Giữa trưa hè nắng gắt, ông Khìn thoăn thoắt đưa bước chân băng qua mấy quả núi cao sừng sững giáp ranh giữa huyện Cao Lộc và huyện Văn Quan dẫn chúng tôi đến khu rừng toàn gỗ quý. Dưới những tán rừng còn có cả rau bò khai - một loại đặc sản của Lạng Sơn và một đàn dê đông đúc kêu vang khắp cánh rừng...
Giang hồ gác kiếm về rừng
Dẫn chúng tôi đến một mỏm đá cao nằm cheo leo trên đỉnh núi cao, ông Khìn hướng về xung quanh rồi tự hào: "Đấy! Toàn bộ khu rừng nghiến, kháo, lát... này là của tôi, dưới chân núi là rau bò khai, trong các kẽ đá là cây mận... Đây là công lao vun trồng, bảo vệ suốt hơn 20 năm nay của tôi".
Nói rồi, ông trần tình với chúng tôi về cái duyên với rừng, với mây ngàn gió núi. Theo đó, quê gốc của ông ở huyện Văn Quan. Hồi nhỏ, cuộc sống của gia đình ông dựa vào rừng vào núi, muốn lấy củi đốt thì vào rừng, thực phẩm hàng ngày cũng dựa vào việc đánh bẫy. Ông bảo: "Tôi đánh bẫy giỏi đến mức đi đến đâu thợ săn cũng phải van xin bảo đánh ít thôi, để dành cho người khác còn lấy đường sống. Nói thế để thấy rằng cuộc sống quá khó khăn, muốn có cái ăn, dân bản phải vào rừng bẫy thú, đào củ mài, củ ấu...". Vậy nhưng những khó khăn này dường như chẳng thấm tháp vào đâu so với thời gian sau này khi ông bị đẩy ra khỏi rừng mất nhà, cửa, ruộng vườn, gia đình li tán khắp nơi vì nợ nần.
|
Một tay ông Khìn bảo vệ 30ha rừng khỏi bàn tay lâm tặc. |
Năm lên 16 tuổi, ông theo gia đình chuyển sang xã Bình Trung, huyện Cao Lộc sinh sống trong hoàn cảnh cả nhà không có nổi một bát gạo nấu cháo, ruộng vườn không có, đồi núi cũng không. Khi đi vay hàng xóm thì nhiều người không cho vì sợ ông không trả được nợ. Uất quẫn, ông lại lên rừng đánh bẫy thú đem đổi gạo và bán, số tiền dư ra ông dồn để buôn bán từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Một thời gian ngắn sau, ông Khìn trở thành tay buôn khét tiếng ở khu vực biên giới Việt - Trung. Để sống được bằng buôn bán, tự ông phải chống trả quyết liệt các phe phái làm ăn khác để vươn lên: "Hồi đó tôi học được một chút võ nghệ nên đánh nhau trận nào cũng thắng. Về sau người khác cứ gọi tôi là "đại ca" thì tôi biết vậy chứ có béo bổ gì với cái danh ấy".
Chán buôn bán, giành giật, đánh đấm nhau quanh biên giới, ông Khìn lại chuyển sang buôn thuốc phiện với địa bàn hoạt động chính vẫn trong tỉnh Lạng Sơn. Ông kể: "Chuyện là tôi hay đi buôn đến những nơi hẻo lánh như Hữu Liên, Trấn Yên... ở đó nhiều người hay bỏ độc hại người khác. Muốn sống được ở đây phải cho những đứa hay bỏ độc hút thuốc phiện, nó nghiện rồi sẽ phải phụ thuộc mình và sẽ không dám bỏ độc mình nữa. Chính vì thế mà tôi cứ ung dung đến những nơi này làm ăn mà chẳng bị làm sao".
Đến năm 1993, khi Nhà nước triển khai việc giao đất giao rừng cho người dân quản lí, ông Khìn xin được nhận khoán 30ha rừng núi đá, chính thức từ dã việc buôn bán lắm thị phi...
|
Một ngày, gia đình ông Khìn có thể thu 1,5 - 2 triệu đồng từ việc bán rau bò khai. |
Lên núi trồng rừng
Dẫn chúng tôi đến một góc rừng toàn những cây nghiến, lí xen lẫn cây mận... ông Khìn nhớ lại thời điểm mới nhận rừng: "Lúc đó, khu rừng núi đá bị chặt phá tan hoang, toàn đá lởm chởm không còn màu xanh nên người dân xung quanh không ai nhận. Thế rồi tôi xin chính quyền nhận quản lí khu vực này và được chính quyền chấp nhận. Ngay sau đó, tôi đi mua vài đôi dê thả lên núi, cùng với đó là nuôi lại và trồng mới các loại nghiến, lát, kháo, gỗ thơm...
Thực phẩm hằng ngày của gia đình tôi cũng lại dựa vào rừng, như rau bò khai có sẵn không phải trồng cấy, chăm sóc, thịt chuột, thịt cầy cũng đánh được từ trong rừng, nuôi dê lớn lên thì bán lấy tiền... Lúc cao điểm, trong rừng nhà tôi có hàng trăm con dê, rau bò khai thì bán không kịp so với nhu cầu của thị trường. Đặc biệt là số lượng gỗ quí đã được phủ khắp 30ha rừng. Cây to thì cũng đã bằng cái thùng, vại, cây bé thì bằng bắp đùi...".
Theo ông Khìn thì năm 2010 có vài thương lái từ tỉnh Bắc Ninh lên gạ ông bán gỗ quí trong rừng với giá 3 tỷ đồng, nhưng ông nhất quyết không bán. Ông bảo: "Tôi giữ rừng là để cho đời sau, có rừng tôi sẽ chăn nuôi được nhiều dê hơn, rau bò khai sẽ mọc dưới tán rừng rậm và gia đình tôi lại có thu nhập lâu dài, ổn định. Nếu bán rừng đi thì đời sau sẽ chẳng còn biết lấy cái gì để mà sống".
|
Ông Khìn nuôi dê trong những hang đá trong rừng. |
Dùng "luật rừng" để giữ rừng
Ông Khìn thú nhận: "Để 30ha gỗ quý không bị sứt mẻ dù chỉ một cây tôi đã phải sử dụng đến "luật rừng". Tôi không thể đem pháp luật của Nhà nước ra để nói chuyện với lâm tặc. Pháp luật không có tác dụng trong rừng thẳm. Vậy nên ai mạnh người nấy thắng, đã vô số lần tôi phải dùng mạng của mình để đổi lấy sự bình yên như hôm nay".
Nói rồi ông nhảy phắt qua những mỏm đá cheo leo dẫn chúng tôi đến một gốc nghiến rồi bảo: "Cách đây khoảng 10 năm, một nhóm lâm tặc từ bên Văn Quan đem theo cưa, dao, kiếm, súng kíp đến để chiếm rừng, chặt nghiến. Phát hiện bọn này đang di chuyển đến gốc cây nghiến này, tôi lập tức chặn đường chúng nó. Lúc đó bọn nó có 5 thằng, nó giơ súng, dao lên bảo tôi "biến đi" nếu không muốn chết thối trong rừng. Không để cho chúng kịp ra tay, tôi lao qua gốc cây tung người đá bay khẩu súng của thằng đứng giữa. Sau đó tôi tiếp tục đánh nhau với 4 thằng còn lại, thu được 4 con kiếm dài gần 1m và khống chế được một thằng giải lên chính quyền, ba thằng còn lại bỏ chạy về Văn Quan".
Theo ông Khìn, năm 2008 cũng có 7 người ở huyện Văn Quan đem theo cưa máy và vũ khí vào rừng định chặt trộm nghiến, táu để bán, vì thời điểm này giá gỗ nghiến đang lên cao. Ông Khìn một tay đánh nhau với 7 lâm tặc. Sau khi đánh bại 7 tên cướp rừng, ông Khìn thả chúng về và răn rằng: "Từ mai đừng bén mảng đến khu rừng này nữa". Kể từ năm 2008 đến nay, ông Khìn không thấy toán lâm tặc nào bén mảng vào khu rừng của gia đình ông nữa.
"Nếu khai thác hết số lượng rau bò khai có trong rừng để bán thì mỗi ngày gia đình tôi có thể thu về 1,5 - 2 triệu đồng. Đó là chưa tính thu nhập từ chăn nuôi dê. Mô hình trồng rừng của gia đình tôi đã được một số tỉnh như Bắc Kạn, Cao Bằng đến tham quan, học hỏi để nhân rộng ra nhiều nơi khác".
Ông Tăng Tống Khìn
|
ĐANG ĐỌC NHIỀU