Giáo sư Lee cho rằng, thông qua cách cho một nhà xuất bản cấp tỉnh (tức Nhà xuất bản Bản đồ tỉnh Hồ Nam) thực hiện bản đồ dọc “Đường 10 đoạn” phi pháp này, chính quyền trung ương Trung Quốc đang muốn làm một “phép thử” đối với phản ứng của các nước trong khu vực.
|
Bản đồ dọc phi pháp của Trung Quốc mới xuất bản gần đây.
|
“Điều đó cho phép chính phủ có cơ hội xem xét phản ứng của các nước. Nếu cần thiết, họ có thể sửa đổi để giảm thiểu hậu quả của những hành động mà họ làm. Với những biến động gần đây ở Biển Đông, việc chính quyền trung ương cho xuất bản một tấm bản đồ như vậy sẽ dẫn tới những xung đột”, ông Lee nói.
Hiện mục đích của Bắc Kinh có phải là nhằm giảm thiệt hại đối với những hậu quả mà họ gây ra ở Biển Đông như lời vị học giả họ Lee đề cập tới hay không vẫn còn là một dấu hỏi lớn trong cộng đồng dư luận.
Hãng tin ABC News nhận định rằng, tấm bản đồ “đường 10 đoạn” là một trong những hành động phi lý mới mà Bắc Kinh làm nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền ngang ngược của họ đối với vùng Biển Đông. Tờ báo này còn nhận xét, phát hành bản đồ dọc này đã làm “khuấy đục” các vùng biển ngoại giao trong khu vực.
Ngày 25/6, Cục Thông tin địa lý đo lường quốc gia Trung Quốc phê chuẩn và phát hành bản đồ dọc phi pháp đầu tiên, trong đó “nuốt trọn” gần như các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ở bản đồ mới do Nhà xuất bản bản đồ tỉnh Hồ Nam vẽ này, Trung Quốc thể hiện vùng biển tranh chấp với một tỷ lệ tương đương với các vùng ở đại lục, thay vì thể hiện bằng một ô vuông nhỏ nằm ở góc dưới bên phải như các bản đồ ngang trước đây. Phản ứng về việc đó, các nước trong khu vực đã lên tiếng phản đối về động thái này của Bắc Kinh. Vào ngày 27/6, Đại sứ Mỹ ở Philippines cho hay, tấm bản đồ dọc mới này không hề có cơ sở pháp lý nào cả.