Cô gái ấy tên là Lê Thị Hằng, con ông Lê Ngọc Niềm, một cựu chiến bình trở về từ chiến trường Quảng Trị và bà Nguyễn Thị Cúc ở thôn Mã, xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
|
Hằng tìm niềm vui, xoa dịu nỗi đau bằng phím đàn. |
Ông Lê Ngọc Niềm kể: Hằng là con út trong 3 người con mà vợ chồng ông sinh ra. Thế nhưng, vừa chào đời thì Hằng đã rụng hết tóc trên đầu, lộ ra cả mảng đầu trọc lóc với vài sợi tóc lơ thơ. Khủng khiếp hơn, một thời gian ngắn sau đó, lớp da trên toàn thân của Hằng cứ khô đi, teo lại nứt nẻ rồi bong ra và rụng từng mảng lớn. Da khô vừa rụng lại lên lớp da non bên trong đỏ hỏn với nhiều chỗ nứt nẻ, chảy máu làm Hằng đau đớn khóc mãi không thôi.
Thương con, vợ chồng ông Niềm đã đưa Hằng đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Thế nhưng đưa Hằng đến đâu các bác sỹ cũng đều lắc đầu bảo bị bẩm sinh, là di chứng từ chất độc màu da cam quái ác mà ông Niềm bị nhiễm trong chiến trường, không có cách gì chữa được hết.
Biết thế nhưng vì mỗi lần nhìn con đau đớn, da nứt nẻ rướm máu thì vợ chồng ông bà không thể chịu nổi lại đưa con đi, nghe ai mách ở đâu có thầy thuốc giỏi là đi. "Dù chữa không lành bệnh nhưng cũng hy vọng giảm đau cho cháu, bởi mỗi lần da nứt ra là đau lắm, máu rỉ từng đường.” – Ông Niềm nói.
Có một điều an ủi đối với vợ chồng ông Niềm, tuy mắc phải căn bệnh lạ, khó chữa nhưng đầu óc Hằng hoàn toàn bình thường, thậm chí rất thông minh. Hằng không đi học nhưng nhờ ông bà Niềm và những đứa trẻ hàng xóm bày cho nên cô có thể đọc được những dòng chữ cơ bản để xem tivi.
Cách đây chừng 10 năm, sau những lần xem tivi cùng con, ông Niềm nhận ra một điều là Hằng rất thích các chương trình âm nhạc, đặc biệt khi xem các nghệ sỹ chơi nhạc trên tivi là ánh mắt Hằng sáng lên. Thấy vậy, ông liền lặn lội xuống thành phố mua cho con cây đàn điện tử và một cuốn sách các bài hát. Nhờ kiến thức âm nhạc học được ở đồng đội từ thời đi chiến trường, ông Niềm bắt đầu dạy cho con từng nốt nhạc đầu tiên. Ngày qua ngày, hai cha con miệt mài lấy que gõ trên bàn theo từng cung điệu trầm bổng của từng nốt nhạc. Sau đó ông cắt giấy ghi từng nốt nhạc dán lên từng phím đàn cho con dễ nhận biết.
Kiên trì như vậy một thời gian thì Hằng đã bắt đầu chơi được đàn. Cô đánh say sưa, liên tục từ bài này sang bài khác, nào là "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng", "Việt Nam quê hương chúng tôi", "Đàn theo ta đi qua suối qua rừng"…
Bàn tay 10 ngón của Hằng ngày càng khô cong quéo, teo tóp lại, trên đó lại có chi chít vết nứt khiến cô quằn quại. Trong bàn tay ấy, chỉ 3 ngón ở tay trái và 2 ngón ở tay phải là đủ lực ấn lên phím đàn nhưng cũng đủ tạo nên những bản nhạc lay động lòng người…
Cũng từ đó đến nay, trong căn nhà của vợ chồng ông Niềm đều đặn suốt bốn mùa vang lên những âm thanh trầm bổng từ tiếng đàn của cô gái bị nhiễm chất độc da cam. 10 năm qua cây đàn là người bạn tri ân để Hằng vượt qua những cơn đau sau những lần thay da…
“Những năm tháng đưa con đi chữa bệnh, gia đình tôi thực sự mang ơn rất nhiều tấm lòng trên cả nước. Đặc biệt trong 3 năm qua, có một người bác sỹ tên Hùng ở tận trong TP.Hồ Chí Minh mà vợ chồng tôi chưa một lần gặp mặt cứ đều đặn hàng quý gửi thuốc cho con bé Hằng bôi, điều trị. Bôi những lọ thuốc do bác sỹ Hùng gửi ra làn da con bé mềm và đỡ nứt nẻ, chảy máu như trước đây…” – ông Lê Ngọc Niềm.