“Nặng nợ” nghề sông nước
Cụ Bùi Thị Xong (71 tuổi, trú thôn 2 – Hà Trung, phường Cẩm Nam, TP Hội An, Quảng Nam) đã mưu sinh nghề sống nước hơn nửa thế kỷ, nhưng chèo đò đưa khách du lịch thì mới được hơn 20 năm. Cùng với chồng mình, cụ Đỗ Tới, vợ chồng cụ Xong như “nhân chứng sống” cho sức sống của phố cổ.
|
Cụ Xong, cụ Tới đã có hơn 20 năm chèo đò du lịch. |
“Phố cổ Hội An nay đã khác xưa nhiều lắm nhưng cái hồn của nó thì vẫn còn mãi, không lẫn vào đâu được. Mỗi ngày đi đò qua phố lại vui thích khi nghĩ về tuổi thơ của mình”, cụ Xong vừa nhai trầu vừa bộc bạch nỗi lòng.
Hơn 50 năm chung sống dưới một mái nhà, chia sẻ ngọt bùi đắng cay, tình cảm lúc về già của 2 vợ chồng cụ lại càng thêm khăng khít. Con đò nhỏ cùng phố cổ đã trở thành “minh chứng” cho tình yêu của hai cụ.
Cụ Tới tâm sự: “Thì ngày xưa thích nhau là đến với nhau. Rồi không nghề, không nghiệp nên mới ra sông Hoài mưu sinh. Dần dà cũng quen mới tập tành mua ghe thúng bơi chở hàng. Về sau rồi cũng thành quen luôn.
20 năm trở lại đây, khi Hội An phát triển nghề chèo đò du lịch thăm phố Hội, làng chài thì mới mạo mụi đăng ký. Kể từ đó, vợ chồng già bám riết… Rồi cũng thấm thoát 20 năm rồi đó. Lắm lúc thấy nặng nợ hơn với quê hương.”
Đã bước sang tuổi “xế chiều” nhưng hai cụ vẫn ngày ngày chở bao lượt khách dọc sông Hoài tham quan phố cổ. Sáng tầm 8h, vợ chồng lại ra khúc sông này mưu sinh đến tầm 16 - 17h là về.
Công việc vô cùng vất vả không chỉ bởi sự khắc nghiệt của khí hậu miền Trung mà cũng bởi nhiều tuổi nên chân tay hay đau nhức. Thế nhưng khi chúng tôi đề cập tới việc sao cụ không nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, thì cụ Xong nở nụ cười nói: “Những ngày mà đổ bệnh không ra bến sông chở khách là buồn lắm, đi là có vợ có chồng, chớ đi một mình buồn lắm.”
|
Hai cụ ngày ngày chèo đò làm kế sinh nhai. |
Mỗi chuyến đò khách tham quan cụ kiếm được tầm 50.000 - 100.000 đ. Ngày nào 2 cụ cũng đưa được 3 - 4 chuyến đò như thế. Tuy nghề thì vất vả, nhưng đem lại nhiều niềm vui cuộc sống. “Đó là cái duyên của mình rồi, sao mình bỏ được. Ngày nào cũng qua khúc sông này, nhìn ngắm phố cổ, nghe du khách hàn huyên không chán” - cụ Xong chia sẻ.
Gia cảnh vợ chồng cụ Xong cũng thuộc diện khó khăn. Vợ chồng cụ có 3 người con. Hiện hai người đã lập gia thất và ở riêng cuộc sống cũng không mấy khá giả, còn 1 người con trai bị tật bẩm sinh sống cùng. Mỗi ngày, số tiền kiếm được chẳng thấm vào đâu cho việc chữa chạy bệnh cho con thế nhưng chưa một lần nụ cười bị đánh mất trên khuôn mặt cụ. “Tuy khó đó, nhưng cũng thấy hạnh phúc. Không cầu mong gì hơn,…”, cụ Tới lạc quan nói.
“Người mẫu U70”
Bất cứ ai khi đến với phố Hội chùa Cầu sẽ không thể nào bỏ qua hình ảnh
những ông cụ. bà cụ chèo đò trên sông Hoài. Những hình ảnh tưởng chừng mộc mạc và đời thường này lại làm nên bản sắc văn hóa trong cốt cách con người và vùng đất Hội An. Có vị khách từng “thốt” lên rằng khi gặp cụ Xong: “khuôn mặt cụ sao phúc hậu và đáng yêu đến thế. Nhìn cụ như tìm thấy một niềm vui, sự lạc quan vươn lên trong cuộc sống.”
|
Mỗi chuyến chèo đò với giá 50.00 đồng. |
Chính nét thân thiện và hồn nhiên đã khiến cụ Xong từng trở thành “người mẫu” ảnh bất đắc dĩ cho nhiều nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước. Trong vô số những bức ảnh đẹp và ấn tượng về cụ Xong, có lẽ chỉ có nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn Croquevielle là người khắc họa thành công nhất.
Réhahn Croquevielle đã đặt chân trên 30 quốc gia để thỏa mãn niềm đam mê du lịch và nhiếp ảnh của mình, trong đó có Việt Nam. Và mảnh đất Hội An đã níu chân vị nhiếp ảnh gia này như là một cơ duyên.
Cụ Xong cùng với bức ảnh xúc động đã làm lay động hàng triệu trái tim trên thế giới. Và cũng chính bức ảnh cụ Xong đã đem về cho Réhahn Croquevielle nhiều phần thưởng danh giá, và trên hết là động lực để anh theo đuổi đam mê và chọn mảnh đất Hội An, đất nước Việt Nam làm quê hương thứ hai của mình.
|
Bức hình nổi tiếng về cụ Xong trên bìa sách nước ngoài. |
Tại mảnh đất Hội An, anh đã “ nhấp máy” được khoảnh khắc nụ cười giản dị của một cụ bà và cũng trở thành ảnh bìa chính cho tập sách đầy mong đợi của mình “ Việt Nam – những mảnh ghép tương phản.”.
Hình ảnh nụ cười rạng ngời bị che khuất sau đôi bàn tay già nua và khắc khổ đã gợi cho mọi người nhiều điều về cuộc sống mà theo nhà nhiếp ảnh gia này từng chia sẻ: “mọi người có thể xem và cảm nhận theo cách tự nhiên mà họ nghĩ giống như cách anh chụp các mẫu ảnh cho mình vậy…
Cụ Xong chính là nguồn cảm hứng cho những bộ ảnh của tôi. Người Việt là những con người tích cực và lạc quan nhất. Khi bắt gặp một nụ cười tôi lại tiếp thêm được năng lượng.”
Bức ảnh của cụ không chỉ trở thành ảnh bìa cho chính tập sách của Réhahn Croquevielle mà còn xuất hiện trên nhiều tờ báo thế giới như Anh, Pháp,.. đưa nụ cười Việt Nam gần hơn với quốc tế, tiếp sức mạnh cho những người tuyệt vọng trong cuộc sống.
Hiện tại, tập sách “ Việt Nam – những mảnh ghép tương phản” đã được xuất bản ở nhiều nước nhằm thực hiện chiến dịch “ Những nụ cười ẩn dấu”.