Chặng đường mới
Khoảng năm 1939, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Chiến tranh thế giới bùng nổ từ ngày 1/9/1939 đã nhanh chóng lan rộng. Chiến tranh nổ ra làm tình hình chính trị ở Đông Dương chuyến biến. Thời kỳ đấu tranh chính trị trong phong trào mặt trận bình dân đã kết thúc.
Để có nguồn lực phục vụ chiến tranh bên chính quốc, bọn cầm quyền Pháp ở Đông Dương ra sức vơ vét. Cùng với việc vơ vét tài sản, chúng còn ra sức bắt thanh niên ta để đưa sang châu Âu làm bia đỡ đạn cho lính Pháp. Song song với các hoạt động đó, chúng lợi dụng tình hình thời chiến để khủng bố các đảng phái, tổ chức yêu nước của nhân dân ta.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái thời trẻ. Ảnh tư liệu.
|
Trước tình hình đó, Đảng Cộng sản Đông Dương họp hội nghị Trung ương lần thứ 6 đã nhận định con đường sống duy nhất của các dân tộc Đông Dương hiện nay là phải đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả bọn ngoại xâm dù là da trắng hay da vàng để giành lấy độc lập. Về hình thức đấu tranh, để chống lại sự khủng bố của đế quốc, Đảng chủ trương rút vào hoạt động bí mật.
Một ngày tháng 4/1940, thầy giáo Võ Nguyên Giáp được anh giáo Minh báo cho đi gặp đồng chí Hoàng Văn Thụ ở Chèm. Đồng chí Thụ phổ biến nghị quyết Trung ương 6 và thông báo quyết định của Đảng cử đồng chí Giáp và đồng chí Phạm Văn Đồng vượt biên sang Trung Quốc để tìm gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc để nhận chỉ thị trong tình hình mới.
Trong cuốn Từ nhân dân mà ra, tướng Võ Nguyên Giáp cho biết vào lúc đó hoàn cảnh của ông có nhiều khó khăn. Đồng chí Phạm Văn Đồng thì mới vượt tù Côn Đảo trở về, sức khỏe hãy còn yếu. Còn ông thì đã bị mật thám Pháp để ý từ trong các hoạt động chính trị và làm báo công khai của Đảng tại Hà Nội. Mọi hoạt động của ông đều bị mật thám Pháp giám sát.
Tuy vậy, việc Đảng là việc lớn nên dù khó khăn thế nào cũng phải tìm cách khắc phục. Chuẩn bị lên đường, thầy giáo Giáp đã sắp xếp dạy dồn chương trình của ngày thứ bảy vào thứ năm và thứ sáu để được nghỉ 2 ngày không phải đến trường.
Từ mấy hôm trước đó, ông đã viết một bức thư gửi ông giám đốc trường tư thục Thăng Long (khi đó là ông Hoàng Minh Giám). Trong thư viết là về thăm nhà rồi bị mệt nên chưa ra Hà Nội được. Lá thư này được ông gửi về quê để nhờ gia đình sẽ gửi từ Quảng Bình ra Hà Nội sau khi ông đã đi khỏi Hà Nội.
Vào giờ đi dạy học của ngày thứ sáu, Võ Nguyên Giáp ngoái lại nhìn căn nhà – tổ ấm của mình, lòng thầm nghĩ chắc còn lâu mới quay trở về đây, khi đó chắc sẽ có nhiều sự thay đổi rồi. Thực vậy, cuộc đời ông đã bước sang một chặng đường mới, từ một người dạy sử trở thành một người làm nên lịch sử.
Buổi chia ly
Chúng ta đã biết cuộc hôn nhân đầu của Đại tướng là với bà Nguyễn Thị Quang Thái. Bà là em gái nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai và cũng là một người tích cực hoạt động từ khi còn là nữ sinh. Chính trong hoạt động mà hai người quen nhau và đến với nhau.
Họ có một người con gái là Võ Hồng Anh. Do cả hai vợ chồng cùng hoạt động cách mạng và việc ông ra đi là bí mật nên họ không thể công khai đưa tiễn nhau. Buổi chia ly của họ cũng phải làm hết sức bí mật, thận trọng.
Trong cuốn Từ nhân dân mà ra do Hữu Mai ghi theo lời kể của Đại tướng có đoạn nói về buổi chia ly năm ấy: “Năm giờ chiều, tan học. Tôi lững thững đi về phía hồ Tây như một người dạo mát. Hoa phượng nở đỏ trên vòm cây. Tiếng ve sầu kêu ra rả. Tôi vừa đi vừa để ý nhìn trước, nhìn sau xem có mật thám theo dõi không. May sao, chiều hôm dó, không thấy bóng dáng bọn chúng. Từ ngày địch bắt đầu khủng bố, trước khi tôi gặp anh Hoàng Văn Thụ, các anh cũng đã cho biết là tôi sẽ chuyển vào hoạt động bí mật. Nhưng chúng tôi khi đó mới có cháu nhỏ chưa đầy năm, chưa nhờ ai nuôi được. Chị Thái hẹn khi nào gửi được con, sẽ đi sau.
Đến đường Cổ Ngư, qua chùa Trấn Vũ, thấy chị Thái ẵm cháu Hồng Anh đã đứng đợi ở gốc cây vắng người. Chị Thái rơm rớm nước mắt, thỉnh thoảng lại quay về phía hồ để mọi người khỏi chú ý. Tôi nói với chị Thái, ở nhà giữ liên lạc với các anh, tiếp tục công tác, cố gắng gửi gắm Hồng Anh để đi bí mật. Chị Thái nhắc tôi, hết sức giữ gìn sức khỏe và cẩn thận trong khi hoạt động, gắng tìm cách báo cho nhà biết tin. Một đôi người quen đi ngang chào hỏi, tưởng chúng tôi đang đứng hóng mát. Chúng tôi đang nói chuyện thì có tiếng người hỏi phía sau: Thầy có đi xe không? Tôi quay lại thấy anh giáo Minh kéo một chiếc xe tay đứng đợi. Tôi chia tay chị Thái lên xe, không ngờ phút chia tay đó lại là phút vĩnh biệt”.
Sau đó nhóm anh giáo Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp bắt xe lửa đi Lào Cai rồi lén vượt sông Nậm Ti – ranh giới Lào Cai và Vân Nam. Chuyến đi này đã đưa Võ Nguyên Giáp gặp Bác Hồ và được Người phát hiện ra tài năng để giao trọng trách lớn. Đây chính là bước khởi đầu để Tướng Giáp trở thành một nhân vật lịch sử sáng chói của nước ta trong thời đại Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, về mặt cuộc sống gia đình, Tướng Giáp không thể ngờ buổi chia tay ở hồ Tây là lần cuối cùng ông và người vợ thân yêu Nguyễn Thị Quang Thái gặp mặt. Nguyễn Thị Quang Thái bị thực dân Pháp bắt vào năm 1942. Trong nhà tù, địch dùng mọi cực hình tra tấn để tìm cho ra mối liên hệ của bà với Hoàng Văn Thụ nhưng không được.
Bà cam chịu mọi cực hình để giữ vững khí tiết người Cộng sản. Sau 1 năm rưỡi chịu các hình thức tra tấn dã man, bà đã hy sinh năm 1944. Tuy vậy, tin này tướng Giáp phải hơn 1 năm sau mới hay biết khi gặp Tổng bí thư Trường Chinh trong hội nghị quân sự Bắc Kỳ trước Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Giây phút ấy ông đã chết lặng hồi lâu. Đó thực là một mất mát lớn trong đời ông.