Cô giáo gợi ý quà Tết từ mẹ đến con

Google News

(Kiến Thức) - Vì món quà của tôi giản dị quá so với những phụ huynh khác chăng mà còn những hơn 1 tháng nữa mới đến Tết âm, cô giáo của con tôi đã liên tục gợi ý chuyện quà cáp.

Con tôi học lớp 5, một trường công khá  có tiếng. Chính vì vậy, như mọi phụ huynh khác, tôi cũng rất chú ý chăm sóc cô. Tôi không dám quên một ngày lễ nào, thậm chí kể cả ngày sinh nhật của cô. Tôi phải ghi vào sổ từng sở thích, cỡ giày, cỡ áo quần của cô, nói thật… còn chu đáo hơn cả chăm chồng.

Chẳng biết các cô giáo quá tham lam, hay tại những phụ huynh như chúng tôi đã vô tình tiếp tay làm hư các cô, mà tôi thấy các cô càng ngày càng có những hành động quá quắt.

Tết dương vừa qua, tôi cũng đã mua 1 gói quà nhỏ để con tặng cô. Có thể, vì món quà của tôi giản dị quá so với những phụ huynh khác chăng mà còn những hơn 1 tháng nữa mới đến Tết âm, cô giáo của con tôi đã liên tục gợi ý chuyện quà cáp.

Đi học về, con bảo, mẹ nhớ phải đi Tết cô chu đáo nhé. Con dặn đi dặn lại, rằng cô bảo con và các bạn là “Các cụ có câu: mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy – Thầy cô được xếp ngang hàng với bố mẹ nên các con phải có tôn kính”. Trẻ con bây giờ khôn hơn tuổi, cô chỉ cần nói vậy là chúng biết về yêu cầu cha mẹ phải có quà, mà quà phải kha khá cho cô.

Tưởng chỉ vậy cũng đã đủ khó chịu rồi, nhưng hôm bữa tôi đưa con đi học, cô lại tiếp tục gợi ý. Nghe qua thì tưởng là cô cảm ơn món quà tết Dương của tôi, hóa ra cô còn cố thêm vào một câu: “các anh chị cứ làm em khó nghĩ quá, có mấy bác đã tặng quà tết Dương rồi lại còn mừng tuổi tết âm từ bây giờ nữa…. Người ta lại nghĩ chúng em…” Cứ lấp lửng như vậy nhưng tôi có phải đầu bã đậu đâu mà không hiểu ý cô.

Thực ra, tôi vốn rất kính trọng những người giáo dục, dạy dưỡng con em mình. Mỗi món quà mỗi ngày lễ tôi đều thành tâm chuẩn bị cho các cô chứ chưa bao giờ làm theo kiểu adua, đối phó. Tôi cũng đã định bụng gần Tết sẽ đến cảm ơn cô, có giỏ quà tết và phong bao lì xì… Nhưng cách gợi ý trơ trẽn, có phần có thực dụng của cô khiến tôi khó chịu vô cùng.

Tôi không muốn làm những việc mình không thích. Song, tôi lại lo nếu tôi cứ mặc kệ, con tôi sẽ ít được quan tâm, mà cháu đang ở năm cuối của bậc học. Mà cứ làm vậy, tôi thấy con mình và cả các bạn của con sẽ hình thành một tư duy tiêu cực về các thầy cô, bố mẹ, về xã hội hiện tại.

Tôi khó xử quá. Làm ơn cho tôi một lời khuyên!

Trịnh Lan Anh (Kim Liên, Hà Nô%3ḅi)
Co giao goi y qua Tet tu me den con
 Ảnh minh họa


Đáp: Câu chuyện của chị có lẽ là tình huống mà không ít phụ huynh phải đối mặt. Thực ra, không phải cô giáo nào cũng “tham lam”, gợi ý quà cáp cha mẹ học sinh như người mà chị gặp. Có những giáo viên trốn ngày lễ để tránh phong bì, hoặc trả lại phong bì và quà mà học sinh tặng.

Thực ra, cái gì cũng có từ hai phía. Nếu không có phụ huynh “tiếp tay”, lo quà cho giáo viên để cô giáo quan tâm đến con mình, thì cũng chẳng có phong trào biếu quà và phong bì thầy cô ngày càng rầm rộ và phổ biến. Và dĩ nhiên, câu chuyện này sẽ chẳng bao giờ dừng lại khi ai cũng phải chạy theo đám đông vì sợ điều bất lợi cho con mình.

Không có gì mới mẻ cả, chị chỉ có hai lựa chọn như chị đã biết. Cách thứ nhất là ôm ấm ức trong lòng để chiều theo ý cô cho yên chuyện. Với cách này, như chị nói, ngoài việc bản thân chị khó chịu, con chị cũng sẽ có cái nhìn tiêu cực về nhà trường và xã hội. Con có thể nghĩ rằng đi học, rồi sau này đi làm, điều quan trọng nhất không phải là năng lực, sự phấn đấu của mình, mà là “phong bì”, biết luồn cúi quan hệ…

Cách thứ 2 là biếu quà theo tấm lòng và khả năng hiện có của chị, đối mặt với nguy cơ cô có thể ít quan tâm đến con. Chị hãy hình dung trước những điều có thể xảy ra với con để chuẩn bị tinh thần cho mình và cả cho cháu (mặc dù với nhiều trường hợp, thầy cô cũng không đến mức trù dập học sinh vì bố mẹ không biếu quà như nhiều phụ huynh lo lắng.) Nếu lựa chọn cách này, cũng có thể con chị sẽ phải đối mặt và làm quen với sự không công bằng, bất công vốn cũng không ít trong xã hội. Đó sẽ là điều khó khăn nhưng cũng là thách thức mà qua đó cháu có thể rèn luyện mình, thích ứng một cách mạnh mẽ và có chính kiến.

Đi ngược lại đám đông để làm điều đúng với lương tâm vốn không phải là việc dễ dàng, nhưng bù lại, ý chí sẽ được tôi luyện và tinh thần được thanh thản, con chúng ta cũng học được cách đứng vững trên đôi chân của mình dù cuộc đời vẫn còn nhiều điều tiêu cực. Chúc chị sáng suốt!

Ths tâm lý Phạm Văn Hùng


>> xem thêm

Bình luận(0)