các hoạt động kỷ niệm chiến thắng phátxít như đặt hoa tại các tượng đài tưởng niệm các chiến sỹ Xô viết đã hy sinh trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, gặp gỡ các cựu chiến binh, các buổi hòa nhạc, triển lãm...

Duyệt binh và các hoạt động kỷ niệm khác cũng được tổ chức ngày 8/5 tại tượng đài Chiến sĩ vô danh ở thành phố Rio de Janeiro, của Brazil, với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng BrazilCelso Amorim.

Brazil là nước Mỹ Latinh duy nhất tham gia trực tiếp chiến đấu chống phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, với 25.000 chiến sỹ, trong đó 2.500 người mãi mãi nằm lại trên chiến trường.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Theo Vietnam+

Bình luận(0)