Tướng Prawit Wongsuwon, trước là Bộ trưởng Quốc phòng, được giao trọng trách làm chủ tịch hội đồng cố vấn này. Cựu Tư lệnh lục quân, tướng Anupong Paojinda chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh, còn cựu Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak xử lý vấn đề đối ngoại. Và còn một số nhân vật khác trong hội đồng an ninh.
|
Tư lệnh Lục quân, Tướng Prayuth Chan-ocha trong buổi lễ nhận sự chấp thuận của Quốc vương hôm 26/5.
|
Một diễn biến khác trong ngày thứ 3 (27/5), Tư lệnh lục quân kiêm Thủ tướng tạm quyền Prayuth Chan-ocha đã yêu cầu tất cả các bộ chỉ huy quân sự ở tất cả các địa phương thành lập văn phòng trong một nỗ lực nhằm hoà giải dân tộc.
Phó phát ngôn viên quân đội, Đại tá Winthai Suwaree cho biết: “Theo đó, Trung tâm hòa giải cũng sẽ được quân đội thành lập để tạo ra sự thống nhất và kết thúc chia rẽ giữa những người ủng hộ của các nhóm”.
Trong khi đó, Ủy ban Giữ gìn Hoà bình và Trật tự quốc gia (NCPO) vẫn sẽ là đầu tàu trong chiến dịch hoà giải dân tộc này. 4 quân khu cũng sẽ lập ra các trung tâm hòa giải để phục vụ kế hoạch.
Một phó phát ngôn viên khác của quân đội, Đại tá Sirichan Ngathong cho hay, một trong những nhiệm vụ của các trung tâm này là đem những con người có quan điểm khác nhau cùng ngồi vào bàn để hiểu nhau hơn và để ngăn chặn sự lây lan của các thông tin chia rẽ.
Động thái mới này đưa ra sau khi chính quyền quân sự cảnh báo đóng các đài phát thanh cộng đồng do những người ủng hộ Mặt trận Thống nhất vì dân chủ chống độc tài (UDD) điều hành.
Mặt khác, một nguồn tin tin cậy ở NCPO hôm 28/5 cho biết, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra hiện vẫn ở Bangkok và không bị quản thúc bởi quân đội. Kể từ khi được quân đội thả ra, bà Yingluck vẫn chưa thấy xuất hiện trước công chúng. Điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng, em gái của cựu Thủ tướng Thaksin bị quân đội giam lòng ở nhà.
Tuy nhiên, một nguồn tin cao cấp tiết lộ, bà ấy hiện không hề bị như vậy và được phép đi tới mọi nơi trong đất nước, nhưng không được rời khỏi Thái Lan.