Vua Đinh Tiên Hoàng (ở ngôi từ 968-979) là người có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước và là người mở nghiệp triều Đinh trong lịch sử. Ông chỉ trị vì được 11 năm thì bị giết hại. Xoay quanh hung thủ giết chết ông, đến nay vẫn còn những bí ẩn chưa được đưa ra ánh sáng.
1. Cái chết bất ngờ của Hoàng Đế và lời khai đầy nghi vấn của hung thủ
Một ngày tháng 10/979, vua Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là Đinh Liễn cùng lúc bị giết hại. Cả triều đình rúng động. Quân cấm vệ được huy động lùng sục khắp Hoàng Thành để tìm hung thủ.
Một hôm, giữa trời mưa, một cung nữ bất chợt nhìn thấy có bàn tay người thò ra ở trên máng hứng nước mưa. Kẻ ấy lập tức được lôi xuống. Đó là Đỗ Thích, một viên quan hầu trong cung. Đỗ Thích bị tra khảo và cuối cùng đã nhận hắn chính là thủ phạm sát hại cha con vua Đinh. Nguyên do: hắn nằm mơ thấy có ngôi sao rơi vào miệng, ngỡ là sắp được làm vua nên tìm cách giết chết Hoàng Đế. Với lời cung khai ấy, Đỗ Thích rất nhanh chóng bị trừng phạt.
Vụ án kết thúc. Các đại thần là Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Lê Hoàn cùng nhau đón Hoàng Tử Đinh Toàn rồi lập làm Hoàng Đế, đó là Đinh Phế Đế. Đinh Toàn lúc ấy mới 6 tuổi nên mẫu hậu là Dương Vân Nga được làm Thái Hậu nhiếp chính. Lê Hoàn thì tự xưng là Phó Vương, cùng với Dương Vân Nga thay Đinh Phế Đế chủ trì việc nước.
Chuyện Đỗ Thích giết cha con Đinh Tiên Hoàng với lí do hắn sắp được làm vua nghe có vẻ hợp lí, nhưng khi phân tích kĩ chúng ta sẽ thấy có hai điểm bất thường:
- Đỗ Thích là một viên quan hầu nhỏ nhoi trong cung, thân cô sức yếu, làm thế nào hắn có thể vượt qua đội cấm quân luôn túc trực để hạ sát Đinh Tiên Hoàng rồi lẩn trốn dễ dàng?
- Đỗ Thích giết Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn để hiện thực hóa giấc mộng đế vương của hắn, nhưng hắn lên ngôi cách nào trong khi các trung thần nhà Đinh vẫn còn đó? Vả lại, sao Đỗ Thích không giết luôn Đinh Toàn vì như vậy thì dòng dõi nhà Đinh mới không còn ai, hắn mới có thể lên thay thế được. Chẳng lẽ Đỗ Thích thiếu tỉnh táo đến mức quên tất cả những điều đó hay sao?
Hai điểm bất thường ấy không khó nhận biết nhưng cả triều đình lại bỏ qua không hỏi đến. Phải chăng khi ấy không còn ai có đủ năng lực để suy xét vấn đề? Thêm nữa, cách tra xét và xử tội Đỗ Thích lại rất qua loa, vội vã và đơn giản, càng khiến chúng ta không khỏi không nghi ngờ. Dường như có một âm mưu hiểm độc đằng sau việc làm của Đỗ Thích. Và những kẻ chủ mưu đã sai khiến, tiếp tay cho Đỗ Thích, rồi dùng Đỗ Thích làm vật thế mạng, còn họ thì ung dung ngồi hưởng lợi sau cái chết của Đinh Tiên Hoàng.
|
Đỗ Thích lúc sắp bị hành hình. Tranh minh họa |
2. Ai mới là thủ phạm thật sự?
Những biến động trong nội bộ hoàng tộc nhà Đinh vào những năm cuối đời Đinh Tiên Hoàng càng củng cố thêm nghi vấn về âm mưu nói trên và cung cấp cho chúng ta những tín hiệu để nghi ngờ kẻ chủ mưu chính là Hoàng Hậu Dương Vân Nga.
Sử cũ chỉ biết Hoàng Hậu mang họ Dương, nhưng vì bà quá nổi tiếng nên đã được dân gian gán ghép cho những cái tên rất đẹp đẽ như Dương Vân Nga, Dương Thị Ngọc Vân. Trong đó, cái tên Vân Nga đã trở nên phổ biến và quen thuộc với nhiều người. Dương Vân Nga là một trong năm Hoàng Hậu được Đinh Tiên Hoàng sách lập vào năm 970. Cuộc hôn nhân với bà đã giúp Đinh Tiên Hoàng giành được sự ủng hộ của thế lực họ Dương trong buổi đầu xây dựng đất nước sau khi thống nhất đất nước.
Trở lại câu chuyện, vào thời điểm Đinh Tiên Hoàng lập Hoàng Hậu, ông chỉ có một con trai là Đinh Liễn. Đinh Liễn đã lớn tuổi, từng lập nhiều công trạng trong công cuộc dẹp loạn các sứ quân nên được Đinh Tiên Hoàng phong là Nam Việt Vương và có ý muốn truyền ngôi cho.
Đinh Tiên Hoàng giao cho Đinh Liễn phụ trách việc ngoại giao với nhà Tống (Trung Quốc). Bản thân Đinh Liễn cũng được nhà Tống công nhận là người thừa kế của Đinh Tiên Hoàng.
Năm 974, Dương Vân Nga sinh Hoàng Tử Đinh Toàn. Địa vị của Đinh Liễn không có gì thay đổi. Vài năm sau, một Hoàng Hậu khác sinh Hoàng Tử Đinh Hạng Lang. Từ ngày Đinh Hạng Lang chào đời, địa vị của Đinh Liễn cũng lung lay dần. Đinh Tiên Hoàng đặc biệt yêu quý Hạng Lang, cho là Hạng Lang giống mình lúc nhỏ nên muốn lập làm Thái Tử.
Năm 978, Đinh Tiên Hoàng đã chính thức phong Hạng Lang làm Thái Tử. Đinh Liễn cứ ngỡ rằng ngôi báu sẽ thuộc về mình, nay nghe tin thì vô cùng tức tối. Bởi vậy, đầu năm sau (979), Đinh Liễn đã ngầm sai thủ hạ giết chết Hạng Lang.
Đinh Tiên Hoàng biết chuyện nhưng không truy cứu. Dường như ông đã lấy công để bù tội cho Đinh Liễn. Đinh Liễn thấy thế thì đắc chí, yên tâm rằng ngai vàng sớm muộn sẽ thuộc về mình.
Kết thúc tức tưởi của Hạng Lang cùng việc dung túng thủ phạm của Đinh Tiên Hoàng khiến Dương Vân Nga không khỏi lo lắng. Hạng Lang đã chết nhưng Đinh Liễn vẫn chưa được lập làm Thái Tử. Nếu một ngày nào đó, Đinh Tiên Hoàng bỏ qua Đinh Liễn mà chọn lập Đinh Toàn thì liệu rằng Đinh Toàn có thoát khỏi kết cục như Hạng Lang hay không? Hoặc giả, Đinh Liễn vì muốn đề phòng bất trắc mà xuống tay luôn với Đinh Toàn thì biết làm thế nào? Nếu hai trường hợp ấy không xảy ra và Đinh Liễn yên ổn lên ngôi thì cũng không có gì đảm bảo cho tương lai của mẹ con Dương Vân Nga.
|
Tượng Đinh Tiên Hoàng tại đền vua Đinh (làng Trường Yên Thượng, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) |
Trong tình hình lúc ấy, sự hoang mang của Dương Vân Nga là có cơ sở. Trong số những đại thần bấy giờ, người đang cầm trọng binh và ở tại kinh thành chính là Lê Hoàn (Lê Hoàn lúc này đang giữ chức Thập Đạo Tướng Quân là chức tổng chỉ huy quân đội cả nước).
Rất có thể Lê Hoàn đã nhận biết được nỗi hoang mang của Dương Vân Nga và xem đó là cơ hội không thể bỏ lỡ. Và rồi, hai người họ đã đứng chung thuyền với nhau. Sau đó là màn kịch Đỗ Thích giết vua. Còn Dương Vân Nga thành công đưa con trai lên ngai vàng. Lê Hoàn cũng nhanh tay giành lấy quyền điều khiển việc nước về mình.
Như vậy, trong cái chết của cha con Đinh Tiên Hoàng, Dương Vân Nga có động cơ rất rõ và là người hưởng lợi nhiều nhất. Lê Hoàn cũng thu được mối lợi rất lớn. Sự gắn kết tự nhiên vì quyền lợi giữa hai người này khiến cho vua Đinh cùng con trai phải chết oan uổng. Dương Vân Nga và Lê Hoàn công nhiên thoát khỏi lưới pháp luật, để cho Đỗ Thích gánh thay mọi trách nhiệm trước công luận và lịch sử.
Kết luận nói trên dù ăn khớp với một số sự kiện và diễn biến lịch sử trước và sau cái chết của Đinh Tiên Hoàng, tuy nhiên, nó vẫn thiếu những tư liệu cụ thể để khẳng định chắc chắn. Chuyện Dương Vân Nga và Lê Hoàn mưu giết vua cướp ngôi do vậy vẫn là một nghi vấn lớn của lịch sử, đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.