Đến nỗi vua Minh Mạng phải ban cho hai nghìn quan tiền và vật liệu để ông làm nhà ở cửa đông ngoại thành.
Từ chối chức cao vì sợ không làm tròn
Năm Gia Long thứ 11 (1812), Trịnh Hoài Đức về Kinh dự lễ Ninh lăng Hiếu Khương Hoàng hậu. Đến tháng 7, Trịnh Hoài Đức được cử giữ chức Thượng thư bộ Lễ và kiêm việc Khâm thiên giám. Năm 1813, Trịnh Hoài Đức lại đổi sang Lại bộ Thượng thư và đến năm sau lại vào làm Hiệp tổng trấn thành Gia Định.
Năm Minh Mạng thứ 1 (1820), Trịnh Hoài Đức được cử giữ chức quyền tổng trấn thay Nguyễn Văn Nhân về Kinh. Đến mùa hạ cùng năm Minh Mạng lại vời Trịnh Hoài Đức về Kinh giữ bộ Lại như trước và sung chức phó tổng tài ở Quốc sử quán, lĩnh Lại bộ Thượng thư kiêm cả Binh bộ. Trước khi nhận chức, Trịnh Hoài Đức dâng biểu từ chối vì lĩnh nhiều việc quan trọng sợ không làm tròn, nhưng nhà vua không cho.
Mùa đông năm 1820, Trịnh Hoài Đức hộ giá ra Bắc tuần, đến khi về ông dâng lên nhà vua hai bộ sách: Lịch đại kỷ nguyên và Khang Tế Lục.
Mùa thu năm Minh Mạng thứ 4 (1823), Trịnh Hoài Đức dâng sớ cáo lão và xin được về chốn cũ là Gia Định vì tuổi đã cao và có nhiều bệnh tật. Nhưng nhà vua không muốn để Trịnh Hoài Đức về, bèn sai ngự y trông nom thuốc thang cho ông và ban nhiều sâm, quế để bổ dưỡng sức khoẻ. Đến mùa đông, Trịnh Hoài Đức lại mạnh khoẻ vào bệ kiến tạ ơn vua.
|
Lăng mộ Trịnh Hoài Đức tại Biên Hòa. |
Quan nhất phẩm chưa có dinh thự tử tế
Tuy cuộc đời làm quan đến nhất phẩm, có đủ mọi quyền hành, nhưng cuộc sống của ông vẫn hết sức thanh bần, chưa có dinh thự tử tế. Thấy vậy, vua Minh Mạng mới ban cho hai nghìn quan tiền và vật liệu để cho Trịnh Hoài Đức làm nhà ở cửa đông ngoại thành.
Mùa đông năm Ất Dậu (1825), năm Minh Mạng thứ 6, Trịnh Hoài Đức mất, hưởng thọ 61 tuổi. Vua Minh Mạng vô cùng thương tiếc, bãi triều ba ngày và truy tặng cho Trịnh Hoài Đức là "Thiếu phó Cần chánh điện Đại học sĩ, tên thuỵ là Văn Khác", xuống chiếu xuất tiền kho làm ma, đưa linh cữu Trịnh Hoài Đức về an táng tại Gia Định và sai ông hoàng Miên Hoằng thay mặt đi đưa đám. Khi linh cữu về đến Gia Định thì có cả quan tổng trấn tả quân Lê Văn Duyệt đến phúng viếng và đưa đến huyệt tại làng Bình Tước thuộc tỉnh Biên Hoà.
Trong nhà Hội quán Minh Hương Gia Thạnh ở Chợ Lớn cũng có thần vị Trịnh Hoài Đức và Nhữ Sơn Ngô Nhân Tĩnh.
Khi sinh thời ở Gia Định, Trịnh Hoài Đức cùng Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh đều tụ tập nhau xướng họa mua vui. Văn thơ của ba người ấy nổi danh một thời bấy giờ và hiện nay còn tập Gia Định tam gia thi. Riêng Trịnh Hoài Đức còn có những tập Cấn trai thi tập, Bắc sử thi tập.
Đặc biệt, cuốn Gia Định Thông chí của ông đến nay vẫn được xem là những sử liệu có giá trị đối với các nhà nghiên cứu về lịch sử và địa lý của miền Nam Việt Nam. Những tác phẩm ấy có giá trị về mặt văn học, sử học trong thế kỷ XIX và ngay đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Thơ văn của Trịnh Hoài Đức đến nay vẫn còn lưu giữ được khá nhiều. Hiện nay, ở Hà Nội, TPHCM đều có đường phố mang tên Trịnh Hoài Đức.